ClockThứ Năm, 10/06/2010 07:22

Con sâu làm rầu... du khách

TTH - Tại cuộc họp báo trước hôm khai diễn Festival Huế 2010, việc một số khách sạn, nhà nghỉ tự ý nâng giá để ép du khách về dự Festival lại được báo giới quan tâm.
Chuyện không lạ, bởi nó đã diễn ra tại các kỳ Festival trước; nhưng nó lại làm phiền lòng Ban tổ chức, các cơ quan chức năng và những ai “nặng lòng với Huế” bởi một lối làm ăn đáng phê phán vẫn dai dẵng tồn tại.
 
Những ai quan tâm đến các kỳ Festival của Huế và quá trình chuẩn bị cho Festival Huế 2010 đều có thể thấy được quyết tâm và nỗ lực của lãnh đạo tỉnh, các huyện, thành phố, các cấp, các ngành và cả người dân Huế cho sự thành công của Festival Huế 2010 và tiến trình xây dựng Huế thành thành phố Festival tiêu biểu của Việt Nam. Thừa Thiên Huế; đặc biệt là TP Huế đổi thay sau mỗi kỳ Festival.
 
Mục tiêu hướng đến của Festival không chỉ để giao lưu, bảo tồn và phát triển văn hóa nghệ thuật, mà còn tạo ảnh hưởng của Huế và Thừa Thiên Huế nói chung với công chúng trong nước và quốc tế để phát triển du lịch, dịch vụ... Một bộ phận nhân dân đã có việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống thông qua các họa động đầu tư phát triển, mở rộng các loại hình kinh doanh du lịch và dịch vụ sau mỗi kỳ Festival. Vậy nhưng...
 
Bất bình trước việc chủ khách sạn nâng giá để thu thêm lợi, một đoàn du khách ở miền Tây đã đùng đùng nổi giận rời Huế và không quên phản ảnh với báo chí. Trả lời vấn đề này, Ban tổ chức Festival cho biết: trước Festival, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành kiểm tra, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú cam kết không tăng giá...; đồng thời yêu cầu báo chí và du khách phản ánh tên các khách sạn, nhà nghỉ làm ăn sai trái... để có biện pháp xử lý.
 
Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 160 khách sạn, hơn 100 nhà nghỉ với gần 7000 phòng. Thực tế là đến ngày khai mạc Festival, tổng phòng lưu trú có khách chỉ chiếm tỷ lệ trên 80%. Vậy tại sao lại có chuyện nâng giá ép khách? Làm việc với thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, chúng tôi được biết, theo quy định các cơ sở kinh doanh du lịch phải đăng ký giá, niêm yết giá và phải bán sản phẩm theo giá đã niêm yết.
 
Trước Festival có 22 cơ sở lưu trú bị xử lý do không niêm yết qui chế, nội dung hoạt động; không thông tin, công khai niêm yết giá; không thực hiện chế độ báo cáo... Còn trong dịp Festival này, Thanh tra Sở chưa nghe phản ánh và chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm. Hồi Festival Huế 2008 đã có một số cơ sở lưu trú tự tăng giá bị phát hiện và xử phạt. Cũng theo cán bộ Thanh tra Sở, năm nay không diễn ra tình trạng “cháy phòng” nên việc nâng giá ép khách nếu có thì chỉ là cá biệt.
 
Đến một số cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố, chúng tôi thấy tình trạng không niêm yết giá, tăng giá khoảng trên dưới 20% so trước đó ... vẫn diễn ra ở một số khách sạn nhỏ. Dẫu không phổ biến, nhưng lối làm ăn trên đã làm “rầu” lòng du khách và ảnh hưởng đến uy tín của ngành du lịch tỉnh.
 
Theo chúng tôi, ngành du lịch cần qui định rõ việc niêm yết giá đối với các đơn vị dịch vụ du lịch cùng với điện thoại nóng của cơ quan chức năng để du khách phản ánh khi có vấn đề; đồng thời thường xuyên kiểm tra và xử phạt nghiêm đối với các cơ sở vi phạm. Đây là giải pháp cần thiết để hạn chế và chấm dứt tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” đối với hoạt động du lịch của tỉnh.
 
Hoàng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top