Thể thao

Cuối năm nhớ danh thủ Nguyễn Cao Cường

ClockThứ Hai, 08/02/2021 15:39
TTH - Với thể hình lý tưởng so với những cầu thủ cùng thế hệ, danh thủ Nguyễn Cao Cường là tiền đạo số 1 của bóng đá Việt Nam thập niên 1980 của thế kỷ trước. Có thể nói, bằng tài năng và tính cách của mình, Nguyễn Cao Cường là tượng đài của bóng đá Việt Nam, và có lẽ, thế hệ sau này vẫn chưa ai sánh được với ông...

Tác giả và danh thủ Nguyễn Cao Cường (phải)

Cách đây 3 năm, sân Tự Do chứng kiến cuộc hội ngộ giữa các cựu cầu thủ 3 thành phố Hà Nội - Huế- TP. Hồ Chí Minh. Những cái tên vang bóng một thời của bóng đá Việt Nam như Tư Lê, Hồ Thanh Cang, Lưu Kim Hoàng đến Lưu Tấn Liêm, Hồ Văn Tam hay Lê Khắc Chính, Quảng Trọng Hùng, Nghiêm Xuân Mạnh... đều xỏ giày ra sân thi đấu để cùng nhớ lại một thời vui buồn với sân cỏ 3 miền.

Riêng danh thủ Nguyễn Cao Cường thì không thể thi đấu cùng những người bạn cũ, ông nói: “Tôi vừa bay từ Hà Nội vào là đến ngay sân Tự Do nên không chuẩn bị kịp để khoác áo ra sân. Nhưng nhìn những người bạn một thời thi đấu là vui rồi”.

 Ngồi trên khán đài, tượng đài một thời của bóng đá Việt Nam cười vui khi nhìn lại hình ảnh của những cầu thủ mà ông từng sát cánh trong màu áo đội tuyển Việt Nam năm nào. Và tôi đã may mắn được trò chuyện cùng ông...

Thực tình tôi chưa được xem tiền đạo Nguyễn Cao Cường chơi bóng lần nào mà chỉ được “nghe” ông thi đấu trong vai trò trung phong của CLB Quân đội và đội tuyển Việt Nam trên đài Tiếng nói Việt Nam với lời bình luận của BLV Hoài Sơn: “Tiền đạo số 10 của CLB Quân đội đi bóng khéo léo vượt qua 2  hậu vệ của đội bạn. Nguyễn Cao Cường xoay người 180 độ và sút... Vào...!”.

Những năm 1980, Nguyễn Cao Cường là cái tên được nhắc đến nhiều nhất của bóng đá Việt Nam. Nhớ những buổi chiều có những trận đấu của giải bóng đá quốc gia, mấy người đàn ông trong xóm quay quanh chiếc radio hiệu National của nhà tôi cùng nghe tường thuật bóng đá. Những đường bóng, những bàn thắng qua lời tường thuật của các bình luận viên tài danh thật hấp dẫn. Có lẽ sức hấp dẫn của cái tên Nguyễn Cao Cường hay những đồng đội của ông như Thế Anh, Tiến Lâm, Trần Văn Khánh, Quảng Trọng Hùng... đã khiến tôi mê mẩn đội bóng CLB Quân đội mà nói như ngôn ngữ sau này, tôi là fan ruột của CLB Quân đội. May mắn là CLB Quân đội những năm đó rất mạnh, họ đá đâu thắng đó với tài năng của Cao Cường và những đồng đội của ông.

 Tôi còn nhớ một kỷ niệm vui là cứ mỗi mùa tết về, xã tôi đều tổ chức giải bóng đá mừng xuân. Đội bóng của chi hội 5 có anh Lâm Cường khoác áo số 10 chơi rất nổi bật. Mỗi lần anh có bóng là khán giả của chi hội 5 hô to “Cao Cường, Cao Cường!”. Có lẽ được so sánh với một cầu thủ nổi tiếng nên anh Lâm Cường đá như “lên đồng”, đi bóng qua tới 3 cầu thủ đối phương... Điều đó cho thấy, dù chỉ nghe Nguyễn Cao Cường đá bóng trên làn sóng radio, nhưng những người dân ở một vùng quê hẻo lánh miền Trung như xã tôi cũng đã yêu mến ông...

Trò chuyện với danh thủ Nguyễn Cao Cường, được ông kể cho nghe một kỷ niệm thật hay. Một lần đội bóng CLB Quân đội vào Huế thi đấu một trận đấu ở giải quốc gia. Sau trận đấu, có mấy cổ động viên đến xin được bắt tay ông. Đó là những thầy giáo đang dạy học ở một vùng quê ven biển cách Huế khoảng 50km. Vì hâm mộ danh thủ Nguyễn Cao Cường qua những trận đấu trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam, nên từ sáng chủ nhật hôm đó, họ đã đạp xe vượt đoạn đường dài để đến được sân Tự Do xem thần tượng Nguyễn Cao Cường thi đấu.

Ông kể: “Hôm đó trời mưa, những thầy giáo run run bắt tay tôi thật xúc động. Bóng đá thật kỳ diệu vì đã mang lại cho cầu thủ và những cổ động viên niềm đam mê và cả những phút giây gặp gỡ nhiều hạnh phúc. Tôi bắt tay xong và ôm chặt những cổ động viên thân thương đó. Họ như tiếp thêm sức mạnh cho tôi...”.

Những người yêu bóng đá Việt Nam thập niên 1980 của thế kỷ trước chắc chắn sẽ nhớ tiền đạo số 10 của đội bóng CLB Quân đội: danh thủ Nguyễn Cao Cường. Với thể hình lý tưởng so với những cầu thủ cùng thế hệ, ông là tiền đạo số 1 của bóng đá Việt Nam thời đó. Có thể nói, với tài năng và tính cách của mình, Nguyễn Cao Cường là tượng đài của bóng đá Việt Nam và có lẽ, thế hệ sau này vẫn chưa ai sánh được với Cao Cường...

Vào năm 1984, khi Việt Nam đăng cai giải đấu Quân đội các nước xã hội chủ nghĩa gọi tắt là giải SKDA, cái tên Nguyễn Cao Cường đã được xướng lên nhiều lần khi ông thi đấu quá xuất sắc bên cạnh người anh là tiền vệ Nguyễn Thế Anh và một số tên tuổi khác của đội tuyển Việt Nam 1... Đúng là  Nguyễn Cao Cường hồi đó là chân sút số một của bóng đá Việt Nam với phong cách thi đấu rất ấn tượng như lời của BLV Hoài Sơn: “Mỗi khi Cao Cường có bóng là 3, 4 cầu thủ của đội bạn vây quanh anh. Nhưng chỉ cần một động tác kỹ thuật xoay người là anh đã biết cách vượt qua và sút. Vào không? Vào.... rồi!”.

Hôm đó tôi đã hỏi danh thủ Nguyễn Cao Cường đã thi đấu trên sân Tự Do mấy trận? Ông nói: “Không nhớ cụ thể nhưng trận đấu trên sân Tự Do mà tôi nhớ nhất đó là mùa bóng 1983-1984. Trận đấu đó tôi đã có một màn solo từ giữa sân đi qua 5-6 cầu thủ của đội Sở Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh và ghi bàn vào lưới thủ môn Nguyễn Văn Hiệp. Một trận bóng khiến tôi nhớ mãi. Tiếc là lần này không gặp được Nguyễn Văn Hiệp, thủ môn mà tôi ấn tượng nhất hồi đó”.

Phi Tân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng facebook về những chiếc xe lam - một thời đã hiện diện trên đất Huế và điện thoại hỏi tôi: “Anh còn nhớ mấy con trâu cày đường nhựa” không? Tôi trả lời ngay với chú em rằng: Làm sao quên được- nó là một phần đời tuổi thơ của chị em tôi trong những năm còn khó khăn.

Nhớ những chuyến xe lam
Ở Ngự viên mà nhớ Ngự viên…

Tôi có người bạn làm việc ở một doanh nghiệp lớn tại TP. Hồ Chí Minh. Cơ duyên sao đó, có thời gian anh ra nhận việc tại chi nhánh Huế rồi “sơ sẩy” thế nào mà… mê muội Huế luôn, coi Huế như là quê hương của mình.

Ở Ngự viên mà nhớ Ngự viên…
Nhớ Chư Đăng Ya

Chúng tôi rủ nhau lên cao nguyên khi mùa hoa dã quỳ vừa đi qua. Ngọn núi Chư Đăng Ya, thuộc buôn làng La Gri (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vẫn còn ngây ngất trong nắng thơm vàng đầu mùa khô.

Nhớ Chư Đăng Ya
Về Điền Lộc, nhớ ông Xuân

Nắng chói chang nhưng lối về xã Điền Lộc (Phong Điền) hôm nay rợp màu xanh với ruộng lúa, ô màu nối dài. Như bao lần qua đây, tôi lại nhớ ông Hoàng Xuân, một người cộng sản kiên trung đã quyết tử cho quê hương. Gần 50 năm đã về nơi đất mẹ nhưng khí tiết không chịu khuất phục trước kẻ thù bao năm ấy của ông luôn được người dân, đồng đội khắc ghi.

Về Điền Lộc, nhớ ông Xuân
Return to top