ClockThứ Năm, 23/05/2013 13:59

Đánh giá cán bộ

TTH - Trong công tác xây dựng Đảng, cán bộ là nhân tố then chốt có tính quyết định cơ bản. Lý do, cán bộ là những người xây dựng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng…

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, đòi hỏi Đảng ta phải xây dựng một đội ngũ cán bộ ngang tầm, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trong công tác cán bộ, xây dựng và chuẩn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có tầm quan trọng đặc biệt. Trong các nghị quyết của Đảng, khi đề cập đến công tác cán bộ đã nêu rất rõ về các khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Đó là khâu đánh giá cán bộ; quy hoạch cán bộ; luân chuyển cán bộ; đào tạo bồi dường cán bộ. Đây là bốn khâu quan trọng, có quan hệ mật thiết với nhau, tạo tiền đề cho nhau phát triển.

Đánh giá cán bộ có thể được xem là khâu quan trọng đầu tiên trong công tác cán bộ. Đánh giá cán bộ đúng, có ý nghĩa quyết định trong việc tuyển chọn, đào tạo, bố trí, sử dụng có hiệu quả nguồn cán bộ. Thực tế cho thấy, trong công tác cán bộ, lâu nay có một tồn tại được Đảng ta nêu ra cần khắc phục ngay. Đó là đánh giá cán bộ theo lối cũ, cảm tính, vẫn còn tình trạng cục bộ, “yêu nên tốt, ghét nên xấu”... Những tồn tại đó dẫn đến bố trí cán bộ có nhiều sai sót.

Văn kiện Đại hội X của Đảng khi đề cập đến công tác cán bộ đã nêu rõ: “Đánh giá cán bộ phải công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện và công tâm, lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ công tác làm thước đó phẩm chất và năng lực của cán bộ. Đánh giá cán bộ lãnh đạo phải căn cứ vào hiệu quả công tác, khả năng đoàn kết, quy tụ, phát huy sức mạnh của tập thể, tạo ra sự tiến bộ và kết quả cụ thể trong ngành, lĩnh vực, địa phương đơn vị mình phụ trách”.

Đánh giá cán bộ còn phải xem xét tổng thể các mối quan hệ xã hội và gia đình. Việc đánh giá cán bộ là công tác thường niên, trước khi cán bộ kết thúc nhiệm kỳ, bổ nhiệm, đề bạt hoặc chuyển công tác...

Biểu hiện tiêu cực trong thời đại ngày nay là “tệ chạy chức”, “ton hót nịnh bợ”, xon xen gần gũi nếu không nói là “bám” cấp trên, “bám” cán bộ lãnh đạo chủ chốt, phục tùng và làm vừa lòng cán bộ lãnh đạo đang là “con rối” làm cho công tác đánh giá cán bộ bị lệch lạc. Có khi vì “cứu” một cán bộ, đã làm cho 5, 10 cán bộ “bị” luân chuyển theo. Đây là hiện tượng “trù dập” cán bộ do không chịu nghe lời. Biểu hiện này thực sự là bệnh cửa quyền của người cán bộ lãnh đạo cấp trên. Cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt nhưng ngay thẳng, không “bám” cấp trên thì chưa được đánh giá đúng. Ngược lại số cán bộ ton hót, chạy chọt thì được cất nhắc, đề bạt. Tình trạng này nếu không được khắc phục với những giải pháp mạnh mẽ thì công tác đánh giá cán bộ sẽ thiếu công tâm, không khách quan... dẫn đến bố trí, sử dụng cán bộ không đúng vị trí, chức trách đảm nhiệm. Dĩ nhiên là hiệu quả công tác cán bộ khó đem lại hiệu ích trong thực thi nhiệm vụ.

Đánh giá cán bộ là khâu tiền đề có tính quyết định và là khâu khó. Cái khó là đánh giá đúng năng lực, phẩm chất chính trị của người cán bộ với cái tâm và cái tầm của người đánh giá. Người tham gia đánh giá cán bộ cần có ý thức trách nhiệm cao, không thiên vị cá nhân, gạt bỏ tính cảm tình, thân thiện, hợp gu. Phải có động cơ trong sáng, đánh giá đúng để bố trí, đề bạt đúng cán bộ, công chức. Thiếu công tâm thì khó mà đánh giá cán bộ cho khách quan, dân chủ.

Đánh giá cán bộ không thể chỉ xem xét một thời điểm, một thời gian hoặc chỉ nhìn thấy hiện tại mà không tính đến tính dài lâu, quá trình vận động. Đánh giá cán bộ phải lấy hiệu quả công tác thực tế làm thước đo. Phương thức đánh giá được xem xét bởi những yếu tố mang tính định lượng

Đánh giá cán bộ đúng thì toàn bộ quy trình công tác cán bộ sẽ chính xác, hiệu quả xếp việc, chọn người khoa học làm cho bộ máy vận hành tốt hơn, tạo điều kiện cho cán bộ phát huy sở trường, sở đoản của cá nhân cùng tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình.

Trong đánh giá cán bộ nếu vì lý do nào đó mà đánh giá không đúng thì trong bố trí, sử dụng cán bộ sẽ lệch pha, làm cho cơ quan, đơn vị cụ thể khó khăn trong điều hành công việc. Tai hại hơn là làm mai một dần động lực công tác ở trong cơ quan, đơn vị. Tác hại lớn nhất là làm cho vàng thau lẫn lộn, xói mòn niềm tin của cán bộ, công chức với cơ quan lãnh đạo, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan đơn vị.

Thời gian qua, trong công tác cán bộ ở một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh ít nhiều cũng đã có vấn đề nổi lên. Dư luận cho rằng một số ít cán bộ do đánh giá chưa đúng nên bố trí, sử dụng chưa ngang tầm. Hệ quả là sau vài năm điều hành cơ quan không thể hiện được năng lực chuyên môn, năng lực quản lý; thậm chí làm cho cơ quan, đơn vị ngày càng đi lùi, nội bộ mất đoàn kết, cán bộ có năng lực “bị” luân chuyển qua nhiều ngành khác. Đó phải chăng là một bài học về công tác đánh giá cán bộ.

Những điều nêu trên nếu được xem xét, thực hiện nghiêm túc, được thường xuyên kiểm tra và giám sát của cán bộ, công chức, nhân dân, chắc chắn công tác đánh giá cán bộ, công chức sẽ đi vào nề nếp, khoa học, khách quan và hiệu quả thiết thực hơn.

Chiến Hữu - Văn Thanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top