Thừa Thiên Huế cuối tuần Diễn đàn
Con đường lễ hội
TTH - Ở Huế, Lê Lợi được xem là đường phố chính và là con đường đẹp nhất Cố đô. Trong lịch sử hình thành các đường phố ở Huế, đường Lê Lợi có rất sớm từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc các trại thủy sư nhà Nguyễn đóng ở bờ Nam sông Hương. Từ 1943 trở về trước, người Pháp đặt tên là đường Jules Ferry (Rue Jules Ferry), còn dân gian thì gọi là đường Thủy sư; giữa năm 1943, đoạn từ cầu Trường Tiền đến Đập Đá được cắt ra đặt tên đường Graffeuil (Rue Gaffeuil); đoạn còn lại vẫn mang tên Jules Ferry. Năm 1956, gộp hai đoạn làm một, đặt tên là đường Lê Thái Tổ. Sau năm 1965, đổi thành đường Lê Lợi và tồn tại cho đến ngày nay. Dân gian vẫn có cách gọi riêng là đường Tòa Khâm.
Người Huế tự hào về con đường Lê Lợi với hàng chục cây cổ thụ còn lại của Huế xưa. Bao người Huế cũng từng gắn bó với những công viên rợp bóng cây xanh trải dài dọc bên đôi bờ sông Hương, tạo nên một cảm giác thư thái nhẹ nhàng, đặc biệt trong những ngày hè nắng nóng. Cũng không có đường phố nào ở Huế lại có nhiều công trình mang tính biểu tượng cho cả một vùng đất như Lê Lợi, với những tên tuổi như các trường Quốc Học, Hai Bà Trưng, như Bệnh viện Trung ương Huế… Và tháng tư về, với Festival Huế, lại có một cảm giác lạ khi đi trên con đường thân quen này.

Đường Lê Lợi trong những ngày lễ hội. Ảnh: Internet
Ngót nghét 500 lễ hội trong năm, hiện có đến hơn 100 lễ hội trong số đó được khôi phục, phát huy và với 7 kỳ festival thành công, Huế xứng đáng với danh xưng là thành phố lễ hội của Việt Nam. Còn với Festival, Huế đã có một không gian lễ hội là Kinh thành Huế và con sông Hương thơ mộng và cũng đang dần có một con đường lễ hội. Và tôi đã nghĩ đến đường phố Lê Lợi bởi vị thế, cảnh quan và cũng bởi tầm vóc của một con đường có lịch sử hàng trăm năm tồn tại, đã đi vào tiềm thức của bao thế hệ và giờ đây vẫn tiếp tục là biểu tượng của Huế trong hành trình phát triển hội nhập.
Đan Duy