ClockThứ Tư, 17/08/2016 14:22

Dân vùng biển nuôi bò

TTH - Ở Điền Hương (huyện Phong Điền), nuôi bò thịt đang là nghề “hót”, bởi không chỉ giải quyết lao động địa phương mà còn mang lại thu nhập khá cho người nuôi.

Dân vùng biển Điền Hương nuôi bò cho thu nhập khá

Thu nhập ổn định

Trong khi môi trường nuôi tôm trên cát ven biển đang có những biến động, người dân vùng ven biển Điền Hương đã biết “hướng ra những đồng cỏ” để phát triển đàn bò. Chị Trần Thị Minh, cán bộ khuyến nông xã Điền Hương, cho tôi con số khá ấn tượng: “Tổng đàn bò trên địa bàn xã có 610 con với 173 hộ nuôi, lớn nhất các địa phương ven biển trong huyện. Trong đó, đàn bò lai sind có 243 con, chiếm tỷ lệ 40% tổng đàn. Đàn bò cái sinh sản có 324 con, trong đó có 195 con cái sinh sản lai sind, chiếm tỷ lệ 60% đàn bò cái sinh sản”.

Nghề nuôi bò thịt, bò sinh sản vốn phát triển khá lâu tại Điền Hương, nhưng từ khi có dự án phát triển số lượng và nâng cao chất lượng đàn bò của UBND huyện Phong Điền hỗ trợ các hộ dân, việc nuôi bò ở Điền Hương mới có những bước phát triển về số lượng và chất lượng. Đi dọc các con đường liên thôn, xã dẫn ra rừng tràm, hàng ngày có hàng trăm con bò được các hộ dân chăn thả tại đây.

Ông Nguyễn Minh (thôn Thanh Hương Tây) cho biết: “So với nghề trồng lúa hay nuôi tôm ở địa phương, nuôi bò, nếu làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đầu tư chuồng trại hẳn hoi thì thu nhập không cao bằng nuôi tôm nhưng đều đặn, bền vững hơn. Bò lai nuôi đạt 1,5 tạ, bán được giá 15-17 triệu đồng/con; bò địa phương (bò cóc), đạt trên 1 tạ, bán 6-7 triệu đồng/con. Với 9 bò thịt, sinh sản, mỗi năm trừ chi phí như thuốc tiêm phòng, công cán và nguồn giống cỏ trồng, gia đình tôi lãi trên 100 triệu đồng”.

Bình quân mỗi hộ ở Điền Hương nuôi từ 4-5 con bò. Ngoài trồng cỏ nuôi bò, các hộ dân còn tận dụng các đồng cỏ chăn thả tự nhiên và xây chuồng trại, làm thức ăn dự trữ để nuôi bò. 

Ông Trần Gia Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương cho biết: “Năm 2016, UBND xã đã triển khai cho các hộ dân trong xã tiếp tục đăng ký tham gia dự án phát triển số lượng và nâng cao chất lượng đàn bò trên địa bàn. Đầu ra của đàn bò trên địa bàn chủ yếu cung cấp bò thịt cho các lò mổ quanh vùng với nhu cầu khá lớn, người chăn nuôi rất yên tâm”.

Phát triển bền vững

Chị Trần Thị Minh cho biết: “Dự án phát triển số lượng và nâng cao chất lượng đàn bò triển khai trên địa bàn xã từ năm 2012, đến nay, đã có 25 hộ dân tham gia đăng ký và đã có 35 con bò lai sind và 1 con bò đực giống nhập vào địa bàn xã”.

Để chủ động nguồn thức ăn vào mùa mưa cũng như tăng nguồn dinh dưỡng cho đàn bò, xã Điền Hương đã đưa vào trồng hơn 5.000m2 các loại cỏ voi, va06, rose. Trong đó, diện tích trồng cỏ theo dự án là 1.520m2. Các hộ dân tham gia dự án được UBND huyện hỗ trợ 50% chi phí giống cỏ để tăng diện tích trồng. Diện tích trồng các loại cỏ này nhằm cung cấp thức ăn bổ sung, còn lượng thức ăn chính chủ yếu tận dụng đồng cỏ tự nhiên và rơm rạ dự trữ. Hiện nay, các hộ chăn nuôi đang tiếp tục trồng cỏ bổ sung để cung cấp cho đàn bò trên địa bàn, hạn chế thiếu lượng thức ăn vào mùa mưa. Các hộ dân tham gia dự án còn được hỗ trợ xây dựng chuồng trại. Tính đến nay, tổng số chuồng trại đã nghiệm thu trên địa bàn xã Điền Hương là 17 chuồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương cho hay: “Hiện nay, địa phương đã gửi tờ trình lên UBND huyện xin lập quy hoạch vùng trồng cỏ tập trung, phục vụ chăn nuôi bò trên địa bàn. Theo đó, dự kiến sẽ phát triển vùng trồng các loại cỏ voi, va06, rose ở vùng Trầm Bày (thôn Thanh Hương Lâm) với diện tích 7 ha. Đồng thời, xã cũng đang lập quy hoạch xây dựng lò mổ tập trung, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 220 triệu đồng, với quy mô giết mổ 20 con/ngày. Việc xây dựng lò mổ tập trung, không chỉ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn giúp kiểm soát dịch bệnh gia súc trên địa bàn xã”.

HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm giàu từ trồng cỏ và nuôi bò

Từ phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân điển hình vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu trên chính đất quê hương mình. Mô hình kinh tế của anh Hoàng Công Tấn ở thôn Cao Xá, xã Phong Hiền (Phong Điền) là một trong số đó.

Làm giàu từ trồng cỏ và nuôi bò
Phát triển chăn nuôi bò ở A Lưới

Những chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi bò ở A Lưới đã từng bước nâng cao nhận thức cho người dân, chuyển từ phương thức chăn nuôi thả rong sang chuồng trại...

Phát triển chăn nuôi bò ở A Lưới
Return to top