Các lữ hành cần đoàn kết để khai thác khách tốt hơn
Chỉ lớn mạnh khi kinh tế phát triển
Năm 2021, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về du lịch, giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và thành phố Du lịch sạch ASEAN. Trong những giải pháp để thực hiện nhiệm vụ đó, có nhấn mạnh ưu tiên phát triển và thu hút các hãng lữ hành đến Huế.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, đối với hoạt động lữ hành, muốn phát triển cần làm rõ được hai vấn đề cơ bản. Đầu tiên, lữ hành có phát triển hay không thì phụ thuộc vào trục giao thông. Nếu điểm đến không có kết nối giao thông tốt, đặc biệt là về hàng không thì lữ hành khó phát triển. Hiện, Đà Nẵng đang là trung tâm trung chuyển cả miền Trung thì chắc chắn đây sẽ là trung tâm lữ hành của cả khu vực, chi phối các điểm khách đến. Do đó, Huế cần nhìn nhận thực tế này và liên kết tốt hơn với khu vực để cùng nhau phát triển.
“Vấn đề thứ hai không kém phần quan trọng đối với hoạt động phát triển lữ hành là đời sống kinh tế - xã hội của địa phương. Khi kinh tế của địa phương phát triển, nhu cầu đi du lịch sẽ nhiều hơn, khi đó, lữ hành sẽ có cơ hội khai thác khách tốt hơn. Trong nguyên lý phát triển, dòng khách hai chiều đến và đi càng năng động lữ hành sẽ càng phát triển”, ông Vũ Thế Bình phân tích.
Có thể thấy, mặt bằng kinh tế ở Huế đang ở mức trung bình, 70% dân số Huế sống ở nông thôn, miền núi nên nhu cầu đi du lịch không nhiều. Huế cũng không có nhiều khu công nghiệp, nhà máy với số lượng lớn công nhân. Nhìn sang những địa phương có ngành công nghiệp phát triển, nguồn khách tại chỗ giúp lữ hành rất lớn trong hoạt động ổn định.
Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch nhìn nhận, cốt lõi là tạo ra môi trường, cơ chế đầu tư tốt, thu hút nguồn lao động, không phải là du lịch mà tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Khi có nhiều nhà đầu tư, đời sống người dân đi lên, nhu cầu xã hội cùng lên theo, việc hưởng thụ bằng đi du lịch cũng sẽ tăng lên. Đó là mục tiêu mà ngành du lịch hướng đến. Ngành sẽ có những đánh giá tổng thể và tham mưu với lãnh đạo tỉnh trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với du lịch trong thời gian đến.
Một yếu tố khác mà tỉnh cũng ưu tiên hơn nữa đó là đầu tư cơ sở hạ tầng. Khoảng 10 năm trở lại, nhiều địa phương trong khu vực đã thay đổi cơ cấu hạ tầng kết nối của mình thì Huế gần như không thay đổi gì. Việc hạ tầng không thay đổi mà đòi hỏi tăng lượng khách là nhiệm vụ “bất khả thi”. Không thay đổi về năng lực phục vụ mà tăng lượng khách thì chỉ làm tăng sự lộn xộn, quá tải cho điểm đến.
Ở bất kỳ điểm đến nào, luôn cần có các “ông lớn” về lữ hành làm nhiệm vụ dẫn dắt, ngành du lịch Huế cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, Huế cần xây dựng một cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các hãng lữ hành lớn. Chẳng hạn như giảm thuế, hỗ trợ mặt bằng, hỗ trợ các thủ tục hành chính… Chỉ khi các lữ hành đủ mạnh thì du lịch địa phương mới phát triển. Những hãng lữ hành lớn này sẽ còn giúp ngành du lịch quy chuẩn các dịch vụ.
Lấy khó khăn làm động lực
Theo giới phân tích, du lịch sau đại dịch COVID-19, dù trong mọi trường hợp nào đi chăng nữa, chức năng của lữ hành sẽ không thay đổi. Dù xu hướng đi du lịch tự túc sẽ tăng lên, song lữ hành vẫn sẽ duy trì kết nối các dịch vụ thành sản phẩm hoàn hảo, kết nối những nhu cầu đơn lẻ thành một khối đối với những dòng khách thích có sự sắp đặt từ trước. Chỉ có sự thay đổi về mặt công nghệ đòi hỏi lữ hành phải thay đổi tương ứng, chuyển trạng thái phù hợp với nhu cầu mới, xu hướng mới...
Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh nhấn mạnh, khó khăn và tồn tại của lữ hành Huế nhiều năm qua được hội đánh giá, nhìn nhận. Bước vào giai đoạn mới, các thành viên đặt quyết tâm sẽ cùng nhau khai thác, đồng lòng không hạ giá trong cạnh tranh, cam kết cùng nhau nâng chất lượng cho điểm đến để thu hút khách. Vì khách hàng, thương hiệu công ty, cùng nhau đi lên. Trước đây, các lữ hành thường ít công khai nguồn khách, dịch vụ và sợ người khác hơn, nay các thành viên sẽ sử dụng dịch vụ, hỗ trợ nhau trong phục vụ khách. Hiện, hội đang tập hợp những nhóm lữ hành tương đồng cùng đẩy mạnh khai thác thị trường tạo sự lớn mạnh cho nội tại tốt hơn. Hy vọng trong tương lai sẽ có chuyến bay trực tiếp thì các hãng lữ hành sẽ làm trực tiếp với Huế.
Một tín hiệu mừng được Hội Lữ hành thông tin là hiện tại đã có một số lữ hành đầu tư về công nghệ thông tin, khai thác trực tiếp khách quốc tế. Dù chưa khai thác được khách từ các hãng lữ hành lớn ở các thị trường quốc tế, song đó cũng là tín hiệu cho thấy Huế đã dần chủ động hơn trong khai thác khách, chứ không hoàn toàn bị động phụ thuộc vào các hãng lữ hành hai đầu như trước.
Ông Đỗ Ngọc Cơ mong muốn, doanh nghiệp ở Huế chủ yếu vừa và nhỏ, nguồn lực rất hạn chế, không thể có những đầu tư lớn, nên tỉnh cần có những giải pháp thu hút đầu tư, hình thành các sản phẩm mới, đặc biệt là vui chơi giải trí.
TS. Trần Thị Mai, Chủ tịch Liên hiệp hữu nghị tỉnh đánh giá, cái yếu của doanh nghiệp lữ hành Huế là chưa nghiên cứu nắm bắt thị trường, chưa biết chuyển động, thay đổi nhu cầu của du khách. Vì vậy, trong thời gian đến, các doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn cho công tác nghiên cứu thị trường, hiểu được du khách cần gì, xu hướng như thế nào để có những sản phẩm, dịch vụ phù hợp. Nghiên cứu thị trường cũng giúp doanh nghiệp nhận ra những các hạn chế, tăng tính dự báo và cải tiến dịch vụ tốt hơn.
Với xu hướng mới, công nghệ chi phối dần hoạt động du lịch, sẽ là cơ hội mở ra cho những doanh nghiệp áp dụng công nghệ vào khai thác, tối ưu hóa bằng công nghệ. Với một số lữ hành, những ngách thị trường chuyên biệt, với những nhu cầu mới là hướng khai thác cần hướng đến. Bên cạnh đó là yếu tố liên kết cần hướng đến chiều sâu. Lâu nay, liên kết chỉ xuất hiện trong khó khăn còn lại khi hết khó khăn lại không liên kết nữa. Bởi vì liên minh để khai thác một sản phẩm cụ thể, đó mang tính thời vụ. Để hợp tác lâu dài các liên minh cần bổ sung dịch vụ cho nhau.
Tại Đại hội Hội Lữ hành tỉnh khóa II, nhiệm kỳ 2022 – 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã phát biểu, lữ hành đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch tỉnh nhà. Vai trò của lữ hành cần được phát huy và thể hiện sắc nét hơn nữa. Thời gian qua, tỉnh tập trung chỉnh trang đô thị, xây dựng các thiết chế mới cho đô thị trung tâm. Còn việc kết nối, biến những điểm đến đó thành sản phẩm phụ thuộc vào lữ hành. Về phía lãnh đạo tỉnh sẽ luôn tạo điều kiện tốt nhất cho lữ hành phát triển, trên tinh thần lắng nghe và tháo gỡ.
Bài, ảnh: Đức Quang