Cụm từ “văn hóa” được gắn với hầu hết các hoạt động xã hội, các ngành và ngày càng trở nên phổ biến, như văn hóa giao thông, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, văn hóa học đường… Đó không phải là mỹ từ nói suông mà có những tiêu chí cụ thể gắn với hoạt động của từng ngành nghề, lĩnh vực. Với văn hóa công sở cũng vậy, cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương cũng cần hướng đến thực hiện các chuẩn mực trong quá trình thực thi công vụ.
Thực ra, văn hóa công sở không phải đến bây giờ mới được đặt ra. Từ khi thành lập nước đến nay, đây là vấn đề luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm. Năm 2007 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg, về “Ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước”. Mới đây nhất, ngày 27/12/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1847/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ. Đề án này hướng đến việc nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội.
Văn hóa công sở không chỉ bó hẹp về tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; chuẩn mực đạo đức, lối sống; trang phục của cán bộ, công chức, viên chức mà được nhìn nhận dưới nhiều góc độ như cảnh quan môi trường nơi làm việc, phương pháp tổ chức, quản lý, hiệu quả công việc… nhằm xây dựng công sở văn minh, lịch sự, hoạt động đúng pháp luật, đạt hiệu quả cao. Xét ở góc độ hiệu quả, xây dựng văn hóa công sở là xây dựng và khẳng định thương hiệu của công sở trong xã hội.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc nhận thức về văn hóa công sở ở một số cơ quan, đơn vị, cá nhân vẫn còn phiến diện, chưa chú trọng đến xây dựng nề nếp tác phong, phương pháp làm việc khoa học, hợp lý, hợp pháp; xây dựng các mối quan hệ giữa cấp trên - cấp dưới, giữa đồng nghiệp với nhau theo quy chế, kỷ luật lao động. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước có biểu hiện kém văn hóa trong thực thi nhiệm vụ như tỏ ra thờ ơ, vô cảm trước nguyện vọng của công dân; đi muộn về sớm, làm việc riêng trong giờ hành chính…
Với Thừa Thiên Huế, từ cuối năm 2012 UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 51 về tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Hàng năm, tỉnh đều thành lập Đoàn Kiểm tra, giám sát Chỉ thị 51/CT-UBND ra quân kiểm tra, giám sát tại một số sở, ngành, địa phương, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Mới đây nhất, UBND tỉnh đã ban hành quy định về quy tắc ứng xử của cán, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh (theo Quyết định 48/2018/QĐ-UBND, ngày 31/8/2018).
Để phong trào thi đua về thực hiện văn hóa công sở đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến thực sự ở từng cơ quan, đơn vị và mỗi cá nhân, trên cơ sở các tiêu chí chung các đơn vị cần cụ thể hóa các nội dung, tiêu chí phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và chức trách từng cá nhân. Trong đó, cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu và việc bình xét thi đua cần đi vào thực chất, tạo động lực phấn đấu cho từng cơ quan, đơn vị, cá nhân.
Hoàng Minh