Thế giới

Chuyến thăm lịch sử

ClockThứ Tư, 08/07/2015 17:55
TTH - Từ ngày 6 - 10/7, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm chính thức đến Mỹ, một trong những sự kiện nổi bật thu hút quan tâm của cộng đồng thế giới.

>> Báo chí quốc tế đưa tin đậm về hội đàm cấp cao lịch sử Việt-Mỹ

Sự kiện được chờ đợi

Trong những ngày qua, thậm chí ngay cả khi chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ còn chưa diễn ra, báo chí thế giới đã đồng loạt đưa tin về mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và chuyến thăm của Tổng Bí thư như một sự kiện rất được chờ đợi và thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận thế giới.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng. Ảnh: WSJ

Trước thềm chuyến thăm, hãng thông tấn xã lớn nhất thế giới của Mỹ AP đã có bài viết tổng quát về sự kiện này và cho rằng, “Hai nước sẽ cùng xây dựng lòng tin và tạo ra nhiều cơ hội hơn để nâng cao quan hệ sau 20 năm bình thường hoá. Quan hệ hai nước cũng đang gần gũi hơn bởi mối quan tâm chung về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông”.

Trong khi đó, nhật báo uy tín Wall Street Journal của Mỹ ngày 3/7 đăng tải bài viết “5 điều về Hoa Kỳ và Việt Nam”, phân tích những điều cần biết trong mối quan hệ “cựu thù” đã được bỏ qua để 2 nước ngày càng gần gũi, trong đó nêu bật sự ủng hộ của ứng viên Tổng thống – phu nhân của cựu Tổng thống Bill Clinton – bà Hillary Clinton đối với Việt Nam.

Theo hãng thông tấn Reuters của Anh, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh dấu một bước phát triển đột phá về quan hệ giữa 2 nước từng ở thế đối đầu trong cuộc chiến tranh 40 năm trước. Tờ Lenta của Nga lại có bài bình luận độc đáo khi cho rằng “2 nước gần như biến thành một cặp đôi hoàn vũ thú vị nhất ở phía tây Thái Bình Dương” trong bài viết có tên “Điệu nhảy” Việt - Mỹ đang được cả thế giới chú ý”.

Truyền thông châu Á cũng rất quan tâm đến sự kiện này. Báo Asahi của Nhật Bản có bài viết về mối quan hệ Việt - Mỹ, trong khi hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc cũng đưa tin về chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ sau 40 năm kết thúc cuộc chiến tranh tại Việt Nam và 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Truyền thông các nước khác như Thái Lan, Singapore, Philippines và Malaysia… cũng trích dẫn nhiều bài viết của các hãng tin AP, AFP, Reuters về chuyến thăm nói trên.

Thắt chặt quan hệ

Chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ lần này mang rất nhiều ý nghĩa, được đánh giá là “chuyến thăm lịch sử” khi lần đầu tiên một nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ và có cuộc họp với Tổng thống Obama ngay tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở thủ đô Washington D.C.

Theo tin từ tờ Washington Post, 20 năm sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, ngày 7/7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đón tiếp và có cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu dục với hy vọng có thể tiến gần hơn đến một thỏa thuận thương mại và tăng cường mối quan hệ mà các quan chức Mỹ xem như là một trụ cột trong chính sách hướng đến châu Á của Tổng thống Obama. Song song đó, Mỹ cũng thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) dỡ bỏ rào cản kinh tế của 12 quốc gia từ Chile và các nước quanh Thái Bình Dương đến Úc, trong đó có Việt Nam, khi đây là một trọng tâm của các nỗ lực mà Tổng thống Obama thực hiện nhằm thúc đẩy ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á để trở thành một nền kinh tế đối trọng với Trung Quốc.

20 năm trước, vào ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa 2 quốc gia, mở ra một trang mới cho cả 2 nước. Việt Nam và Hoa Kỳ đã thu được nhiều thành tựu có ý nghĩa, nhất là sau khi quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ được xác lập năm 2013. Từ đó, thương mại và đầu tư song phương tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng, Hoa Kỳ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương; Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng được ký kết; hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương giữa 2 nước được tăng cường...

Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng có cuộc thảo luận “thẳng thắn và mang tính xây dựng” và thảo luận những lo ngại về hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Obama cho hay, các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng cách sử dụng các quy tắc quốc tế, với mục đích “đảm bảo rằng sự thịnh vượng và tự do hàng hải đã giúp cho nền kinh tế ở khu vực này tăng trưởng rất lớn sẽ vẫn tiếp tục trong nhiều thập kỷ tới”. Là một quốc gia ở tuyến đầu lo lắng về sự bành trướng của Trung Quốc trên vùng biển này, Việt Nam cũng hoan nghênh Mỹ có chính sách xoay trục ở Biển Đông.

Trong bài phát biểu với các phóng viên sau cuộc hội đàm, Tổng thống Obama cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mời ông sang thăm Việt Nam và bày tỏ hy vọng rằng, sẽ thực hiện chuyến đi này trong tương lai, mặc dù chưa công bố lịch trình cụ thể. Theo Wall Street Journal, Tổng thống Obama nói rằng, cuộc họp là một “cơ hội tuyệt vời” để làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác toàn diện giữa 2 nước Việt – Mỹ và xem lời mời của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng như một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa 2 nước đã có nhiều chuyển biến, bất chấp việc vẫn tồn tại một số điểm khác biệt.

“Ông Obama cũng bày tỏ lòng tin rằng, ngoại giao sẽ giúp 2 nước vượt qua những bất đồng.

Về phía Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định sự đặc biệt của cuộc gặp này: “Có lẽ cách đây 20 năm, không ai có thể hình dung được rằng, hôm nay tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, Mỹ lại có một cuộc gặp rất thú vị giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam với Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”. “Chúng tôi đã chuyển từ cựu thù trở thành bạn bè, đối tác, đối tác toàn diện. Và tôi tin chắc rằng mối quan hệ của chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai,” Tổng Bí thư cho biết.

Cả 2 nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ và Việt Nam đã có những bước tiến trong mối quan hệ giữa 2 nước và ghi nhận những phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực hợp tác trong 20 năm qua, đặc biệt là sự phát triển trong hợp tác kinh tế và thương mại, khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, biến đổi khí hậu và quốc phòng, an ninh...Tờ CNN cho biết, Nhà Trắng đã gọi đây là cuộc họp “lịch sử”, diễn ra khi 2 nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Tố Quyên (Tổng hợp & lược dịch từ CNN, WSJ & Reuters)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Return to top