ClockChủ Nhật, 11/11/2012 06:43

Đào tạo theo hệ thống tín chỉ: Nhiều bất cập sau 4 năm thực hiện

TTH - Đại học Huế (ĐHH) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết khóa đầu tiên đào tạo theo hệ thống tín chỉ (HTTC) giai đoạn 2008-2012 nhằm rút kinh nghiệm và tìm giải pháp phát huy mặt tích cực của phương thức đào tạo này đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo ĐH. Tuy nhiên, việc chuyển đổi hình thức từ đào tạo niên chế sang học chế tín chỉ còn quá mới mẻ này không tránh khỏi nhiều hạn chế.

“Chỗ nóng vội, chỗ ôm đồm”

Là nhận xét của PGS.TS.Nguyễn Đức Hưng, nguyên Phó Giám đốc ĐHH về việc thực hiện đào tạo theo HTTC tại các trường ĐH, khoa thành viên ĐHH. TS.Lê Thanh Bồn, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm cho rằng, cả người học, người dạy và quy chế đều còn nhiều hạn chế. Người học tính tự giác, tự chuẩn bị bài kém. Đổi mới phương thức mà các em không chịu học thì cũng chịu. Trong khi giảng viên còn loay hoay lúng túng. Chương trình rút gọn không đủ giờ nên có giảng viên nói qua loa, thậm chí bảo các em về đọc. Quy chế thì lỏng lẻo, không cần lên lớp, không cần thực tập, thực hành vẫn được thi. Quy định cho thi 2 lần cũng khiến sinh viên ỷ lại và thường tình trạng thi hộ xảy ra trong lần thi thứ hai. Đây là điều rất đáng lo ngại. Đề nghị bỏ quy định cho thi 2 lần...

PGS.TS.Lê Văn Anh, Phó Giám đốc Đại học Huế phát bằng tốt nghiệp cho các tân cử nhân hệ chính quy ngành Vật lý đào tạo theo chương trình tiên tiến khoá 2006-2010

Một giảng viên Trường ĐH Sư phạm bày tỏ, việc sinh viên được tự do lựa chọn môn học sẽ dẫn đến tình trạng một bằng đạt được là tích lũy khối lượng tín chỉ đủ chứ không phải các tín chỉ cần thiết, do vậy sẽ không đạt được chất lượng mong muốn. Giảng viên này cũng đưa ra khuyến cáo, phương thức đào tạo này có phần “chiều chuộng” người học, người học được lựa chọn môn học nên rõ ràng sẽ chọn môn học theo thời thượng. Vì vậy cần chuyển đổi nhưng phải phù hợp. 

Nhiều bất cập

Trong báo cáo khảo sát ý kiến đánh giá của giảng viên và sinh viên về đào tạo theo HTTC ở Trường ĐH Kinh tế, PGS.TS.Trịnh Văn Sơn, Trưởng phòng Đào tạo - Công tác sinh viên, Trường ĐH Kinh tế đưa ra kết luận: đa số giảng viên công nhận tính linh hoạt là thế mạnh của đào tạo tín chỉ (ĐTTC), giúp sinh viên chủ động và tích cực hơn trong học tập, phù hợp với đòi hỏi của thị trường lao động. Tuy nhiên, những bất cập ở đây là việc các giảng viên chưa được tập huấn một cách đầy đủ về HTTC, nội dung các khóa tập huấn không thiết thực; chương trình đào tạo chưa được xây dựng phù hợp, cơ sở vật chất chưa sẵn sàng phục vụ giảng dạy khi thay đổi phương thức đào tạo...

Lễ khai giảng khóa đào tạo theo học chế tín chỉ năm học 2012-2013 tại Đại học Sư phạm Huế

Đại học Huế triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ cho sinh viên năm thứ nhất từ năm học 2008 - 2009 tại tất cả các trường ĐH và khoa trực thuộc ĐHH, bao gồm: ĐH Ngoại ngữ, ĐH Khoa học, ĐH Nông lâm, ĐH Sư phạm, ĐH Kinh tế, Khoa Du lịch, Khoa Luật và 2 ngành đào tạo của ĐH Y Dược. Riêng ĐH Ngoại ngữ, trong năm học 2008 - 2009 bắt đầu đào tạo tín chỉ cho tất cả các khóa của trường. Trường ĐH Nghệ thuật, Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị và Khoa Giáo dục Thể chất do đặc thù của ngành nghề nên chưa triển khai. Sau 4 năm triển khai, có hơn 27.200 sinh viên đã và đang đào tạo theo HTTC, trong đó hơn 5.600 sinh viên đã tốt nghiệp.
Về phía sinh viên, mặc dù đa số sinh viên đánh giá cao ưu điểm của phương thức đào tạo này như khả năng lựa chọn môn học, ngành học và thời gian học phù hợp với điều kiện và năng lực của từng cá nhân nhưng vẫn còn những hạn chế như: sự trợ giúp thông tin từ phía nhà trường chưa đầy đủ; sự thiếu hụt về cơ sở vật chất và con người dẫn đến hoạt động hỗ trợ học tập cho sinh viên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Thống kê cho thấy, 30-55% sinh viên không cho rằng các hoạt động của nhà trường hỗ trợ tích cực cho việc học tập của họ, đó là thiếu phòng cho các hoạt động ngoài giờ lên lớp, thiếu tài liệu học tập, vai trò mờ nhạt của đội ngũ cố vấn học tập (55%). Sinh viên phàn nàn nhiều nhất về số học phần được mở trong từng học kỳ chưa đáp ứng được nhu cầu của họ.

Tiếp tục như thế nào?

“Nên tiếp tục hay dừng lại? Theo tôi nên tiếp tục vì ĐHH đã có bước khởi động thành công trong điều kiện hết sức khó khăn, con người còn hạn chế. Việc lựa chọn phương thức này là xu hướng tất yếu của đào tạo hiện nay. Tuy nhiên vấn đề là nên tiếp tục thế nào?”. PGS.TS. Nguyễn Đức Hưng nói. Theo ông, cần có thời gian chuyển đổi, không nên nóng vội, đốt cháy giai đoạn. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy những điểm không hợp lý sẽ có những điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với đặc thù riêng của ĐHH. Cụ thể là chương trình đào tạo phải gọn, linh hoạt, mềm dẻo; khâu giám sát kiểm tra đánh giá phải nhiều. Và để làm được điều đó phải nâng cao năng lực và tăng cường điều hành đào tạo HCTC cho cấp trường và cấp ĐHH; tổ chức lại đội ngũ cố vấn học tập...

PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc ĐHH cho rằng tính liên thông giữa các trường và khoa trong ĐHH còn chưa tốt, sự phối hợp giữa các ban, phòng các trường còn hạn chế. Bên cạnh một số cố vấn học tập tốt, vẫn còn nhiều cố vấn học tập thiếu kỹ năng, thiếu kinh nghiệm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo trình, tài liệu dạy học và phần mềm quản lý đào tạo còn thiếu thốn và chưa đồng bộ. Tuy nhiên, “phải kiên trì và tiếp tục phương thức đào tạo này”, PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn khẳng định. GS.TS. Nguyễn Văn Toàn cũng đưa ra một số giải pháp, ĐHH sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới. Đó là tập trung biên soạn hệ thống cẩm nang đào tạo tín chỉ của ĐHH; Nâng cao năng lực của cán bộ quản lý và cố vấn học tập; Thành lập hội đồng khoa học liên ngành, liên trường. Xây dựng quy chế liên thông tín chỉ giữa các trường; Xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ việc dạy và học. Phấn đấu thực hiện 100% môn học có giáo trình theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Lãnh đạo các trường, khoa phải thực sự quan tâm đến chất lượng đào tạo, thương hiệu của nhà trường. ĐHH sẽ tổ chức những hội nghị chuyên đề, hội thảo riêng về từng vấn đề trong thời gian tới.    

Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

Trong hai ngày 16 và 17/4, tất cả học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh tham gia làm bài thi khảo sát theo đề chung, được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là bước khảo sát kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12
Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024, vào các ngày 26, 27, 28, 29 tháng 6. Như vậy, chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa, các em học sinh sẽ bước vào kỳ thi quan trọng đánh dấu ngưỡng cửa bước vào tương lai.

Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả
Return to top