Các chính sách cần được sớm triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác khách hiệu quả hơn (Du khách mặc áo dài tham quan di sản nhân Ngày quốc tế phụ nữ 2021)
Điểm nhấn Phú Lộc
Những ngày qua, lãnh đạo ngành du lịch phối hợp với các địa phương tổ chức các chuyến khảo sát các điểm du lịch cộng đồng, sinh thái. Thông qua chuyến khảo sát, ngành du lịch sẽ đánh giá về mức độ đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các điểm đến; đồng thời đánh giá chất lượng dịch vụ, hoàn thiện và tăng thêm các dịch vụ để xây dựng tour tuyến mới phục vụ du khách trong thời gian đến, nhất là vào dịp hè năm 2021.
Ngành du lịch cho hay, sau các chuyến khảo sát, ngành du lịch sẽ định hướng các đơn vị lữ hành trong tỉnh khai thác, tổ chức tour, nhằm thu hút khách trong trạng thái vừa phòng chống dịch, vừa khai thác du lịch. Đặc biệt, những chuyến khảo sát đều có lãnh đạo tỉnh cùng tham gia, qua đó để lãnh đạo tỉnh có những chính sách, cơ chế hỗ trợ kịp thời cho ngành du lịch, các doanh nghiệp trong quá trình thu hút khách và phục hồi.
Ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch thông tin, số liệu từ sau tết Nguyên đán Tân Sửu đến nay cho thấy, mỗi ngày Huế đón khoảng 1.500 khách, cuối tuần có thể đến 2.500 - 3.000 khách, thì tại huyện Phú Lộc đã chiếm 1/3 tổng lượng khách. Dự báo trong thời gian tới, lượng khách đến Phú Lộc sẽ ổn định và có khả năng tăng nhờ khách từ Đà Nẵng ra. Điểm yếu được chỉ ra là chưa có sự kết nối tốt giữa các điểm đến nên khách lưu lại ngắn, nguồn thu chưa cao. Nhận thấy điều này, Sở Du lịch đang xây dựng một tour mới khám phá Cầu Hai kết hợp du lịch tâm linh tại hai ngôi chùa Thánh Duyên và Diêm Phụng. Dòng khách chủ lực sẽ là khách đến nghỉ dưỡng tại Khu nghỉ dưỡng Vedana Lagoon (thị trấn Phú Lộc).
Bên cạnh tour mới được định hình, ở Phú Lộc sẽ tiếp tục hoàn thiện dịch vụ, chỉnh trang cơ sở vật chất tại các điểm du lịch sinh thái suối thác, như chuỗi ba suối lớn là suối Mơ, suối Voi, suối Tiên. Cùng với đó là điểm vui chơi gắn với biển như Cảnh Dương, Lộc Bình, Hàm Rồng và điểm nhấn thiên nhiên Bạch Mã hứa hẹn sẽ tạo ra chuỗi điểm đến thu hút khách trong thời gian đến.
“Xu hướng của khách đang lựa chọn những đến gắn với thiên nhiên, nên cộng đồng, sinh thái và biển chắc chắn sẽ là 3 dòng sản phẩm chủ lực để thu hút khách nội địa. Bên cạnh điểm nhấn Phú Lộc, ngành du lịch sẽ tiếp tục khảo sát và sớm có những định hướng cụ thể để tạo ra những tour tuyến mới cộng đồng ở A Lưới, du lịch nông nghiệp gắn với làng nghề, đầm phá ở Quảng Điền, Phong Điền”, ông Trần Hữu Thùy Giang thông tin.
Nhu cầu và thời điểm
Theo lãnh đạo Sở Du lịch, Huế cũng như các điểm đến có thế mạnh về văn hóa, di sản thường khó khăn hơn trong thu hút khách nội địa, dòng khách chính trong năm 2020 và năm 2021 này do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Minh chứng là mùa du lịch hè năm 2020, trong khi Đà Nẵng thu hút lượng khách lớn nhờ biển, thì Huế và Quảng Nam thu hút lượng khách khiêm tốn hơn. Do đó, đòi hỏi Huế phải chủ động hơn nữa, chuẩn bị sớm những sản phẩm, dịch vụ làm hài lòng khách nhất, có kịch bản kích cầu mới để quảng bá sớm.
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện A Lưới chia sẻ, A Lưới là vùng đất có nhiều tiềm năng về du lịch, nhất là cộng đồng, sinh thái. Hai thế mạnh này đang giúp A Lưới thu hút lượng khách thời gian qua. Để chuẩn bị cho mùa du lịch mới, thời điểm này, huyện đã kết nối với các lữ hành để hình thành các tour tuyến bằng những chính sách, mức giá dịch vụ phù hợp. Kết nối càng sớm, sẽ càng tăng khả năng thu hút khách cho A Lưới.
Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh phân tích, trong kích cầu du lịch, giá cả là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là những dịch vụ hướng đến nhu cầu của khách. Xác định đúng đối tượng và có những dịch vụ đáp ứng đúng với nhu cầu thì khả năng thu hút khách sẽ rất cao. Thời điểm, thời gian kích cầu cũng rất quan trọng. Hiện tại, dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn nên tâm lý đi du lịch vẫn đang chưa được “khơi thông” mạnh nhất. Do đó, đây là thời điểm chuẩn bị các gói kích cầu, để khi thời điểm chín muồi, dịch bệnh kiểm soát thì kích cầu ngay.
Được biết, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã chuẩn bị nhiều gói kích cầu, trong đó có nhiều gói hướng đến học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, những chương trình tham quan, vui chơi giải trí để thu hút khách đoàn thể, các cơ quan trong tỉnh và ngoại tỉnh cũng được hình thành.
Trở lại câu chuyện tạo ra những kịch bản kích cầu bằng những gói, chương trình cụ thể, theo các doanh nghiệp ở Huế, dù đã chủ động nhưng thường vẫn chậm hơn một nhịp. Như thời điểm trước tết Nguyên đán, các lữ hành Hà Nội chờ đợi chính sách miễn, giảm ở các điểm tham quan ở Huế, nhưng thời điểm đó Huế chưa có quyết định áp dụng. Do dịch bệnh nên du khách Thủ đô không còn vào Huế nên chính sách chưa áp dụng không ảnh hưởng đến việc thu hút khách. Song qua đó để thấy, doanh nghiệp luôn cần cơ chế nhanh, trong khi đó để có chính sách thì phải đúng quy định, đây quả là bài toán mà ngành du lịch phải giải, trong quá khứ, hiện tại và cả trong tương lai…
Bài, ảnh: Đức Quang