ClockThứ Ba, 28/08/2018 06:30

Trân quý quá khứ và những giá trị lịch sử

TTH - Câu chuyện kể về đại gia đình có 8 liệt sĩ và 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở thôn Hà Úc, xã Vinh An (Phú Vang) mà chúng tôi được nghe trong dịp kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám thật xúc động.

Công an tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tri ân nhân ngày 27/7Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu thăm, tặng quà gia đình chính sách

Đại tá Lê Văn Vũ trao số tiền hỗ trợ gia đình Anh hùng liệt sĩ Trần Xuân Miễn sửa chữa lại nhà thờ liệt sĩ

Ông Đinh Khắc Duyệt là cháu ngoại của Anh hùng liệt sĩ Trần Xuân Miễn kể cho chúng tôi nghe về thời kỳ vào sinh ra tử, những tháng năm ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong cuộc trường chinh đó, trên quê hương cách mạng Phú Vang có biết bao người con lên đường bảo vệ Tổ quốc. Đại gia đình Anh hùng liệt sĩ Trần Xuân Miễn là một trong số những gia đình tiêu biểu.

Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, ông Trần Xuân Miễn đã tham gia cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa. Trong quá trình hoạt động, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đầy mưu trí, dũng cảm và sáng tạo..., đã cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công vang dội.

Là người giỏi chữ Nho, biết chữa bệnh Đông y, ông Trần Xuân Miễn luôn giúp đỡ người nghèo. Nhờ uy tín và lòng dũng cảm, ông tập hợp nhiều thanh niên ưu tú tham gia cách mạng. Từ ngày 18 - 20/8/1945, ông tham gia giành chính quyền tại tổng Kế Mỹ. Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo cấp trên, ông đã buộc tên Hoàng Truật (Lý Truật) - Lý trưởng thôn Hà Úc đúng giờ qui định phải mang giấy tờ, vũ khí và con dấu đến đình làng để giao nộp cho chính quyền cách mạng. Điều này giúp việc giành chính quyền tại đây diễn ra thuận lợi, không đổ máu.

Ông Trần Xuân Miễn có công lớn khi tham gia bắt nhiều tên ác ôn đầu sỏ lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng, đưa đi cải tạo. Và rất nhiều chiến công xuất sắc khác của ông đã góp phần viết nên trang sử vàng chói lọi trong lịch sử Công an tỉnh nhà cũng như quê hương Thừa Thiên Huế anh hùng.

Ngược dòng lịch sử, ông Đinh Khắc Duyệt chậm rãi: “Tháng 2/1947, trong một lần đi công tác, ông Miễn bị địch bắt ở đồn Hà Thanh - Hà Úc. Biết ông là cán bộ trung kiên cách mạng, địch dùng mọi thủ đoạn hèn hạ hòng mua chuộc, dụ dỗ nhưng không làm lay chuyển được. Mặc cho chúng tra tấn dã man, tàn bạo nhưng với ý chí sắt đá, một lòng đi theo cách mạng ông Miễn vẫn một mực không khai báo. Hàng ngày, chúng cột ông và kéo lê từ đồn Hà Thanh đến nhà thờ Hà Úc. Không khai thác được gì, địch đã đưa ông ra đình làng Hà Thanh để xử bắn”. Hiên ngang trước mũi súng của kẻ thù, Anh hùng liệt sĩ Trần Xuân Miễn vẫn dõng dạc hô vang: “Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm! Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!". Sau đó, địch chặt đầu, bêu xác ông tại làng Hà Úc để uy hiếp tinh thần những người đi theo kháng chiến, nhưng điều này càng thổi bùng ngọn lửa căm hờn, chống ngoại xâm và noi gương khí tiết kiên trung Anh hùng liệt sĩ Trần Xuân Miễn của Nhân dân nơi đây.  

Lần lượt các người con, người cháu, cả người vợ yêu thương của Anh hùng liệt sĩ Trần Xuân Miễn cũng tiếp bước đi theo cách mạng và đã ngã xuống vì độc lập, tự do của quê hương, đất nước: Liệt sĩ Trần Xuân Phái, nguyên Đội trưởng Công an Danh dự huyện Phú Vang (con ông Miễn); liệt sĩ Trần Xuân Tể, nguyên Trưởng ban An ninh huyện Phú Vang (con ông Miễn); liệt sĩ Trần Xuân Mạch, nguyên Trưởng Công an huyện Phú Vang (con ông Miễn); liệt sĩ Trần Xuân Vinh (con ông Miễn); Anh hùng liệt sĩ Trần Xuân Tĩnh, nguyên Đội trưởng Đội Trinh sát an ninh Công an huyện Phú Vang (cháu nội ông Miễn, con trai ông Trần Xuân Tể); liệt sĩ Nguyễn Thanh Sơn, nguyên cán bộ Công an huyện Phú Vang (con rể ông Miễn); liệt sĩ Bửu Hậu, nguyên Trưởng Công an huyện Phú Vang (con rể ông Miễn); Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Quỳnh (vợ ông Miễn); Mẹ Việt Nam Anh hùng La Thị Bạc (con dâu ông Miễn, vợ ông Trần Xuân Tể).

“Chiến tranh đã lùi xa nhưng giờ đây, ngôi nhà thờ của đại gia đình Anh hùng liệt sĩ Trần Xuân Miễn luôn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho biết bao thế hệ cán bộ, đảng viên, nhất là lớp trẻ. Ngoài sự quan tâm, chia sẻ, động viên gia đình, chúng tôi luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải luôn noi gương gia đình Anh hùng liệt sĩ Trần Xuân Miễn, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ”, Bí thư Đảng ủy xã Vinh An Nguyễn Văn Thành cho hay. Anh Trần Tuấn Huy, cháu gọi Anh hùng liệt sĩ Trần Xuân Miễn bằng cụ nội khẳng định: “Dù bất cứ công việc, hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng luôn giữ vững truyền thống gia đình cách mạng”.

Tại nhà thờ của đại gia đình Anh hùng liệt sĩ Trần Xuân Miễn, Đại tá Lê Văn Vũ, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an tỉnh cảm động: “Chúng ta mãi mãi không bao giờ quên công lao to lớn của những người đã hy sinh xương máu vì nước, vì dân. Đối với đại gia đình Anh hùng liệt sĩ Trần Xuân Miễn, những hy sinh mất mát là không gì bù đắp nổi. Đại gia đình Anh hùng liệt sĩ Trần Xuân Miễn mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho bao thế hệ chúng ta hôm nay”.  

Bài, ảnh: Anh Phong - Trần Hồng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trách nhiệm, tri ân với các gia đình liệt sĩ

Với trách nhiệm, thể hiện sự tri ân, sẻ chia với những thế hệ đã đi trước, Công an tỉnh đã luôn đồng hành với các gia đình Liệt sĩ Công an Nhân dân (CAND) trên địa bàn tỉnh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Trách nhiệm, tri ân với các gia đình liệt sĩ
Đổi mới sáng tạo, kết nối quá khứ và tương lai

Chiều 16/6, Sở khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức hội thảo với chủ đề “Văn hoá và đổi mới sáng tạo-kết nối quá khứ và tương lai”. Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động Đổi mới sáng tạo (ĐMST) của chương trình Caravan Miền Trung- Innovation Culture, do SONGHAN Incubator phối hợp thực hiện.

Đổi mới sáng tạo, kết nối quá khứ và tương lai
Return to top