ClockThứ Sáu, 27/05/2022 08:36

Đặt người nông dân ở vị trí trung tâm

Dịch bệnh, hạn hán, cộng với tác động cuộc xung đột quân sự ở Ukraine đẩy giá cả hàng hóa, nhất là giá lương thực, thực phẩm tăng vọt, khiến cả thế giới đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực. Những ngày gần đây, một số nước đã cấm xuất khẩu các sản phẩm nông sản, thực phẩm nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước, như Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mỳ; Malaysia cấm xuất khẩu thịt gà, Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ… Điều này càng cho thấy vai trò quan trọng của nông nghiệp trong ổn định nền kinh tế của mỗi quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng.

Việt Nam vốn là nước nông nghiệp và có nhiều thế mạnh trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong cơ cấu dân số, theo kết quả điều tra sơ bộ tổng điều tra dân số năm 2019 của Tổng cục Thống kê, số người sống ở nông thôn là trên 63 triệu người, chiếm 65,6% dân số cả nước. Điều này cho thấy, những người sống nhờ nông nghiệp hoặc liên quan đến nông nghiệp ở nước ta chiếm tỷ lệ khá cao. Năm 2021, với mức tăng trưởng 2,9%, mức tăng GDP của ngành nông nghiệp cao hơn mức tăng trưởng GDP cả nước, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Tuy ngành nông nghiệp của cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng chiếm tỷ trọng không lớn trong nền kinh tế, nhưng luôn là “trụ đỡ” của nền kinh tế, khi vừa đảm bảo an sinh, an dân. Những thành quả quan trọng của ngành nông nghiệp nước ta trong những năm qua đã được Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII (diễn ra từ ngày 4 -10/5/2022) đánh giá trong tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo đó, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nước ta đã đạt nhiều thành tích quan trọng có ý nghĩa to lớn, bao trùm, toàn diện. Sản xuất, kinh doanh nông sản chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nghị quyết. Đó là, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất chủ yếu dựa vào nông hộ, thiếu liên kết trong sản xuất kinh doanh, kinh tế tập thể, hợp tác xã chậm phát triển…

Với Thừa Thiên Huế, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2021 ước đạt 7.300-7.400 tỷ đồng/58.690 tỷ đồng trong quy mô GRDP của nền kinh tế (chiếm trên 12%), tiếp tục là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế trong bối cảnh bị tác động của dịch COVID-19. Để có bước phát triển này, tỉnh đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án nhằm phát triển nông nghiệp và hỗ trợ nông dân. Tỉnh cũng đã triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp 2016-2020 theo hướng bền vững gắn việc sản xuất với tiêu thụ nông sản nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Hiện nay, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị, địa phương đánh giá, xây dựng kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp của địa phương phù hợp hơn với thực tiễn và kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp cả nước giai đoạn 2021-2025 theo Quyết số 255/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu trong giai đoạn này là tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Đây là định hướng lớn, quan trọng và cần nguồn lực lớn, nên cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; trong đó nông dân là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp. Chỉ khi người nông dân được trang bị kiến thức và thay đổi tư duy chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp thì mới tạo được sự đột phá trong phát triển nông nghiệp ở nước ta.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Ngày 6/4, đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam do ông Nguyễn Tiến Cường, Quyền Trưởng Ban Kinh tế-Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với HND huyện Phong Điền và kiểm tra một số mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Return to top