ClockThứ Năm, 05/03/2015 06:25

Chuyện đầu năm

TTH - Sáng mùng một tết, mở cửa nghênh xuân, bất ngờ gặp mấy o, mấy chị đi viếng mộ xúng xính áo dài. Đường lên khu mộ dốc và um tùm cỏ cây, người viếng mộ phải khéo léo, rón rén vén mấy tà áo cho khỏi vướng. Nhìn kỹ thì họ đến từ một chiếc ô tô ở tận miền Nam và các cháu nhỏ đều nói giọng miền Nam. Có lẽ họ là hậu duệ người Huế xa quê, về quê ăn tết vẫn không quên bận chiếc áo dài trong những ngày trọng đại như tết.

Thật lạ. Không phải váy ngắn hay quần cộc thường thấy giữa ngày thường, tết ở Huế có nhiều người mặc áo dài đến mức ngạc nhiên. Những tà áo dài kín đáo, duyên dáng, nhẹ nhàng ẩn hiện dưới những mái chùa trong cái se lạnh đầu năm. Áo dài lất phất trên phố. Rạng rỡ, tinh khôi. Bất chợt cảm giác thư thái, nhẹ nhàng đầu năm len lén ngấm vào hồn.

Bỗng nhớ đến T.S Thái Kim Lan, trước thềm năm mới đã kịp có một chuyến về nước để triển lãm áo dài ở Hà Nội. Gặp, bà vui lắm, bảo: “Không ngờ giới trẻ Hà Thành còn quan tâm đến áo dài quá. Họ đến xem rất đông. Lại vô cùng háo hức”. Chợt hiểu vì sao T.S Thái Kim Lan lại vui đến thế. Bởi nét đẹp truyền thống cha ông tưởng như đã mai một nhiều, vẫn đang được gìn giữ, một cách sâu kín.

Cũng những ngày đầu năm, chợt vui hơn khi đọc mạng, thấy cảnh độc giả trẻ đội mưa xuân, xếp hàng dài chờ nhận được chữ ký của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với tác phẩm chào xuân ‘‘Bảy bước tới mùa hè” của ông. Có bạn đáp xe khách cách Hà Nội mấy mươi cây số để nhận được món quà sách ấy.

Vui đến dâng trào bởi cách đây không lâu, trong một cuộc tọa đàm về văn hóa đọc được tổ chức ở Huế, nhiều người lo lắng khi văn hóa đọc đang dần mai một. Nhiều người bảo, bây giờ, giới trẻ chỉ đọc mạng, lên facebook, không còn nhiều người mê đọc sách một cách truyền thống.

Hai hình ảnh đẹp, cũng là hai câu chuyện vui đầu năm khi mà cuộc sống ngày nay, nhiều cái xấu dễ khiến cho con người ta hoài nghi về lẽ sống. Sự thực dụng thái quá trong đời thường, lộ liễu ở các lễ hội đâu đó đang gợn lên ngay từ những ngày đầu xuân. Nói như nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng là chủ nghĩa thực dụng hai mặt đang lên ngôi.

Nhưng cũng ở đâu đó, cuộc sống tin chắc vẫn còn nhiều điều tốt đẹp mà nhiều khi, chúng ta phải biết nhìn vào chính mình, biết gợn đục khơi trong, biết trân quí cái đẹp, cái đúng, biết nuôi dưỡng tâm hồn để tự bảo vệ mình như là một sự đề kháng với những biểu hiện tiêu cực của cuộc sống.

Kim Oanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top