ClockThứ Bảy, 03/07/2021 15:26

“Chúng tôi rất vui khi Tp. Huế được mở rộng”

TTH - Là chia sẻ người dân các xã, phường thuộc TP. Huế, huyện Phú Vang, thị xã Hương Trà, Hương Thủy khi TP. Huế được mở rộng vào ngày 1/7. Song, họ cũng mong muốn được quan tâm nhiều hơn về đời sống cũng như đầu tư cơ sở vật chất tương xứng.

Mở rộng Tp. Huế, sáp nhập một số phường là tất yếu

Không gian đô thị Huế được mở rộng hơn 3,7 lần. Ảnh: TUẤN KIỆT

Ông Trần Đình Việt, Bí thư Chi bộ tổ 8, phường Thuận Thành, TP. Huế:

Kỳ vọng sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư lớn đến Huế

Ông Trần Đình Việt

Việc được Trung ương ban hành Nghị quyết 54, đồng ý chủ trương xây dựng Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương, cùng với đó là mở rộng thành phố là chủ trương rất hợp lòng dân, đi đâu ai cũng thảo luận và kỳ vọng rất nhiều. Thành phố được mở rộng sẽ giúp bộ mặt của tỉnh đẹp hơn; cơ hội để các khu công nghiệp, nhà máy phát triển; khẳng định được vai trò, vị thế của tỉnh nhà…

Riêng các phường được sáp nhập khi mở rộng thành phố là để đảm bảo phường thuộc thành phố trực thuộc Trung ương đủ về dân số, diện tích tự nhiên. Với việc hợp nhất hai phường Thuận Thành và Phú Hòa thành phường Đông Ba từ ngày 1/7/2021, kỳ vọng sẽ có những chuyển biến mới, kinh tế - xã hội của phường ngày càng phát triển.

Là người dân Huế, rất tự hào khi sống trong một vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh rất đẹp… Tôi cũng có dịp đi một số nơi, thấy sự đầu tư phát triển kinh tế, hạ tầng, giao thông ở các tỉnh, thành rất nhanh và quy mô. Thời gian gần đây, tỉnh có khá nhiều dự án đầu tư trên các lĩnh vực, tuy nhiên vẫn còn thiếu các dự án quy mô lớn. Do đó, hy vọng bước sang một giai đoạn mới, Huế có những cơ chế, chính sách tốt để thu hút được nhiều nhà đầu tư với những dự án lớn hơn nữa.

Ông Nguyễn Doãn Phúc, người dân phường Hương Vinh (Hương Trà):

Mong được đầu tư hạ tầng

Ông Nguyễn Doãn Phúc​

Trước đây, Hương Vinh cũng trực thuộc TP. Huế, sau 30 năm (từ 1991) trở thành xã của thị xã Hương Trà, đến nay, địa phương lại “châu về hợp phố”.

Hy vọng từ nông thôn lên thành thị, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên. Chúng tôi cũng sẽ phấn đấu xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế để để xứng tầm với các địa phương bạn.

Tuy vậy, người dân có những trăn trở, như việc chuyển đổi giấy tờ thủ tục từ xã lên phường. Theo đó, phải mất phí, thời gian để thực hiện nên mong tỉnh, thành phố tạo điều kiện cũng như hỗ trợ kinh phí trong việc làm lại các giấy tờ thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng minh, hộ khẩu…

Là một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của thị xã Hương Trà, nhưng về tổng thể, hạ tầng từ điện - đường - trường - trạm của Hương Vinh chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều công trình đã xuống cấp. Trụ sở UBND xã, nhiều phòng ban đoàn thể phải làm việc chung, khu vực hành chính công cũng rất chật hẹp.

Nằm ở vùng thấp trũng “chưa mưa đã ngập”, hệ thống đường giao thông của địa phương có nhiều tuyến đã xuống cấp rất cần được nâng cấp.

Ý thức vệ sinh môi trường của người dân chưa cao, trong khi quy mô dân số của phường là hơn 15.600 người. Vì vậy, mong khi lên phường, việc thu gom rác được Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế thực hiện hàng ngày để đảm bảo vệ sinh môi trường (hiện đang thu gom 2 ngày/lần). 

Tại Hương Vinh, dự án nâng cấp phố cổ Bao Vinh quy hoạch treo đã hơn 20 năm, người dân trông ngóng tỉnh, thành phố sớm đầu tư để tạo diện mạo mới cho phường cũng như tạo thuận lợi cho người dân được nâng cấp, cải tạo nhà ở hay phân lô, tách thửa cho con cái...

Ông Võ Văn Ngọc Vinh, thôn Tây Thượng, xã Phú Thượng (Phú Vang):

Đời sống kinh tế, văn hóa sẽ được “nâng tầm”

 Ông Võ Văn Ngọc Vinh​

Trước sự kiện xã Phú Thượng sáp nhập vào TP. Huế, cũng như tâm trạng chung của người dân trên địa bàn, bản thân tôi rất phấn khởi. Bởi vì đời sống kinh tế, văn hóa sẽ được “nâng tầm”. Tôi nghĩ rằng, hạ tầng cơ sở, đường sá sẽ được đầu tư “sâu” hơn, vấn đề môi trường cũng được chú trọng một cách bài bản hơn.

Thời gian qua, với nỗ lực xây dựng nông thôn mới, xã Phú Thượng đã có rất nhiều cố gắng trong làm sạch môi trường. Tuy nhiên vấn đề thu dọn, xử lý rác thải vẫn chưa hoàn toàn như mong đợi. Với bước ngoặt quan trọng - được “lên thành phố”, chúng tôi mong rằng, hệ thống xử lý rác thải trên địa bàn được đầu tư đầy đủ, đồng bộ hơn, từ đó vấn đề vệ sinh môi trường được giải quyết triệt để hơn. Người dân cũng cần nâng cao ý thức, chung tay với chính quyền để thực hiện tốt vấn đề này.

Tôi cũng mong, hệ thống cống ở thôn Tây Thượng được đầu tư, tránh tình trạng các hộ dân xả nước thải ra đường hoặc xả xuống kênh, rất nhếch nhác, gây ô nhiễm và kênh Nam Phổ trên địa bàn được đầu tư xây kè, đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị.

Hồ Thị Minh Thư, Chi hội trưởng Hội phụ nữ thôn Xuân Hòa, xã Thủy Vân (Hương Thủy):

Chất lượng cuộc sống sẽ tăng

Bà Hồ Thị Minh Thư​

Đi đâu và ngồi đâu, chuyện “lên thành phố” cũng được bà con bàn tán với tâm trạng vui mừng và hy vọng. Hy vọng vì khi “lên” thành phố, những cụm dân cư của xã sẽ được quy hoạch lại để đầu tư xứng tầm.

Sẽ có nhiều cái được, rõ nhất là ở lĩnh vực giáo dục, y tế sẽ được đầu tư. Chúng tôi cũng mong mỏi, khi lên phường, hạ tầng cơ sở (điện, đường, trường) sẽ được đầu tư xứng tầm, chất lượng cuộc sống sẽ tăng.

Tuy nhiên, đời sống của người dân cũng phần nào có xáo trộn. Với khoảng 50% người dân làm nghề nông, họ đang lo lắng khi diện tích nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp để nhường đất xây dựng đô thị, khu dân cư. Người có đất để bán có thể sẽ vui khi giá đất đang tăng cao, nhưng không còn ruộng đồng, họ cũng canh cánh nỗi lo về việc làm, nguồn thu nhập ổn định. Thế nên, chúng tôi mong nhất là sau khi “lên”, người dân sẽ được quan tâm tạo việc làm, nâng cao đời sống.

NHÓM PV - CTV (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chăm lo đời sống hội viên

Hội viên khó khăn có nguồn lực vươn lên, hội viên nghèo luôn nhận được sự giúp đỡ, quan tâm. Đó là kết quả mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) đã và đang có được nhờ những cách làm hay như xây dựng các nguồn quỹ, kết nối các mạnh thường quân để kịp thời giúp đỡ, đồng hành cùng hội viên.

Chăm lo đời sống hội viên
Canh chua lá me đất

Sống trong lòng xứ Huế, thật đáng tiếc nếu thờ ơ không để ý tới thứ sắc màu tim tím mọc ven bờ sông Hương hoặc bất kỳ trong mảnh vườn nào đó. Thứ tôi muốn kể với thế giới liên quan đến sắc màu tim tím đời thường, gần gũi ấy đơn giản là một tô canh chua lá me đất. Mà nấu canh chua thì có nhiều kiểu chế biến lắm. Kiểu truyền thống, tùy theo vùng miền, mỗi nơi lại có một kiểu gây hứng thú riêng.

Canh chua lá me đất
Chăm lo đời sống cho lao động nữ

Lao động nữ (LĐN) chiếm hơn 72% công nhân lao động trong các doanh nghiệp (DN) thuộc Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh. Việc chăm lo đời sống cho LĐN luôn được các cấp công đoàn tập trung thực hiện.

Chăm lo đời sống cho lao động nữ
Tập tàng mà nấu canh tôm

Trời nắng hanh hao, tần ngần một hồi trước quầy rau củ và lời mời chào của dì bán rau, ánh mắt tôi dừng lại trước mớ rau tập tàng non xanh nằm lẫn giữa đám xà lách và tần ô. Trời này mà húp một ngụm canh rau tập tàng nấu tôm thì cứ phải gọi là mát lòng mát dạ.

Tập tàng mà nấu canh tôm
Chuối trong đời sống của người Huế

Chuối là loại cây nhiệt đới có mặt ở hơn một trăm quốc gia trên thế giới. Là một trong những nơi phát xuất đầu tiên của cây chuối, các dân tộc sinh sống ở Đông Nam Á đã sớm biết sử dụng cây chuối một cách đầy sáng tạo trong muôn mặt của đời sống. Không những thế, đặc tính của cây chuối cũng trở thành “phương tiện” để chuyển tải nhiều triết lý sâu sắc về thế giới quan và nhân sinh quan.

Chuối trong đời sống của người Huế
Return to top