ClockThứ Năm, 07/09/2017 05:56

Có nên tiêm chủng

TTH - Hiện một số nước trên thế giới và cả ở Việt Nam xuất hiện xu hướng “chống” tiêm vắc xin (vaccine) hoặc hội chứng “bài vắc xin” do có thông tin về một số ca tử vong sau tiêm chủng. Xung quanh vấn đề này, Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc phỏng vấn PGS. TS. BS Tôn Nữ Vân Anh, Khoa Nhi, Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế.

PGS. TS. BS Tôn Nữ Vân Anh 

Nói về việc nên hay không nên cho con tiêm chủng, PGS. TS. BS Tôn Nữ Vân Anh khẳng định, tại Việt Nam có 12 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phổ biến có vắc xin dự phòng được triển khai miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR). Các bà mẹ nên cho con mình đi tiêm chủng để phòng ngừa những bệnh truyền nhiễm có thể gây ra nhiều biến chứng và gây tử vong cho trẻ.

Ngoài các vắc xin trong chương trình TCMR, các bà mẹ có thể cho con đi tiêm chủng phòng các bệnh viêm não mô cầu, viêm màng não mủ do phế cầu, tiêu chảy do vi rút Rota, thủy đậu, quai bị, viêm gan A, cúm… tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ phải trả tiền. Khi đưa trẻ đi tiêm chủng cần mang theo sổ/phiếu tiêm chủng để cán bộ y tế có chỉ định tiêm chủng phù hợp.

Bác sĩ có thể cho biết những nguy hiểm gặp phải khi trẻ không tiêm chủng?

Vắc xin giúp cơ thể sản sinh kháng thể và miễn nhiễm với một số bệnh nguy hiểm. Đầu tiên với vắc xin viêm gan B - đây là bệnh rất dễ lây từ mẹ sang con. Bệnh sẽ gây nên xơ gan, ung thư gan. Vì vậy, tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24h sau khi sinh là biện pháp tốt nhất đề phòng lây truyền vi rút viêm gan B từ mẹ sang con.

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, gây biến chứng nặng ở tim, suy hô hấp, thần kinh. Bệnh ho gà nếu không tiêm phòng sẽ bị ho kéo dài, viêm phổi, suy hô hấp, xuất huyết kết mạc (mắt) và dễ dẫn đến tử vong ở trẻ nhỏ. Bệnh uốn ván (sơ sinh) là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do vi khuẩn xâm nhập qua vết thương hở, gây co cứng, co giật, ngạt thở dẫn đến tử vong. Bệnh bại liệt có thể để lại di chứng liệt, tàn phế suốt đời. Bệnh viêm màng não do Hib, viêm nắp thanh quản là những bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B (Hib) gây nên, bệnh lây qua đường hô hấp, dễ gây tử vong. Do vậy, phải tiêm 3 mũi vắc xin phối hợp phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib và uống vắc xin phòng bại liệt.

Với bệnh sởi, đây là bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh qua đường hô hấp. Ở trẻ em, bệnh gây suy giảm miễn dịch, dễ biến chứng viêm phổi tế bào khổng lồ, loét giác mạc, tiêu chảy, suy dinh dưỡng dẫn đến tử vong. Những đại dịch sởi khủng khiếp trong lịch sử thế giới đã từng diễn ra cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người và gần đây có xu hướng bùng phát trở lại mà nguyên nhân chính là các bậc phụ huynh e ngại và không đưa con em đi tiêm phòng.

Viêm não nhật Bản B là bệnh truyền nhiễm lây qua trung gian muỗi đốt, bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, ở giai đoạn tối cấp bệnh tử vong trong 24-48 tiếng do viêm thân não; ở các giai đoạn khác thì để lại di chứng nặng nề về tinh thần và vận động như bị động kinh, chậm phát triển trí tuệ, bại não…

Với bệnh quai bị, trẻ em đặc biệt là trẻ nam cần tiêm vì nếu mắc quai bị sẽ bị vô sinh thứ phát sau quai bị lâu dài hoặc viêm não do quai bị, viêm tụy do quai bị. Với bệnh Rubella, trẻ gái bắt buộc phải tiêm vì nếu không tiêm, sau lớn có nhiều khả năng sẽ sinh con bị các dị tật như sứt môi hở hàm ếch, các khuyết tật về tim, đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ…

Về bệnh tiêu chảy do virút Rota, Rotavirus là một tác nhân gây bệnh tiêu chảy cần phải nhập viện thường gặp nhất ở trẻ em có thể tử vong do rối loạn điện giải, mất nước. Do vậy phải cho trẻ chủng ngừa vắc xin Rotavirus. Tuổi có thể bắt đầu uống vắc-xin này là từ 2 tháng đến 2 tuổi.

Bệnh não mô cầu là bệnh thường gặp nhất ở trẻ nhỏ nhưng cũng có thể gặp ở trẻ lớn và thanh niên sống trong điều kiện đông đúc. Trong năm 2000, ước tính có khoảng 300.000 trường hợp mắc và 25.000 - 30.000 trường hợp tử vong do viêm màng não do não mô cầu. Bệnh có thể dẫn đến viêm màng não mủ, shock nhiễm khuẩn gây tử vong hoặc bị điếc, biến chứng thần kinh, động kinh, bại não cho trẻ.

Chính vì những lý do trên mà các bà mẹ cần phải cho con đi tiêm chủng.

Vậy tại sao gần đây lại xảy ra một số sự cố sau tiêm chủng khiến nhiều bà mẹ lo ngại không dám cho con đi tiêm chủng. Quan điểm của bác sĩ về vấn đề này?

Số lượng trẻ tử vong sau tiêm là do sốc phản vệ và số này rất nhỏ. Trên thế giới, những đại dịch ho gà, uốn ván… đã làm chết hàng vạn người. Hiện dịch lao đang quay trở lại ở một số nước. Ở châu Âu, dịch sởi cũng có xu hướng bùng phát lại vì các bà mẹ không cho con đi tiêm phòng.

Bác sĩ có thể cho biết những trường hợp nào không nên tiêm chủng hoặc phải lùi lịch tiêm chủng lại?

Vắc xin là an toàn, có rất ít các trường hợp phải chống chỉ định và chỉ chống chỉ định với tiêm chủng trong những trường hợp: trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin cùng loại lần trước. Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan....). Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.

Để đảm bảo an toàn, trước khi tiêm chủng, trẻ phải được cán bộ y tế khám sàng lọc và chỉ định tiêm chủng khi đủ điều kiện. Các bà mẹ cũng cần phối hợp với cán bộ y tế cung cấp các thông tin về tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử tiêm chủng và phản ứng sau tiêm chủng của những lần tiêm chủng trước.

Một số phụ huynh cho rằng, tiêm chủng dịch vụ tốt hơn tiêm chủng ở trạm y tế vì vắc xin đắt tiền tốt hơn vắc xin miễn phí trong Chương trình TCMR?

Vắc xin trong Chương trình TCMR là do nhà nước phải trả tiền để mua và được các tổ chức quốc tế hỗ trợ. Vắc xin trong Chương trình TCMR hay vắc xin dịch vụ trước khi đưa vào sử dụng đều phải được Bộ Y tế cấp phép lưu hành; được kiểm định tính an toàn và hiệu quả chặt chẽ. Vì vậy không thể nói là vắc xin dịch vụ tốt hơn vắc xin miễn phí trong Chương trình TCMR.

Trên 90% trẻ em dưới 1 tuổi đã được sử dụng các vắc xin trong Chương trình TCMR hàng năm. So với trước khi triển khai tiêm chủng, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong Chương trình TCMR đã giảm rõ rệt, từ hàng chục đến hàng trăm lần. Một số bệnh đã được thanh toán và loại trừ như bệnh bại liệt đã được thanh toán từ năm 2000, bệnh uốn ván sơ sinh đã được loại trừ từ năm 2005. Tôi cho rằng tiêm ở đâu cũng tốt miễn là trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để mang lại hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.

Ngọc Hà (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

LHQ: Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ giảm xuống mức thấp kỷ lục

Trong một báo cáo mới vừa được công bố ngày 12/3, Liên Hiệp Quốc cho biết số trẻ em trên toàn thế giới tử vong trước 5 tuổi đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2022, và đây là năm đầu tiên số trẻ nhỏ tử vong giảm xuống dưới 5 triệu.

LHQ Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ giảm xuống mức thấp kỷ lục
Return to top