ClockThứ Năm, 11/07/2013 15:15

Cơ duyên

TTH - Hy hữu là trường hợp cơ quan Báo Thừa Thiên Huế hiện nay. Nguyên đây là trụ sở Báo Dân, cơ quan ngôn luận của Xứ ủy Trung Kỳ thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Những năm 1936-1939, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh lên cao. Nhiều tờ báo của Đảng ra đời nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng đặt ra của cách mạng. Trong bối cảnh đó, Xứ ủy Trung kỳ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phan Đăng Lưu đã vận động một số dân biểu tiến bộ đứng ra xin giấy phép xuất bản tờ báo Dân.

Tồn tại trong 3 tháng (17 số báo), Báo Dân thực sự trở thành vũ khí sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng, văn hoá, có tác dụng thúc đẩy phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp phải thi hành những cải cách dân chủ ở cả xứ Trung Kỳ. Năm 1988, nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Báo Dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên (cũ) quyết định mua lại ngôi nhà 2 tầng số 15 Trần Thúc Nhẫn (hiện là 61 Trần Thúc Nhẫn) để chuyển trụ sở Báo Bình Trị Thiên từ 2 Phùng Hưng về đây và sau này, tiếp tục là nơi làm việc của Báo Thừa Thiên Huế cho đến nay.

Thời Báo Dân xưa, đường Trần Thúc Nhẫn có tên Pháp là Doudart de Lagree. Trụ sở Báo Dân ở số 11, là ngôi nhà một lầu kiểu Pháp. Khi hợp nhất 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế , thời kỳ đầu tờ báo của Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên hợp nhất đã quyết định lấy lại tên báo Dân như một khát vọng kế tục truyền thống cách mạng vẻ vang của tờ báo Xứ ủy Trung Kỳ. Hơn thế, đầu tháng 7/1982, Thường vụ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên đã quyết định lấy ngày 6/7/1938, ngày Báo Dân của Xứ ủy Trung Kỳ ra số báo đầu tiên, làm ngày truyền thống của tờ báo Đảng bộ.

Còn như cơ duyên, từ sau ngày giải phóng đến nay, báo Đảng địa phương đã có ít nhất 3 lần thay đổi trụ sở, từ số 2 Nguyễn Văn Thành bên kia Thành nội (nay là đường Phùng Hưng) đến số 7 Lê Lợi nằm ở ngay bờ nam sông Hương, rồi cuối cùng đã trở về định cư lâu dài trên nền đất của Báo Dân xưa (nay là 61 Trần Thúc Nhẫn, Huế). Dọc theo con đường Trần Thúc Nhẫn từ trụ sở Báo Thừa Thiên Huế hiện nay đi ra bờ sông Hương sẽ bắt gặp ngay trên con đường Lê Lợi đẹp nhất Huế trụ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế số 7 Lê Lợi. Đó không chỉ một thời là trụ sở của báo Đảng địa phương mà còn từng là Tòa sứ cũ, nơi thực dân Pháp đã ra nghị định cấm Báo Dân hoạt động.

Nhớ về Huế là nhớ và tự hào về một trung tâm báo chí hàng đầu của đất nước. Trải qua chiều dài lịch sử cả trăm năm nay, báo chí cách mạng đã được ươm mầm, phát triển và lớn mạnh ở thành phố có dòng sông Hương thơ mộng này. Điều đáng nói hơn là, dấu tích và không gian báo chí xưa vẫn in lưu dấu và để lại những ấn tượng đặc biệt tại nơi đây. Khu vực Bến Ngự, nơi có con đường Trần Thúc Nhẫn kết nối với Lê Lợi là một điểm nhấn đặc biệt với trụ sở Báo Thừa Thiên Huế cũng đồng thời là trụ sở Báo Dân xưa. 

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top