ClockThứ Tư, 08/08/2018 13:00

Chưa “mặn mà” với ngành du lịch

TTH - Dù là ngành đang “hot” nhân lực, sinh viên ra trường dễ tìm được công việc đúng với chuyên môn đào tạo, song vẫn rất kén người học, nhất là ở lĩnh vực cao đẳng và trung cấp.

Du lịch Quảng Điền đi đúng hướngTour nhiều nhưng chưa hiệu quả7 tháng đầu năm doanh thu từ du lịch đạt 2.664 tỷ đồng

Ngành du lịch là một trong ít nghề cần lao động có chuyên môn cao hiện nay

Khó tuyển

Ông Phạm Bá Hùng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường cao đẳng Du lịch Huế cho biết, từ số liệu thống kê qua các năm, tỷ lệ sinh viên có cơ hội việc làm trong quá trình thực tập và được giới thiệu ngay sau khi tốt nghiệp của trường đạt 100%; trong đó, hơn 80% sinh viên đã tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo. Riêng năm 2017, gần 300 sinh viên ra trường được các doanh nghiệp tuyển dụng. Nếu có thêm vẫn được tuyển dụng vì các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lên đến 1.000 sinh viên.

“Hot” và dễ tìm kiếm được việc làm là thế, nhưng theo ông Phạm Bá Hùng, công tác tuyển sinh của nhà trường năm nào cũng gặp khó khăn, dù đã tổ chức nhiều đợt tư vấn tuyển sinh ở các địa phương. Sinh viên của trường chủ yếu ở Quảng Bình, Quảng Trị và Huế, nhưng nhu cầu học nghề nói chung và du lịch nói riêng của học sinh ở 3 địa phương còn thấp, nhiều phụ huynh và học sinh thích học đại học hơn. Nhiều học sinh không muốn làm nghề dịch vụ, phục vụ người khác. Để xoay chuyển tư tưởng thích học đại học là không phải dễ, cần thêm thời gian.

Theo Trường cao đẳng Du lịch Huế, mùa tuyển sinh 2018 dự đoán sẽ khó hơn so với các năm trước. Lý do là mặt bằng điểm thi của kỳ thi THPT Quốc gia năm nay thấp hơn so với năm trước, các trường đại học đang có xu hướng giảm điểm sàn và điểm xét tuyển. Mặt khác, nhiều trường đại học tự chủ về kinh tế, nên sẽ có nhiều cách để hút học sinh hơn.

Một khó khăn khác đối với các trường đào tạo cao đẳng và trung cấp nghề du lịch ở Huế là sự cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo ở các địa phương lân cận, nhất là Đà Nẵng. Theo Phòng Đào tạo Trường cao đẳng Du lịch Huế, địa bàn tuyển sinh chính của các trường là từ Huế trở ra, không thể tuyển ở khu vực từ Đà Nẵng trở vào. Các trường ở Đà Nẵng đang thu hút người học, bởi lợi thế của địa phương này là có nhiều việc làm, thu nhập cao hơn. Chính điều này đang chia thị phần người học khá lớn ở Quảng Trị và Quảng Bình.

Sinh viên Trường cao đẳng Du lịch Huế trong buổi thực tế nghề hướng dẫn viên

Thu hút người học ở Nam Đông và A Lưới

Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch trăn trở, thực tế nghề nghiệp, nhiều sinh viên học đại học ra trường nhưng không tìm được công việc phù hợp. Một phần do công việc cho ngành nghề đào tạo đó trong xã hội cần ít lao động, hoặc đang dư thừa. Trong khi đó, học du lịch có cơ hội việc làm lớn, dự đoán tương lai tiếp tục cần, nhưng lại không nhiều người chọn để học.

Có một vấn đề đã được đề cập khá nhiều, sinh viên học du lịch ở Huế sau khi ra trường hầu hết không làm việc ở Huế mà đi làm việc ở các môi trường khác, dẫn đến báo động về thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch của Huế.

Trường cao đẳng Du lịch Huế đang triển khai một kế hoạch, nhưng đến hiện tại lượng sinh viên còn rất ít. Đó là thu hút những học sinh ở hai huyện Nam Đông và A Lưới về học tại trường. Đối với các em ở thành phố có tố chất nhanh hơn thì có thể tìm những môi trường làm việc với mức lương cao. Riêng các em ở hai huyện này, sau khi ra trường, khả năng ở lại Huế làm việc sẽ cao hơn. Các em là những lao động được đào tạo bài bản, sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cho Huế.

“Trong kế hoạch này, chúng tôi đã có nhiều phương án để giúp các em có điều kiện học tập tốt nhất. Nhà trường sẽ huy động nhiều nguồn lực, xin tài trợ, học bổng cho các em; cùng với những ưu đãi của Nhà nước về chế độ miễn giảm học phí cho học sinh vùng sâu, vùng xa, sẽ giúp các em học tập mà ít tốn kinh phí. Đồng thời, nhà trường đang có những hợp tác với các doanh nghiệp, cam kết, sau khi ra trường có một công việc ổn định cho các em”, ông Vũ Hoài Phương thông tin.

Tuy nhiên, đó là kế hoạch, còn thực tế khá khó khăn. Trường cao đẳng Du lịch Huế đã có nhiều đợt tư vấn tuyển sinh ở hai huyện này, nhưng lượng sinh viên về học chỉ khoảng 20 em. “Chúng tôi rất mong muốn các cơ quan truyền thông giúp về mặt tuyên truyền; các cơ quan, ban ngành cùng với nhà trường cùng kêu gọi các em về học nghề”, ông Vũ Hoài Phương bày tỏ.

Ông Lê Tân, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cho hay, hiện tại hiệp hội có một quỹ tài trợ học phí cho sinh viên nghèo học tập, tiến tới xây dựng nguồn nhân lực chất lượng. Nếu các em hai huyện Nam Đông, A Lưới theo học, hiệp hội sẽ cấp học bổng; đồng thời, sẽ kêu gọi thêm các doanh nghiệp hỗ trợ những suất học bổng, hỗ trợ mang tính lâu dài.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

Du lịch cộng đồng được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Với nhiều tiềm năng, Thừa Thiên Huế cùng các địa phương có thể đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam.

Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo
Return to top