ClockThứ Ba, 07/03/2017 14:10

Tour du lịch sông An Cựu, tại sao không?

TTH - An Cựu là chi lưu của sông Hương, dài khoảng 30km, bắt đầu lấy nước sông Hương từ đoạn cuối cồn Dã Viên, chảy qua địa phận TP. Huế, thị xã Hương Thủy rồi đổ vào phá Hà Trung. Nếu khai thác, tour du lịch trên con sông này sẽ rất hấp dẫn và thú vị.

Một thời gian dài ít được quan tâm nên con sông này trở nên ô nhiễm, rác vứt bừa bãi, bèo mọc đầy sông khiến cho dòng chảy dường như đã "chết". Để trả lại vẻ đẹp vốn có, nhiều năm qua, bằng nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền trong việc giải tỏa hộ dân sống dọc hai bên bờ sông, xây dựng hệ thống kè chống xói lở, nạo vét dòng sông, vớt bèo, vớt rác… Đến nay, sông An Cựu đã trở nên trong xanh và đẹp.

Một chiều cuối tuần, chúng tôi thuê hẳn một chiếc thuyền nhỏ chở dăm ba người bạn xuôi dòng An Cựu để ngắm vẻ đẹp của những vùng đất mà dòng sông đi ngang qua. Khởi hành từ điểm rẽ của sông, chúng tôi chạy dọc qua các cầu ga Huế, Nam Giao, Bến Ngự, Kho Rèn để ngắm Cung An Định, rồi sau đó, băng qua chợ An Cựu để tiến thẳng về cầu ngói Thanh Toàn. Dòng sông nhỏ nên hai bên sông rất gần nhau để nhìn toàn cảnh cũng như có thể cập bến ở bên này mà có thể nhìn thấu bên kia rõ mồn một. Anh bạn tôi, một nhà báo đến từ Hà Nội nói rằng, ở Huế nhiều dòng sông đẹp nhưng việc khai thác nó còn ít. Ở Hà Nội, dòng sông Hồng đỏ choạch, sâu hoắm lại rất rộng nhưng tour du lịch sông Hồng vẫn rất đắt khách, trung bình mỗi khách khám phá sông Hồng có giá vé dao động từ 550.000đ – 600.000đ/khách.

Trở lại việc đi thuyền dọc sông An Cựu, đẹp nhất là khi chúng tôi qua các làng mạc ở An Đông, rồi băng qua cánh đồng Thủy Thanh, nơi đồng ruộng xanh ngắt, từng đàn cò trắng bay lượn, hai bên sông những đàn vịt của người dân lặn hụp tạo nên một nét chân quê còn khá nguyên vẹn. Dừng chân nghỉ ngơi tại cầu ngói Thanh Toàn khi trời đã về chiều, thấy cạnh đó, sát bên dòng sông là một quán ăn mang tên Chiều Quê tranh - tre - nứa - lá vừa đẹp, vừa lãng mạn, phù hợp với khung cảnh ở đây, thế là chúng tôi quyết định lên đó để ăn tối và ngắm cảnh về đêm của khu vực nông thôn này. Điện đường, điện nhà tỏa sáng xuống dòng sông thật lung linh huyền ảo, từng món ăn dân dã của vùng quê được bày lên nào là gà vườn, vịt đồng, cá đồng… thơm ngon. Sau khi thưởng thức các món ăn đặc sản tuyệt vời ở đây với giá cả hợp lý ai cũng cảm thấy chuyến đi này thật sự có ý nghĩa.

Chia tay một chuyến đi dã ngoại thật vui và bổ ích, nhiều người bạn tôi tiếc rẻ, sao Huế không thiết kế những tour du lịch sông nước như thế này? Tôi cũng cảm thấy tiếc thật, bởi chưa một ai ở Huế khai thác tuyến du lịch này, trong khi cứ hai năm một lần, Thừa Thiên Huế lại tổ chức Fesstival Huế, trong đó địa điểm cầu Ngói Thanh Toàn là một địa chỉ không thể thiếu của Lễ hội văn hóa lớn này. Dù chỉ là một chuyến đi dạo chơi, tôi là người khởi xướng, là người Huế, nhưng vẫn là người ngoại đạo không rành rọt nhiều về mặt lịch sử, địa lý của các vùng quê nơi này nên không giới thiệu cho bạn bè được nhiều về nguồn gốc của dòng sông cũng như những địa danh mà thuyền chúng tôi đi qua. Nếu như có một tour du lịch hoàn chỉnh, có lộ trình đi và về, có điểm dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống, tham quan và có hướng dẫn viên thì chắc hẳn chuyến đi sẽ để lại dấu ấn lớn biết chừng nào!

Trọng Hoàng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm đến Hương Bình

Với sự quan tâm của tỉnh và thị xã, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, đầu tư xây dựng hạ tầng, xã Hương Bình (Hương Trà) đang trở thành một trong những địa phương có sức hấp dẫn nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Điểm đến Hương Bình
“Đánh thức” tiềm năng du lịch

Với tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, địa lý và văn hóa lịch sử, thị xã Hương Trà đang tích cực tìm hướng phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn.

“Đánh thức” tiềm năng du lịch
Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, bằng giai đoạn “hoàng kim” năm 2019. Thừa Thiên Huế là một trong địa phương có thế mạnh về du lịch. Để góp phần đưa du lịch Việt Nam tăng tốc trên “đường đua”, du lịch Cố đô cần tận dụng những điều kiện thuận lợi, nhất là hợp tác thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và các nước.

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều
Return to top