ClockThứ Bảy, 13/06/2020 15:32

Du lịch không dùng tiền mặt

TTH - Với thẻ du lịch mà Huế chuẩn bị đưa vào sử dụng, du khách sẽ yên tâm về tính tiện dụng. Khách còn được khuyến mãi, giảm giá khi sử dụng các dịch vụ trong chuỗi cung ứng được ngành du lịch Huế hình thành sẵn.

Người Huế đã đi du lịch Huế chưa?Ưu tiên nội địa, không quên quốc tếPhấn đấu thu hút 60% khách đến Huế so với cùng kỳ

Mẫu mã thẻ du lịch dự kiến được khai thác trong thời gian đến

Du khách hưởng lợi

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, thẻ du lịch không phải là dịch vụ mới trên thế giới, nhưng còn khá mới mẻ với ngành du lịch trong nước. Thẻ du lịch không chỉ có tính năng như thẻ ngân hàng mà còn nhiều tiện ích khác. Khi sử dụng thẻ này, du khách có thể thanh toán khi sử dụng mọi dịch vụ lúc đến Huế như đi tham quan, ăn uống, đi taxi, lưu trú ở khách sạn, mua sắm tại các cửa hàng lưu niệm…

Theo các doanh nghiệp du lịch, quan trọng nhất đối với thẻ du lịch là tính tiện dụng và dễ sử dụng. Nếu dùng thẻ mà tốn nhiều thời gian để lập tài khoản, hay không mang lại nhiều giá trị tương ứng so với tiền mặt sẽ rất khó để du khách sử dụng.

Ông Tống Xuân Thủy, Giám đốc Viettel Pay, Chi nhánh Viettel Thừa Thiên Huế, đối tác được UBND tỉnh phối hợp phát triển thẻ du lịch cho biết, sẽ có hai dạng thẻ, nếu là người Huế với mục đích sử dụng các dịch vụ lâu dài thì được áp dụng như thẻ định danh. Còn nếu là khách ngoại tỉnh, hay khách quốc tế, thẻ được áp dụng như dạng thẻ cào. Du khách có thể mua một thẻ bất kỳ với mệnh giá bao nhiêu tùy thích. Du khách đến Huế bằng hình thức vận chuyển nào sẽ được cung cấp thẻ ở các đối tác vận chuyển, hoặc ở tại khách sạn, hoặc tại điểm tham quan, mua sắm.

“Hình thức sử dụng thẻ này như một thẻ ATM bình thường, có thể rút tiền mặt ở mọi quầy ATM và hoàn toàn miễn phí giao dịch. Thẻ cũng có thể thanh toán trên các máy POS của ngân hàng, hay có thể quét mã QR Code để thanh toán. Trong tương lai, hình thức thanh toán trên thẻ du dịch của Huế sẽ được tích hợp vào nền tảng Hue-S, trở thành đầu mối thanh toán trực tuyến của tỉnh”, ông Tống Xuân Thủy thông tin.

Ở một số nơi trên thế giới, thẻ du lịch khi được sử dụng, giá các dịch vụ du lịch sẽ giảm, nhưng buộc du khách phải sử dụng hết số tiền trong thẻ. Riêng với thẻ du lịch của Huế sắp được sử dụng, ngành du lịch khẳng định, khách hàng có thẻ nạp thêm khi thẻ hết tiền và sau khi kết thúc chuyến du lịch, du khách có thể rút lại tiền dư.

Ngành du lịch sẽ xây dựng một chuỗi cung ứng gồm các khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vận chuyển, mua sắm… khi du khách sử dụng thẻ đến sử dụng tại các điểm này sẽ được giảm giá dịch vụ, tùy vào số lượng và số tiền du khách đã sử dụng mà có mức giảm giá cao hay thấp. Tất cả lịch sử giao dịch đều đã được ghi lại trên hệ thống và như thế du khách sẽ được tự động áp dụng chính sách giảm giá mà không phải liệt kê lại.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội Lưu trú tỉnh đánh giá, không chỉ du khách, nếu áp dụng hình thức thanh toán này, mỗi cơ sở phải nâng cao chất lượng phục vụ, tăng khả năng thu hút và thêm cơ hội làm hài lòng khách. Hiện nay, hầu hết các cơ sở lưu trú đều trang bị các thiết bị thanh toán không tiền mặt, nên việc áp dụng sẽ rất thuận lợi.

Du khách đến tham quan Huế và sử dụng các dịch vụ trên nền tảng CNTT

Lành mạnh hóa môi trường du lịch

Mục tiêu của Huế khi sử dụng thẻ du lịch là hướng đến không dùng tiền mặt trong hoạt động du lịch, giúp lành mạnh hóa môi trường du lịch, hạn chế tình trạng “chặt chém” khách bằng cách quản lý tốt thanh toán, tạo sự yên tâm cho khách khi đến Huế. Đây cũng được xác định là giải pháp tối ưu để tránh thất thu thuế trong hoạt động dịch vụ du lịch hiện nay.

Huế đang hướng đến đô thị thông minh, vì thế thanh toán thông minh là một lĩnh vực trong “hệ sinh thái” thông minh đó. Thanh toán không dùng tiền mặt cũng là xu hướng tất yếu mà Huế được đánh giá đang đón đầu hiệu quả. Dự kiến, thẻ du lịch sẽ được phát hành trong tháng 7 năm nay. Hướng đến sử dụng phổ biến trong Festival Huế 2020. Ngành du lịch cũng đặt mục tiêu, phấn đấu trong năm 2020 sẽ phát hành được khoảng 10 ngàn thẻ du lịch.

Tại cuộc làm việc để bàn kế hoạch phục hồi du lịch Huế gần đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định gợi mở, ngành du lịch và các ngành liên quan cần xây dựng chương trình khuyến mãi tại các điểm tham quan, bán hàng không dùng tiền mặt gắn với các cơ sở lưu trú. Khi khách dùng thẻ này ở lưu trú sẽ được giảm giá tương ứng ở các điểm mua sắm. Khi chọn tham gia chuỗi cung ứng cần là các cơ sở kinh doanh dịch vụ uy tín, chất lượng. Ngoài ra, cũng cần xây dựng chương trình, chính sách giảm giá, khuyến mãi khi khách sử dụng thẻ vào các ngày đầu tuần cao hơn khi sử dụng vào cuối tuần, để thu hút thêm khách.

Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết thêm, ngành du lịch đã đề xuất với đơn vị cung ứng dịch vụ thẻ du lịch tăng thêm tiện ích, du khách có thể đăng ký online trước đó và khi đến Huế họ chỉ đến điểm lưu trú để lấy thẻ và sử dụng. Nếu sử dụng không hết có thể chuyển qua tài khoản ngân hàng của khách một cách dễ dàng nhất, không lấy lại tiền mặt.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phụ nữ đi đầu trong giữ gìn bản sắc văn hóa Huế

Sáng 23/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh lần thứ IX, khoá XVI nhiệm kỳ 2021-2026; tổng kết hoạt động hội và phong trào phụ nữ năm 2024, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Đến dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến và lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh.

Phụ nữ đi đầu trong giữ gìn bản sắc văn hóa Huế
Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương

TIN MỚI

Return to top