ClockChủ Nhật, 27/03/2022 05:24

Để doanh nghiệp phục hồi

TTH - Việc thích ứng trong điều kiện bình thường mới, với chương trình phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, cùng gói hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ, sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp (DN), người dân được tiếp cận nhanh chóng, ổn định, phục hồi sản xuất.

Huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tếTập trung hoàn thành các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp

Cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm chính sách tiền tệ và tài khóa

Nhiều “gói” hỗ trợ

Cơ quan thống kê, kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) dự báo, quý I/2022, có khoảng 45% số DN được đánh giá sẽ tốt lên so với quý IV/2021; 35% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 20% số DN dự báo khó khăn hơn. Số liệu mới nhất từ Sở KH&ĐT, tính đến cuối tháng 2/2022, có 116 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 890 tỷ đồng, tăng hơn 38% về lượng và tăng 44% về vốn so với cùng kỳ…

Sau nhiều gói chính sách hỗ trợ từ năm 2020 đến 2021, đầu năm 2022, Nghị quyết (NQ) số 43/2022/QH15 đã được Quốc hội thông qua nhằm phục vụ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Đây được xem là chính sách tài khóa với ngân sách lớn chưa từng có trong tiền lệ lên tới khoảng 350 nghìn tỷ đồng (tương đương 4% GDP của cả nước). Ngay sau đó, Chính phủ ban hành NQ số 11/NQ-CP để làm “kim chỉ nam” hành động cho chương trình này.

Đáng chú ý trong gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng là chính sách miễn, giảm thuế, phí, hỗ trợ lãi suất với gần 50 nghìn tỷ đồng được hỗ trợ thông qua giảm 2% thuế VAT sẽ giúp vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Cùng với đó, khoảng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ việc cấp bù lãi suất cho vay 2%/năm đối với các DN, HTX kinh doanh.

Nhiều chính sách hỗ trợ khác đang được thực hiện như: giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay so mức hiện hành trong năm 2022 xuống chỉ còn 1.500 đồng/lít. Chính sách giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 và gia hạn thời giạn nộp các loại thuế hiện đang được Bộ Tài chính chủ trì xây dựng và sẽ sớm trình Chính phủ ban hành nghị định. Hai chính sách này đang là mong mỏi của cộng đồng DN, hộ kinh doanh…

Đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ

Theo một DN, ngoài đòn bẩy về tài chính, quan trọng là cam kết của Chính phủ, địa phương, bộ, ngành trong giai đoạn này. Ví dụ khi đã ban hành NQ 128 để mở cửa lưu thông tất cả các hoạt động, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là logistics, thì Chính phủ phải kiên định với việc đó, vì lúc này DN chỉ có thể tiến, không thể lùi. Khi DN đầu tư trở lại thì phải được phép làm, chứ không trong tâm thế lo sợ đóng cửa, giãn cách, gây sức ì cho nền KT-XH.

“Nơi nào có dịch thì khoanh lại, hãy coi nó như “cảm cúm” để hạn chế tác động tiêu cực của người dân, DN. Bởi khi vắc-xin đã bao phủ, hệ thống miễn dịch cộng đồng đã có, thì tác động đối với sức khỏe được hạn chế đi rất nhiều. Toàn bộ thể chế Nhà nước lúc này phải xoay quanh DN, lấy DN làm trọng tâm để hỗ trợ phục hồi. Tổng doanh số của các DN chính là “thước đo” cho các cơ quan, chính quyền và toàn hệ thống chính trị”, vị doanh nhân này nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN Thừa Thiên Huế cho rằng, cộng đồng DN cũng như người dân đang cần một chính sách về mặt thể chế nhanh hơn. Trong các nhóm giải pháp mà ngành KH&ĐT đề xuất mới đây, có nhóm giải pháp đầu tư hướng về cơ sở hạ tầng, đầu tư công và khắc phục đứt gãy dòng tiền trong DN. Tuy nhiên, khi muốn trở lại bình thường, rõ ràng phải có quyết sách rất mạnh mẽ về chính sách, phải đưa dòng tiền ra như thế nào, đầu tư công ra sao, hỗ trợ lãi suất cho DN đến đâu. “Hầu hết các DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ đang ở trong tình thế mất thanh khoản, khó phục hồi; rất cần cơ chế cho dòng tiền quay trở lại, để DN tiếp tục mua nguyên, vật liệu, trả lương cho công nhân, phục hồi sản xuất”, ông Dương Tuấn Anh nói.

Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh dẫn chứng, nói đến câu chuyện hỗ trợ lãi suất, cơ chế phải khác đi, cụ thể hơn khi chúng ta đã có công nghệ 4.0. Chẳng hạn hỗ trợ chênh lệch lãi suất bao nhiêu, đòi hỏi thủ tục giấy tờ như thế nào, quyết toán hàng quý với DN ra sao. Những việc đó hoàn toàn có thể trình thủ tục qua mạng, khi đầy đủ rồi thì chỉ việc cấp bù lãi suất cho DN, chứ không chờ đến mãi sau này, đủ thủ tục và sinh ra câu chuyện xin - cho, mà không ngân hàng nào muốn làm như thế. Vậy nên, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ như thế nào, để câu chuyện hỗ trợ lãi suất được nhanh hơn. Cùng với đó, cần rà soát và tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt là nhóm các thủ tục liên quan đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường để hướng tới thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ…

Bài, ảnh: BẠCH QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp
Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội

Công tác an sinh xã hội trên địa bàn thời gian qua đã có nhiều khởi sắc. Từ những chính sách, các chương trình, dự án, hoạt động trợ giúp, nhiều hoàn cảnh được tiếp cận các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống, được nâng cao kỹ năng để giải quyết khó khăn về vật chất và tinh thần.

Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội

TIN MỚI

Return to top