|
Ông Lê Hữu Tòng (trái) và tác giả |
Khi xem huân chương và các danh hiệu được tặng thưởng, thấy không có Huân chương Độc lập, tôi hỏi và được ông Lê Hữu Tòng trả lời:
- Năm 2015 tôi có đề nghị, nhưng họ trả lời hồ sơ của tôi chưa đảm bảo điều kiện nên tôi chưa được tặng thưởng.
Theo yêu cầu, ông Lê Hữu Tòng đã đưa cho xem Công văn số 80 do Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Thừa Thiên Huế ký ngày 16/6/2015 gửi UBND thị xã Hương Thủy.
Tại Công văn này, Hội đồng đã tóm tắt quá trình công tác của ông Lê Hữu Tòng như sau:
“Trong thời gian từ tháng 4/1963 đến 6/1967: công tác ở các tỉnh Hà Đông, Hải Phòng, tỉnh Khăm Muộn - Lào; từ tháng 7/1967 đến 30/4/1975; công tác tại Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 chiến đấu tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, Thành đội Huế, Huyện đội Hương Thủy”.
Không rõ Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh tính thời hạn bằng cách nào mà đưa ra kết luận: “Căn cứ hồ sơ kê khai, do “ông Lê Hữu Tòng có thời gian công tác ở miền Bắc là 5 năm 3 tháng”, đối chiếu quy định nên ông Lê Hữu Tòng “không đủ thời gian hoạt động liên tục ở chiến trường miền Nam suốt thời kỳ chống Mỹ trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, chưa đảm bảo điều kiện để Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh xem xét đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh trình các cấp khen thưởng”.
Để chứng minh cho việc “không đủ thời gian hoạt động liên tục ở chiến trường miền Nam suốt thời kỳ chống Mỹ trước ngày 30 tháng 4 năm 1975”, Hội đồng đã trích dẫn Kế hoạch số 1536-TC/TW ngày 25/12/1984 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, trong đó có quy định: “cán bộ công tác miền Bắc được điều động vào công tác ở chiến trường miền Nam từ năm 1960 về trước, hoạt động liên tục ở miền Nam đến ngày 30/4/1975, trong thời gian trên nếu ra khỏi chiến trường miền Nam để công tác, học tập chữa bệnh không quá 1/3 thời gian, sau đó trở vào miền Nam công tác trước năm 1975 cũng được coi là đã tham gia hoạt động ở chiến trường miền Nam suốt thời kỳ chống Mỹ”.
Còn sự thật?
Trong Lý lịch đảng viên (có đóng dấu sao y bản chính do Phó Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Hương Thủy Hồ Vũ Ngọc Lợi ký ngày 30/10/2013), ông Lê Hữu Tòng (quê quán: An Ninh, Bình Lục, Hà Nam Ninh nay là tỉnh Hà Nam) đã kê khai như sau:
- Tháng 12/1963: nhập ngũ
- Tháng 1/1964 - tháng 7/1967: Binh nhất của E 42-E 9, F 350: chiến đấu ở Lào
- Tháng 8/1967 - 4/1968: Hạ sĩ của C3, K1-Thành đội Huế
- Tháng 5/1968 - 12/1970: Đại đội phó C3, K1-Thành đội Huế
- Tháng 1/1971 - 10/1975: Huyện đội phó, Huyện đội trưởng Hương Thủy.
Từ tháng 1/1973 - 10/1975: Huyện ủy viên Hương Thủy
Đối chiếu thời gian mà Hội đồng Thi đua - Khen thưởng trích dẫn với thời gian được thể hiện trong Lý lịch đảng viên của ông Lê Hữu Tòng rõ ràng là chưa trùng khớp, nhất là giai đoạn từ năm 1964 - 7/1967.
Hội đồng kết luận “ông Lê Hữu Tòng có thời gian công tác ở miền Bắc là 5 năm 3 tháng”, trong khi Lý lịch lại thể hiện khác, vì từ năm 1964 - 1967, ông Lê Hữu Tòng chiến đấu ở chiến trường C-Lào!
Chính vì có nhiều thành tích xuất sắc nên ngày 19/5/1980, tại Quyết định số 36463, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Suphanuvông đã ký tặng Huân chương Tự do cho ông Lê Hữu Tòng (Trích bản dịch của Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại Sở Ngoại vụ Thừa Thiên Huế ngày 28/8/2023).
Còn từ tháng 7/1967 - 30/4/1975, ông Lê Hữu Tòng hoạt động ở chiến trường miền Nam, cụ thể là ở Thừa Thiên Huế.
Điều này không chỉ thể hiện trong lý lịch mà còn được Đơn vị 610 (mật danh của Tỉnh đội Thừa Thiên Huế) tại Giấy chứng nhận số 629/CN cấp ngày 30/9/1975 xác nhận:
“Đồng chí Lê Hữu Tòng. Thời gian công tác XYZ từ ngày 10/7/1967 đến ngày 30/4/1975”.
Xin lưu ý: “XYZ” là ký hiệu xác nhận thời gian tham gia chiến đấu ở miền Nam.
Như vậy là từ năm 1964 cho đến năm 1975 ông Lê Hữu Tòng liên tục hoạt động ở chiến trường (C-Lào gần 3 năm; B-miền Nam gần 8 năm) chứ không hề “có thời gian công tác ở miền Bắc là 5 năm 3 tháng” như cách tính của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng.
Do ông Lê Hữu Tòng là Huyện đội phó rồi Quyền Huyện đội trưởng Hương Thủy, nên từ tháng 1/1973 cho đến 30/4/1975 ông là Huyện ủy viên Hương Thủy.
Tại Điểm C, Khoản I, Điều 11 Nghị định 65/2014 của Chính phủ có quy định: “Người tham hoạt động liên tục ở chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ, đã đảm nhiệm chức vụ Huyện ủy viên hoặc chức vụ tương đương trước ngày 30/4/1975” được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.
Đây là vấn đề thuộc về danh dự và quyền lợi của đảng viên nên chúng tôi đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh rà soát lại, nếu đúng thì yêu cầu ông Lê Hữu Tòng làm lại hồ sơ để xem xét đệ trình cho Chủ tịch UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định tặng Huân chương Độc lập cho ông Lê Hữu Tòng.