ClockThứ Hai, 14/09/2015 14:31

“Đắng” với các khoản thu đầu năm học mới

TTH - Tổng số tiền mà phụ huynh phải đóng cho một suất học vào đầu năm học đang làm khó nhiều gia đình. 
Ngày khai giảng (Trường Quốc Học)

Cách đây chưa lâu, tôi gặp một bà mẹ bán rong ở công viên Quốc Học. Chị có nhà ở Phú Hậu, từng có đứa con bị ong độc cắn đến thập tử nhất sinh…Hàng ngày, với chiếc xe đạp và khoảng chục kg đậu phụng nấu, chị rảo quanh hầu hết các quán nhậu hai bên bờ sông Hương để kiếm tiền nuôi con. Chị tâm sự, năm nay có con vào lớp 6. Có danh sách vào lớp là nhà trường thông báo các khoản tiền phải đóng góp. Nhìn vào tổng số chị phát hoảng vì số tiền quá lớn. Mẹ lo và con cũng lo. Chị xin nộp 2 lần, nhưng trường nói đó là quy định chung, chưa đồng ý.

Vào dịp các trường bắt đầu tuyển sinh cho đến những ngày cận khai giảng, đi một vòng, hỏi chuyện những bà mẹ buôn thúng bán bưng ở các chợ, vỉa hè sẽ nghe rất nhiều nỗi âu lo... học phí. Không ít người chuẩn bị năm học mới cho con bằng những món tiền phải “vay nóng”, trả góp. Chị L, một thợ cắt tóc ở Trường An, có hai con đang độ tuổi tiểu học cho biết, chị đã “bốc hụi nóng” để lo tiền chuẩn bị cho hai con đến trường mà vẫn chưa đủ.
 Cầm tờ thông báo nộp tiền, không chỉ học sinh mà phụ huynh cũng bối rối. Ví dụ, trong phiếu thu đầu năm của trường tiểu học L có 2 phần. Ở phần I là “khoản thu theo quy định” với 1 mục là thu bảo hiểm y tế gần 550.000 đồng và “khoản thu theo thỏa thuận” gồm 4 mục là cơ sở vật chất (CSVC), bán trú, sao nhi đồng, tiền ăn, tiền phục vụ. Phần II là “khoản thu hộ” bảo hiểm thân thể. Tổng số tiền lên đến trên 1.600.000 đồng!.
Phiếu thu của trường tiểu học V. gồm “thu theo thỏa thuận phụ huynh”, trong đó có bảo hiểm y tế, CSVC và đồ dùng bán trú, đặc biệt có thu “hợp đồng dạy cờ vua” 25.000 đồng, hỗ trợ điện nước 90.000 đồng, tiền làm vệ sinh 30.000 đồng. Các khoản thu khác gồm hoạt động Sao-Đội 25.000 đồng, bảo hiểm tai nạn (tự nguyện) 75.000 đồng… Tất cả đẩy tổng lên gần 1.200.000 đồng…
Ở bậc THCS, số tiền nộp đầu năm của các trường đều trên dưới 700.000 đồng, trong đó học phí 450.000 đồng cho 9 tháng được thu luôn một lần. Có trường như ở trường N, bên cạnh khoản học phí 450.000 đồng là khoản 120.000 đồng không có chú thích; ngoài bảng tên, giấy kiểm tra, quỹ hoạt động Đội là khoản tiền giữ xe đạp 60.000 đồng cho học kỳ I.
Mỗi một học sinh để được đến trường, ngoài sách vở bút mực áo quần lên đến tiền triệu, các bậc phụ huynh còn phải “dắt lưng hơn triệu bạc” mới có thể an tâm cho con đến trường. Nhưng, đó chỉ là tiền thu đầu năm học. Nhiều trường đến thời điểm này chưa họp phụ huynh nên sẽ chưa có các khoản đóng quỹ phụ huynh, với các loại quỹ: chung cho trường, riêng cho lớp và quỹ cho tổ. Nhiều trường tuy chưa họp phụ huynh nhưng đã “thống nhất” mức đóng góp lên đến hàng trăm ngàn mỗi loại quỹ. Chưa kể, hệ thống ngoài công lập, quỹ phụ huynh có trường lạm thu lên cả triệu bạc như trường H. quỹ trường 500.000 đồng, quỹ lớp 600.000 đồng, quỹ tổ 200.000 đồng
“Thỏa thuận” nhưng nộp rồi các vị phụ huynh lại than thở vì hầu như các khoản thu đều chưa được giải thích thỏa đáng. Ví dụ, trường THCS N. thu tiền giữ xe đạp 15.000 đồng/tháng/học sinh. Trường có gần 2.000 học sinh, với khoảng 50% học sinh có đóng thì con số này cũng lên đến 15 triệu đồng/tháng, lại yêu cầu nộp 4 tháng nghĩa là 60.000đồng/học sinh. Hay, tiền vệ sinh lên đến 30.000 đồng/ học sinh; tiền điện nước mỗi em 90.000 đồng, tiền phô tô giấy kiểm tra mỗi em 10.000 đồng là những con số nhỏ nhưng không nhỏ nếu nhân lên số học sinh mỗi trường và thực chi…Cũng như một cái ghế ngồi trên sân trường giờ chào cờ, năm nào học sinh cũng phải nộp, cuối năm trước còn mới toanh, đầu năm sau lại nộp; gường bán trú, đồ dùng đồ chơi…tất cả các khoản đóng nghe chừng có lý nhưng thu chi như thế nào khó mà đoán định nếu như nhà trường không có sự giải thích cụ thể vì chưa nói đến tệ nạn, liệu có quá lãng phí?
Điều đáng nói là vấn đề này không mới, nhưng chưa bao giờ được xử lý dứt điểm. Đó là, với nhiều lý do, trong đó đặt nặng vấn đề “ngân sách Nhà nước không bảo đảm cho hoạt động” và cần phải nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tổ chức các hoạt động ngoại khóa sinh động nên cần có sự chung tay của gia đình. Với định hướng xã hội hóa, vấn đề lạm thu càng có cơ hội phát triển theo hướng… lạm thu. Trường nào cũng tuyên bố là đóng góp tự nguyện, không bắt ép, nhưng thực tế gần như là bắt buộc. Các bậc phụ huynh, nhất là phụ huynh trái tuyến không dám kêu ca vì nếu kêu, thì “xin mời” đưa con về địa phương. Tự nguyện mà hầu như không có sự bàn bạc sòng phẳng giữa người nộp và nhà trường là rất phổ biến. Nếu có “sự cố” nhà trường luôn “đá” trách nhiệm sang hội phụ huynh.
Theo quy định của Nhà nước, chi phí cho một trẻ đến trường đều được ngân sách cấp theo đầu học sinh, trong đó bao gồm cả các khoản chi cho hoạt động như điện, nước, phí vệ sinh, sinh hoạt ngoại khóa. Nhưng theo cán bộ quản lý bậc học, chi phí cho các hoạt động cao hơn rất nhiều, nhất là các trường muốn tổ chức hoạt động giáo dục… chất lượng cao. Cộng vào đó, định hướng xã hội hóa giáo dục dẫn đến việc các trường tạo nên những khoản thu “thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh” .
Hàng năm, tỉnh ta đã chi 20% ngân sách cho giáo dục, con số không phải là nhỏ. Tại sao hoạt động giáo dục của các trường vẫn phải đổ lên đầu người đi học từ cái ghế ngồi trong giờ chào cờ, đến tiền vệ sinh, giữ xe…Làm việc với một vài trường, đa số đều cho rằng đã có sự nhầm lẫn về học phí và phí dịch vụ. Lạm thu chỉ xảy ra ở các trường điểm, trường thành phố, trường đông học sinh chứ ít có ở các trường vùng sâu, vùng khó. Các khoản thu lạm từ “gợi ý” của nhà trường đều được “thổi hồn” thành “quyết định” của hội phụ huynh với tên gọi “tự nguyện” đã thực sự gây bất bình cho phụ huynh. Nhưng vì những điều “tế nhị” trong việc học tập của con em, mối quan hệ nhà trường - gia đình nên phụ huynh bức xúc đến mấy cũng không thể từ chối.
Đã đến lúc, ngành giáo dục cần lật lại vấn đề học phí và chi phí giáo dục để chỉ rõ phần nào các em được hưởng từ phúc lợi xã hội, phần nào gia đình phải đóng góp. Âu đây cũng là cách để giải oan cho ngành và triệt tiêu những kẻ lợi dụng kẽ hở trong định hướng xã hội hóa để tăng thu bất hợp lý.
Bài, ảnh: Hương Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày hội STEM cấp tiểu học

Ngày 26/4, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày hội STEM cấp tiểu học năm học 2023-2024 với chủ đề “Đẩy mạnh giáo dục STEM thông qua bài học STEM trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học”.

Ngày hội STEM cấp tiểu học
20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA

Ngày 26/4, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã phối hợp với Quỹ học bổng AMA trao 20 suất học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển khóa tuyển sinh năm học 2023 -2024.

20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA
"Trồng" những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện

Rèn luyện đảm bảo sức khỏe, nâng cao thể lực cho học sinh là “khâu” quan trọng, hiệu quả trong nâng cao chất lượng dạy và học của ngành giáo dục & đào tạo (GD&ĐT) huyện Phú Vang; “trồng” những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện, để sau này các em tiếp bước xây dựng quê hương.

Trồng những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện
Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học

Những năm gần đây, học sinh các cấp trên địa bàn Phú Vang ngày càng đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Quốc gia. Riêng tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 THCS cấp tỉnh năm học 2023-2024 mới đây, học sinh Phú Vang đoạt gần 40 giải. Đó là nỗ lực và kết quả của quá trình vượt lên nhiều khó khăn, bền bỉ nâng cao chất lượng dạy và học của thầy và trò huyện Phú Vang.

Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học
Return to top