ClockThứ Ba, 18/08/2015 18:27

Đại học Huế: Rất đông thí sinh rút hồ sơ trong những ngày cuối

TTH - Ngày 18/8 (tức chỉ còn 2 ngày nữa là hết hạn đăng ký nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1), số lượng thí sinh đến rút hồ sơ tại Đại học Huế đông gấp 2-3 lần so với những ngày giữa của đợt xét tuyển.

Số lượng thí sinh đến rút hồ sơ tại Đại học Huế tăng lên 2-3 lần so với trước

Hồi hộp, đau tim... theo dõi tình hình

10h30’ sáng 18/8. Ngồi ở bên ngoài địa điểm nộp-rút hồ sơ của Đại học Huế (số 3 Lê Lợi), ông Lê Nhẩm quê ở Phú Yên, vẻ mặt đầy đăm chiêu. Con ông Nhẩm thi được 26 điểm (đã cộng 1 điểm ưu tiên) nộp hồ sơ vào ngành Bác sĩ đa khoa, Trường đại học Y Dược Huế. “Ngành này tuyển 600 chỉ tiêu mà con tôi giờ đứng thứ 625 rồi, tuy nhiên nếu xét riêng môn Sinh (môn chính) thì vẫn “lọt” vô vì đứng thứ 595. Ở vị trí “lương ương” nên phải chờ đến chiều xem danh sách thế nào, nếu quá 600 thì rút, còn chưa thì vẫn để”. Lê Anh Bảo, con ông Nhẩm đang truy cập vào mạng ở quán internet bên kia đường để xem tình hình cập nhật hồ sơ ở Trường đại học Y Dược Huế thế nào và cả một số trường khác để có phương án rút - nộp cho kịp thời. “Chiều qua hai cha con em lên tàu ra Huế. Chừ chắc chờ đến phút chót là ngày 20/8. Trong trường hợp “nguy hiểm”, em đã có phương án 2 là nộp vào Đại học Y Tây Nguyên, trường này lấy điểm thấp hơn”, Bảo buồn bã nói. Ông Nhẩm chia sẻ: Các trường ở TP.Hồ Chí Minh cập nhật số liệu hàng ngày, Đại học Huế thì 3 ngày mới cập nhật một lần nên thí sinh không biết tình hình thế nào để còn kịp thời rút hồ sơ!?

Không giấu được vẻ mệt mỏi trên gương mặt, thí sinh Lê Công Hậu (Quảng Bình) cho biết, ba Hậu đã mất, mẹ buôn bán nhỏ thu nhập bấp bênh. Để có tiền cho Hậu vào Huế rút hồ sơ, mẹ đã phải chạy vạy vay mượn quanh trong xóm. “Lúc đầu em nộp hồ sơ ở Đà Nẵng, xong thấy không ổn nên rút vào nộp ở Huế, giờ trường ở Huế nhiều thí sinh điểm cao nộp vào quá, sợ rớt nên lại phải rút để vào Đà Nẵng nộp”.

Thí sinh và người nhà chờ đợi để rút và nộp hồ sơ tại Đại học Huế

Thí sinh Hoàng Danh Hảo (Quảng Trị) cho biết, mình vừa rút được hồ sơ sau một tiếng rưỡi chờ đợi. Thi được 16 điểm, trước Hảo nộp hồ sơ vào ngành Quản lý tài nguyên, Trường đại học Nông Lâm. Ngành này tuyển 100 chỉ tiêu nhưng giờ Hảo đã đứng thứ 170 nên rút hồ sơ ra để nộp vào ngành Kỹ thuật địa chất, Trường đại học Khoa học. “Cán bộ của bộ phận tuyển sinh Đại học Huế rất tạo điều kiện nên việc rút hồ sơ không khó khăn. Chỉ mệt mỏi nhất là việc cứ phải theo dõi chờ đợi đến... thót tim xem vị trí của mình ra sao để nhanh chân rút hồ nộp qua trường khác kẻo không kịp. Chỉ 2 ngày nữa là hết hạn nộp hồ sơ nguyện vọng 1 rồi”, Hảo nói.

Cũng có cùng suy nghĩ này thí sinh Hoàng Thị Thuỳ Nga (Phong Điền) cho rằng “Năm nay mệt mỏi và tỷ lệ đậu khó hơn mọi năm vì tỷ lệ người cao điểm nộp vào nhiều. Mấy ngày cuối của đợt nộp hồ sơ, ngày nào em cũng phải ra quán để vào mạng xem mình đang đứng ở ngưỡng nào. Chỉ sợ rớt vì không kịp thời rút ra-nộp vào”, Nga nói. Nga thi được 16 điểm nộp vào Trường đại học Kinh tế Huế. Ngành Nga chọn có chỉ tiêu 150, hiện Nga đứng ở vị trí... 400 nên Nga rút để nộp vào ngành Quản lý nguồn lợi thuỷ sản, Trường đại học Nông Lâm Huế.

“Cộng điểm ưu tiên quá nhiều là không công bằng”

“Trong 2 ngày cuối đợt nộp hồ sơ, không thể biết được số lượng hồ sơ nộp vào rút ra thay đổi thế nào. Lượng hồ sơ nộp - rút lớn nên điểm chuẩn các trường cũng thay đổi liên tục. Hơn nữa, do quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho phép các trường công bố điểm chuẩn dự kiến nên khả năng sau ngày 25/8 Đại học Huế mới công bố điểm chuẩn”.
 
PGS.TS.HOÀNG HỮU HOÀ

Đó là suy nghĩ của nhiều thí sinh và phụ huynh đến nộp và rút hồ sơ tại Đại học Huế mà chúng tôi có dịp hỏi. “Nhà nước nên có chính sách ưu tiên những thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang, hải đảo - nơi điều kiện học tập khó khăn nhưng đối với những trường hợp khác như con thương binh chẳng hạn thì nên hỗ trợ về kinh tế, giảm học phí chứ không nên cộng điểm quá nhiều. Vì 2 thí sinh cùng học như nhau mà một bên được cộng tới 2 điểm thì bất công bằng quá! Thi đại học nhiều khi hơn nhau 0,25 điểm làm tròn lên là đã 0,5 điểm rồi và hơn nhau nửa điểm có thể ở ranh giới đậu và rớt. Cô Phạm Thu Hà, mẹ của thí sinh Nguyễn Thanh Phương nói. Ông Hoàng Đình Hồ, phụ huynh của một thí sinh đến rút hồ sơ cho rằng: “Có thí sinh thi 3 môn mà được tới 32 điểm (vì được cộng 2 điểm) vô lý quá. Số thí sinh được cộng 1 đến 1,5 điểm cũng rất nhiều. Vậy là thiệt thòi cho nhiều thí sinh không được cộng điểm. Chính sách này Bộ Giáo dục và Đào tạo cần điều chỉnh để đảm bảo công bằng giữa các thí sinh”.

PGS.TS.Hoàng Hữu Hoà, Trưởng Ban Khảo thí, Uỷ viên thường trực Hội đồng tuyển sinh Đại học Huế năm 2015 cho biết, đến trưa ngày 18/8, lượng hồ sơ nộp vào Đại học Huế là khoảng 18.000 hồ sơ và có hơn 2.000 hồ sơ rút ra. “Trước đó, mỗi ngày rút nhiều nhất là 300-400 hồ sơ nhưng hai ngày nay lượng thí sinh đến rút đông, mỗi ngày khoảng 1.000 hồ sơ. Đại học Huế ưu tiên những thí sinh ở xa cho rút trước và hầu hết là giải quyết trong ngày. Do số lượng hồ sơ rút quá nhiều nên không thể cập nhật hằng ngày như một số trường ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh”, PGS.Hoà nói.

Bài, ảnh: Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyển sinh Đại học 2024: Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển từ ngày 18/7

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành văn bản gửi các đại học, học viện, trường đại học; các trường sĩ quan có đào tạo trình độ đại học; các trường cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non; các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

Tuyển sinh Đại học 2024 Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển từ ngày 18 7
Bắc cầu giao lưu văn hóa Việt Nam - Lào

Cầu nối về văn hóa được Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế vừa mới “bắc nhịp” khi cùng đối tác phối hợp tổ chức các triển lãm mỹ thuật trên hai đất nước Việt Nam và Lào.

Bắc cầu giao lưu văn hóa Việt Nam - Lào
Cổ phục & học đường

Từ tình yêu dành cho trang phục truyền thống, Trịnh Thị Khánh Linh và Nguyễn Lê Vĩnh Khang, học sinh lớp 9, Trường THCS Chu Văn An mày mò nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp khả thi để lan tỏa cổ phục trong đời sống đương đại, đưa cổ phục đến gần hơn với các bạn học sinh.

Cổ phục  học đường

TIN MỚI

Return to top