Nghề nuôi cá lồng phát triển ở Vinh Thái
Thôn nào cũng có đảng viên
Là xã bãi ngang, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, độc canh cây lúa nên trước đây đời sống người dân Vinh Thái đa phần còn khó khăn. Trong khi đó, một số thôn vẫn còn trắng đảng viên. Trước tình hình đó, Đảng ủy xã Vinh Thái đã có nhiều biện pháp tích cực như tăng cường đảng viên từ các thôn khác về làm nòng cốt ở các thôn trắng đảng viên là Kênh Tắc và Hà Trữ B; thường xuyên quán triệt trong từng đảng viên và quần chúng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên; quán triệt và thực hiện nghiêm túc quy định của Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng và hướng dẫn của Ban Bí thư về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng. Bên cạnh đó, Đảng ủy xã cũng lãnh đạo các đoàn thể đẩy mạnh các phong trào hoạt động, phát hiện những quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng… Khi đủ điều kiện, Đảng ủy kịp thời thành lập chi bộ Đảng ở 2 thôn này, đồng thời giao nhiệm vụ cho từng chi bộ phải chỉ rõ nguyên nhân khó khăn trong công tác phát triển Đảng để tìm cách tháo gỡ.
Nắm bắt được nguyên nhân nhiều quần chúng tại 2 thôn này đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, đa số sống bằng nghề đánh bắt xung điện nên tự nhận thấy chưa xứng đáng để được đứng vào hàng ngũ của Đảng; người trẻ đi xa làm ăn nên nguồn phát triển Đảng gặp khó khăn... Đảng ủy chỉ đạo các chi bộ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sang các ngành nghề như: nuôi cá lồng, triển khai một số dịch vụ… vừa phù hợp với tình hình thực tế địa phương vừa không ảnh hưởng đến môi trường. Thông qua các mô hình phát triển kinh tế đã phát hiện những quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp. Hiện toàn Đảng bộ xã có 12 chi bộ; trong đó, có 8 chi bộ dân cư thuộc 8 thôn, còn lại 3 chi bộ nhà trường và 1 chi bộ quân sự quốc phòng của xã với tổng số 156 đảng viên.
Tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế
Đảng ủy xã Vinh Thái vừa tập trung cho công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh vừa tăng cường lãnh chỉ đạo việc huy động các nguồn lực để đẩy mạnh thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp - ngành nghề nông thôn dựa trên thế mạnh sẵn có, đẩy mạnh việc đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực vận động Nhân dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều hộ dân đã chuyển đổi từ nghề đánh bắt mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản sang công việc mới như làm bánh mì ở thôn Hà Trữ B, nuôi cá lồng ở thôn Kênh Tắc. Nhờ vậy, không ít gia đình khó khăn về kinh tế nay trở nên khá giả. Điển hình như gia đình ông Đỗ Viết Đồng ở thôn Kênh Tắc, sau khi chuyển sang nghề nuôi các lồng đời sống kinh tế gia đình ông trở nên khấm khá, có điều kiện nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.
Tương tự, ông Phan Quang Tàu ở thôn Hà Trữ B hiện là chủ của nhiều cơ sở sản xuất bánh mì ở các tỉnh Quảng Trị, Nghệ An. Ông cho biết: “Nhờ có sự vận động của Đảng ủy xã, chúng tôi mạnh dạn chuyển đổi nghề nghiệp. Hiệu quả không chỉ ở thu nhập của gia đình được ổn định mà còn góp phần giảm bớt tác hại môi trường từ nghề xung điện”.
Bí thư Huyện ủy Phú Vang Lê Thanh Hải nhận xét: “Từ một xã nghèo, Đảng bộ xã Vinh Thái có những bước đi hợp lý nhờ gắn liền công tác xây dựng Đảng với phát triển kinh tế - xã hội, qua đó, đạt được nhiều thành công trong các lĩnh vực. Nhiều năm liền Đảng bộ được công nhận là đơn vị trong sạch vững mạnh tiêu biểu”.
Năm 2016, 10/11 chỉ tiêu kinh tế-xã hội của xã Vinh Thái đạt và vượt kế hoạch đề ra; trong đó, thu ngân sách 6,463 tỷ đồng/4,5 tỷ đồng, đạt 143,6%, bê tông hóa kênh mương giao thông thực hiện 4,3/3km, đạt 136,6% … Đời sống người dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn 13,7%, giảm 3,3% so với năm 2015; bình quân lương thực đầu người đạt 2.237,9kg/người/năm.
Bài, ảnh: HƯƠNG LAN