Đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh biểu quyết, thông qua nhiều nội dung quan trọng
Đề nghị bổ sung thành tựu của ngành y tế
Nhiều ý kiến tâm huyết thể hiện phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và định hướng đi lên của đất nước trong thời gian tới; đồng thời cũng bày tỏ những suy nghĩ, trăn trở từ thực tiễn nhằm góp phần làm rõ thêm các nhận định, đánh giá của Trung ương, tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ Khối.
Ông Phạm Thanh Bình, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh cho biết, hầu hết các ý kiến tham gia đều bày tỏ sự nhất trí cao với các dự thảo văn kiện và cho rằng, các dự thảo được chuẩn bị công phu, có tầm nhìn trí tuệ, thể hiện ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Đối với Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, các ý kiến tham gia đều cơ bản thống nhất như dự thảo. Một số ý kiến tham gia góp ý về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và diện mạo đất nước sau đổi mới. Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thành tựu của ngành y tế, mà điểm nổi bật là đã làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, việc khám, chữa bệnh, ghép tạng.
Cũng có nhiều ý kiến đề nghị ở nhóm khuyết điểm thứ nhất cần bổ sung thêm cụm từ: “Tình trạng “lợi ích nhóm” đang có nguy cơ là lực cản phát triển nền kinh tế” vào cuối câu, bởi tình trạng này đã, đang xảy ra và tồn tại trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước; ảnh hưởng tiêu cực của nó đã được Đảng, Nhân dân thấy được. Do đó, nên đưa vào nhận định trong văn kiện để nhận thức rõ hơn đây là một vấn đề cần loại bỏ khỏi nền kinh tế.
“Về một số kinh nghiệm rút ra sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, trong kinh nghiệm thứ nhất, nên bỏ hai từ “cán bộ” trong cụm từ “xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ”. Bởi vì, “cán bộ” nằm trong xây dựng Đảng về tổ chức. Điều đó cũng thống nhất với mục XIV, chỉ đề cập xây dựng Đảng 4 mặt: Chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức. Kinh nghiệm thứ hai, cụm từ “quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc” đã được sử dụng trong các văn kiện Đại hội XI, XII. Cụm từ này ngắn gọn, đúng, nhưng chưa đầy đủ, chưa bao quát được toàn bộ vai trò, vị trí của Nhân dân đối với công tác xây dựng Đảng; chưa thật sự phù hợp với một khía cạnh trong Điều 4 Hiến pháp năm 2013; chưa phản ánh đầy đủ một nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vì vậy kiến nghị thay bằng cụm từ trên bằng “Quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “theo đúng đường lối Nhân dân”, Phó Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Trương Công Bình cho biết.
Nhiều ý kiến tham gia đều cho rằng, cần bổ sung quan điểm phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với bảo vệ môi trường để bảo đảm sự bền vững trong phát triển. Bởi vấn đề môi trường là mang tính toàn cầu trong giai đoan hiện nay, khi mà toàn thế giới đang phải đương đầu với những thách thức về biến đổi khí hậu.
Con người là yếu tố quan trọng
Có nhiều ý kiến đề nghị, cần đánh giá rõ hơn nguyên nhân của tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ. Đây là vấn đề quan trọng, khi đánh giá, sẽ có các giải pháp phù hợp, cụ thể, giải quyết tốt yêu cầu tốc độ tăng trưởng kinh tế cho cả nhiệm kỳ sau. Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém đang còn chung chung và chưa bám sát vào các hạn chế đã nêu ở phần trên, trong đó báo cáo không nêu được các nguyên nhân khách quan của những hạn chế, yếu kém.
Các ý kiến khẳng định, nguyên nhân chủ yếu cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội chính là con người. Cần một cơ chế đủ mạnh để giải quyết triệt để các vấn đề về nguồn nhân lực, trong đó, phải quan tâm thực sự đến nhân tài, những người thực sự có tài, có tâm. Thực tế trong thời gian vừa qua, không ít “hạt giống đỏ” được cử đào tạo trong và ngoài nước, được hưởng nhiều ưu đãi nhưng chưa phát huy tốt, thậm chí gây cản trở sự phát triển.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Hữu Tiến cho biết, đối với các nhiệm vụ và giải pháp, nhiều ý kiến đề nghị cần quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm nguồn nước, không khí, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, cần tập trung các giải pháp về khoa học công nghệ đối với máy móc, thiết bị đạt tiêu chuẩn khí thải khi nhập vào Việt Nam (tránh các hoạt động nhập máy móc đã lạc hậu của các nước, biến Việt Nam thành bãi thải rác công nghiệp của thế giới); các chỉ số quan trắc về môi trường (Hà Nội là nơi có chỉ số ô nhiễm không khí cao); giải quyết sự cố môi trường, biến đổi khi hậu, ngăn hạn mặn...
Bài, ảnh: Anh Phong