ClockThứ Tư, 20/07/2022 15:10

Chuyện học nghề của học trò trường huyện

TTH - Không căng thẳng thi vào lớp 10 như ở TP. Huế, nhưng bằng hình thức xét học bạ cũng có đến trên 25% học sinh được phân luồng học nghề. Chuyện chọn một nghề để có tương lai đã bắt đầu thấm dần đối với học trò trường huyện.

Hỗ trợ tư vấn du học và làm việc tại nước ngoài cho thanh niênTriển khai nhiều đề án, dự án khoa học công nghệ quan trọng

Dạy nghề ở Trường trung cấp nghề số 10

Gặp chị Nguyễn Thị Mười, phụ huynh em Đặng Nhật Tân tại Trường trung cấp Công nghệ Số 10, chị bảo, con chị học ở Phú Vang, học lực các năm đều trung bình nên không nộp hồ sơ vào Trường THPT trên địa bàn mà quyết định cho con học nghề. Bởi theo chị, học chữ trông không ổn, nhưng cháu lại rất khéo tay, muốn học làm đầu bếp nên gia đình ủng hộ, miễn là con thích. Hai mẹ con lên Huế đăng ký cho con học trung cấp nghề và sẽ học song bằng...

Không tự nhiên mà nhiều phụ huynh như chị Mười đã chuyển hướng cho con học nghề. Những năm gần đây, các trường THCS đã đưa tiết hướng nghiệp vào chương trình học của học sinh lớp 9. Nội dung hướng nghiệp được đổi mới theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi. Hiệu trưởng Trường THCS Phong Bình (Phong Điền) Nguyễn Bá Nhân cho biết: “Trường có trên 120 em học sinh lớp 9. Một tháng có 1 tiết hướng nghiệp giúp các em có những thông tin về nghề nghiệp, nhu cầu của thị trường lao động. Các em được tham quan các cơ sở sản xuất, được đối thoại với chủ doanh nghiệp về những vấn đề mà mình quan tâm...". Thực tế, ở các trường huyện phân luồng học sinh sau THCS đã được định hướng rõ nét, nhằm định giúp học sinh lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh và đặc điểm tâm sinh lý của bản thân.

Vẫn biết các trường THPT ở huyện, cuộc đua vào lớp 10 không gay cấn, nhiều trường có tỷ lệ học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu thì sẽ ưu tiên cho những em có học bạ có điểm số đẹp. Xác định tâm lý chọn nghề phù hợp, nên nhiều em ở các trường huyện không đăng ký xét tuyển THPT mà chọn học nghề. Thế nên, có khá nhiều trường ở các huyện có số thí sinh nộp hồ sơ sát với chỉ tiêu hoặc số dư không đáng kể. Ông Võ Văn Thịnh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Vang cho rằng, vài năm trở lại đây, nhiều em không thi lên lớp 10 công lập mà tiếp tục học trung cấp nghề. Lựa chọn học nghề của học sinh đã chuyển dần theo hướng phù hợp với phát triển kỹ năng phục vụ nhu cầu lao động của xã hội.

Tiếp xúc với nhiều phụ huynh ở trường THCS, điều mà họ tiếc trong việc định hướng nghề nghiệp cho con vẫn là thiếu cơ sở dữ liệu về giáo dục nghề nghiệp trường học. Cũng do chọn nghề không đúng nên một số học sinh tốt nghiệp cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, thất nghiệp, không tìm được việc làm, hoặc làm việc không đúng với ngành nghề và trình độ được đào tạo. Hơn nữa, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp kém hấp dẫn và khó thu hút học sinh vào học, dẫn đến khó khăn trong việc phân luồng học sinh vào giáo dục nghề nghiệp.

Không nên đợi đến lớp 10 học sinh mới được tiếp cận nội dung giáo dục hướng nghiệp tích hợp trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục theo định hướng giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán (giáo dục STEM), mà ngay những năm cuối cấp THCS, các trường nên vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh. Đồng thời, cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động...

Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, dự định, trong năm học đến, học sinh ở các huyện cũng sẽ phải thi vào lớp 10. Như vậy, những học sinh đủ điều kiện đỗ vào các trường phổ thông sẽ tiếp tục học lớp 10 phổ thông theo đúng năng lực, số còn lại sở sẽ phối hợp với các trường dạy nghề để phân luồng học sinh. Bởi lẽ, cần phải đảm bảo phân luồng tốt và tạo điều kiện cho người học; nếu phân luồng không đúng thì sẽ dẫn đến chỉ tiêu lao động trong độ tuổi phải có bằng THPT và bằng tương đương sẽ không hoàn thành. Thế nên, phải đánh giá số học sinh tốt nghiệp THCS hoặc bỏ học ở THCS để có giải pháp hợp lý về phương diện quản lý Nhà nước; kết hợp với hệ thống đánh giá năng lực học sinh chuẩn xác, từ đó đưa ra khuyến cáo hợp lý.

Bài, ảnh: An Nhiên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cậu học trò năm ấy

Xuân ngẩng đầu lên nhìn tôi rồi ngoảnh mặt đi nơi khác. Nhiều lần tôi cố tình nhìn chăm chăm về phía Xuân để cậu ta không còn “cơ hội” đánh lảng sang hướng khác. Vậy mà dường như đoán biết được lúc nào là có ánh mắt của tôi đưa xuống chỗ ngồi của mình, khi thì cậu cúi mặt xuống, khi thì cậu nhìn mông lung ra cửa sổ, nơi có cây khế sai quả của nhà bác cai trường.

Cậu học trò năm ấy
Học trò “săn” giải quốc tế

Dù mới học tiểu học nhưng nhiều cô, cậu học trò nhí đã làm quen với việc tranh tài ở các sân chơi toán quốc tế, trong đó có nhiều em đoạt huy chương vàng (HCV).

Học trò “săn” giải quốc tế

TIN MỚI

Return to top