Dâng hương tưởng nhớ đồng đội tại Đài tưởng niệm liệt sĩ ở sân bay Tây Lộc
Đó là cuộc trở về ý nghĩa của hơn 500 cựu chiến binh Quân khu Trị Thiên B4 – B5, Quân khu IV với những đồng chí, đồng đội của mình đã nằm lại trên những miền quê.
Ngày 24/1, trong câu chuyện trở về, Thiếu tướng Võ Văn Chót, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu IV, Sư trưởng Sư 325 chia sẻ: Trong trận Phước Yên, ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, người chỉ huy tiểu đoàn mở đường máu giải thoát cho K8. Tại đây, Tiểu đoàn K8, Trung đoàn 3, thuộc Sư đoàn 324B được giao nhiệm vụ về chiếm lĩnh địa bàn, kìm chân địch, bảo vệ lực lượng ta rút khỏi TP. Huế, bảo vệ vùng giải phóng. Từ ngày 28/4 đến 1/5/1968, trong vòng vây của địch, cán bộ, chiến sĩ K8 phối hợp với du kích và Nhân dân địa phương chiến đấu ngoan cường, bất khuất. Nhiều cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta đã anh dũng hy sinh.
Trước Bia tưởng niệm liệt sĩ K8, ông Trần Khị, nguyên cán bộ quân lực Trung đoàn 3 tâm sự, một tiểu đoàn phải chiến đấu với lực lượng địch mạnh hơn cả chục lần. Họ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, anh dũng hy sinh. Hơn 500 cán bộ, chiến sĩ K8 và 200 bộ đội địa phương đã mãi nằm lại trên mảnh đất Phước Yên.
Trong khuôn khổ buổi họp mặt, giao lưu truyền thống diễn ra tại TP. Huế, chiều 24/1, hơn 500 cựu chiến binh Quân khu Trị Thiên B4 – B5, Quân khu IV cũng đã đến dâng hương, hoa tại Bảo tàng Hồ Chí Minh; viếng Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Huế...
|
Dâng hương, hoa tại Đài tưởng niệm liệt sĩ ở sân bay Tây Lộc (TP. Huế), nơi Trung đoàn 6 (Đoàn Phú Xuân) đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, lập nên nhiều chiến công xuất sắc, Thiếu Tá Phạm Ngọc Tuấn, nguyên Tiểu đội trưởng trinh sát Tiểu đoàn 1, Trung Đoàn 6 bùi ngùi: “Nơi đây trước kia là sân bay dã chiến của địch. Để đánh thắng, tôi cùng đồng đội đề ra quyết tâm phải đánh chiếm mục tiêu sân bay Tây Lộc bằng bất cứ giá nào. Đêm đầu tiên quân ta tiến đánh vào sân bay nhưng gặp phải sự chống trả quyết liệt của địch nên không thành công, phải sang đến đêm thứ 2, tôi mới cùng đồng đội luồn cống Thủy Quan từ đường 1 vào đánh chiếm và đã thành công. Sau 2 đêm 1 ngày, quân ta đã đẩy lui toàn bộ quân địch, chiếm được sân bay và phá hủy nhiều trực thăng, khí giới của địch. Do tính chất ác liệt của trận đánh nên nhiều đại đội của tôi đã ngã xuống tại đây cho chiến thắng vinh quang”|
Thiếu tá Tuấn xúc động: “Buổi lễ dâng hương hôm nay là sự tri ân sâu sắc, trang trọng đến những người anh em, đồng đội đã hy sinh tại mảnh đất này”. Đây cũng là dịp hiếm có giúp ông cùng những người đồng đội xưa gặp gỡ, ôn lại những ngày tháng lịch sử hào hùng.
Đại tá Thái Anh Tùng, nguyên Chủ nhiệm thông tin Trung đoàn 6 cho biết, trận đánh tại sân bay Tây Lộc là một trong những trận ác liệt nhất của chiến dịch, rất nhiều đồng đội thân thiết của ông đã ngã xuống. Việc xây dựng bia chiến tích tại đây mang ý nghĩa rất lớn đối với những người lính đã hy sinh.
Dù bao năm tháng qua đi, nhưng những con người, những chiến tích ấy vẫn còn sống mãi trong lòng biết bao thế hệ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 mãi là những ngày tháng hào hùng in dấu lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc.
Gặp mặt cán bộ tham gia chiến dịch Xuân 1968
Nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, sáng 24/1, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức gặp mặt hơn 160 cán bộ tướng lĩnh, lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp tham gia chiến dịch. Đến dự có các đồng chí: Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Tại buổi gặp mặt, những chiến sĩ cách mạng năm xưa đã ôn lại trang sử hào hùng mà thế hệ các anh đã viết nên, đồng thời khẳng định tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung phát biểu khẳng định, buổi gặp mặt là sự tri ân đối với những hy sinh mất mát và những đóng góp to lớn của đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ để bảo vệ tổ quốc; góp phần bồi đắp, nuôi dưỡng lòng yêu nước cho thế hệ hôm nay.
Thanh Thảo
|
Bài, ảnh: Anh Phong – Minh Nguyên