ClockThứ Tư, 21/10/2020 14:20
Quy hoạch, phát triển du lịch:

Tránh lối mòn, hướng đến ngành kinh tế mũi nhọn - Bài 1: “Mắc kẹt giữa đám đông mà không có sự khác biệt”

TTH - Nghị quyết 54-NQ/TW như “cánh cửa” mới được mở ra đối với ngành công nghiệp “không khói” của Huế, đòi hỏi phải có tầm nhìn, các giải pháp phù hợp để du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn.

Phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vữngA Nôr được chọn là làng du lịch cộng đồng tiêu biểu của Việt NamĐể Lập An phát triển bền vững

Chiến lược gia nổi tiếng thế giới về cạnh tranh Micheal Porter đã nhấn mạnh: “Mắc kẹt ở giữa đám đông mà không có sự khác biệt nào là vị trí nguy hiểm nhất”. Và Huế đang rơi vào điểm nghẽn này…

Huế mất dần vị thế trên “bản đồ” du lịch Việt Nam. Vấn đề này đã được mổ xẻ, tìm giải pháp nhiều lần song đến nay vẫn chưa thực sự tạo ra thay đổi nào đáng kể.

Số lượng khách du lịch đến Huế năm 2019

Tài nguyên hiện hữu, vị trí tụt hậu

Để đánh giá sự phát triển du lịch của mỗi điểm đến phải dựa trên những số liệu cụ thể. Đó là những con số về lượng khách, số ngày lưu trú, tổng mức chi tiêu, doanh thu trong xã hội; bên cạnh đó là sự đầu tư ngược trở lại của du lịch đối với hạ tầng, giao thông, công tác bảo tồn. Sự phát triển của Huế cũng phải đặt trong mối tương quan với các điểm đến khác trong khu vực, quốc gia để có đánh giá khách quan về tốc độ tăng trưởng.

Năm 2019, tổng lượng khách đến Huế đạt 4,8 triệu lượt; trong đó, khách quốc tế đạt hơn 2,1 triệu và khách lưu trú đạt 2,2 triệu lượt. Số ngày lưu trú trung bình vẫn ở mức thấp, 1,7 ngày, mức chi tiêu trung bình của khách là 1,1 triệu đồng/khách/ngày. Đặt trong tương quan phát triển với 2 địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam dựa trên mối liên kết được xác lập “Ba địa phương - một điểm đến”, trong năm 2019, Đà Nẵng thu hút khoảng 8,6 triệu lượt khách; trong đó, khách quốc tế khoảng 3,5 triệu lượt, số ngày lưu trú trung bình là 2,68 ngày và mức chi tiêu khoảng 1,6 triệu đồng/khách/ngày; ở Quảng Nam, năm 2019 thu hút được 7,6 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt 4,5 triệu lượt, số ngày lưu trú trung bình là 2,07 ngày và mức chi tiêu khoảng 1,5 triệu đồng/khách/ngày.

Nhưng vì sao lại chững lại. Một loạt điểm yếu của du lịch Huế được ông Nguyễn Văn Tuấn, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nêu ra. Trong nguyên lý phát triển du lịch, sản phẩm là yếu tố cốt lõi, là lý do để khách lựa chọn điểm đến và cũng là mục đích của những chuyến du lịch. Sản phẩm văn hóa – di sản ít đổi mới, thiếu tính sáng tạo và chưa có tính đột phá. Chưa có những thương hiệu nghỉ dưỡng lớn (chỉ mới có Laguna Lăng Cô) để tạo thương hiệu chung và giá trị gia tăng cho du lịch biển...

PGS.TS. Bùi Thị Tám, nguyên Khoa trưởng Khoa Du lịch, Đại học Huế phân tích thêm, sản phẩm du lịch của Huế mang tính đại trà, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, do vậy khả năng cạnh tranh thấp và đang đứng trước nguy cơ đi vào giai đoạn cuối của “chu kỳ đời sống” điểm đến. Hoạt động quảng bá và xúc tiến du lịch đang mờ nhạt, chưa đủ để củng cố cho hình ảnh thương hiệu du lịch Huế. Hợp tác công tư trong đầu tư phát triển du lịch chưa hiệu quả, còn nhiều rào cản cần được tháo gỡ, kể cả những rào cản thuộc về chiến lược và quy hoạch phát triển chung của tỉnh.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel từng thông tin, đối với khách du lịch, 70% chi tiêu là vào ban đêm, 30% còn lại là vào ban ngày. Muốn khách ở lại lâu, chi tiêu nhiều, du lịch đêm ở Huế phải phát triển, nhưng nhiều năm qua, đêm ở Huế vẫn… đơn điệu!

Đến thời điểm này, một nhận định về du lịch Huế đã tồn tại hơn thập kỷ qua là “Du lịch Huế phát triển chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh” vẫn được nhắc nhiều lần và câu hỏi đặt ra là khi nào ngành công nghiệp “không khói” của Huế phát triển xứng với “kho báu” đang sở hữu.

Tương quan lượng khách giữa Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam

Lúng túng tìm vòng đời thứ hai

Du lịch Huế “khởi động” từ những năm 1988, khi UNESCO lên tiếng cần cứu lấy hệ thống di tích. Năm 1993, khi Quần thể Di tích Cố đô Huế được công nhận là di sản thế giới, Huế bắt đầu đón khách nội địa. Năm 1995, khi mở cửa hội nhập, khách quốc tế bắt đầu đến Huế. Giai đoạn từ 2000 đến 2005 được xem là thời kỳ “thịnh vượng” nhất của du lịch Cố đô. Thời điểm đó, nói đến du lịch Việt Nam, nhiều người nghĩ ngay đến vùng đất sông Hương núi Ngự với vai trò là “người tiên phong”. Nhưng khi thị trường khách bị chi phối bởi những nhu cầu mới, phân tán bởi các điểm đến mới, đòi hỏi du lịch Huế cần mở rộng sản phẩm, thị trường, đầu tư hạ tầng. Sự chậm thay đổi khiến Huế đi vào giai đoạn cuối của vòng đời đầu tiên. Hơn 10 năm qua, Huế vẫn loay hoay chưa tìm ra hướng đi hợp lý cho vòng đời thứ 2.

Theo PGS.TS. Bùi Thị Tám, quy hoạch du lịch được xác định là yếu tố tiên quyết cho mọi sự phát triển của điểm đến. Quy hoạch đảm bảo phát triển du lịch phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung; đảm bảo thúc đẩy khai thác tài nguyên du lịch một cách hợp lý, khoa học và hiệu quả.

Thực tế, du lịch Huế đã có nhiều quy hoạch, đề án, nghị quyết được ban hành. Nhưng các quy hoạch chồng chéo và triển khai kém hiệu quả. Theo Sở Du lịch, chỉ riêng trong giai đoạn 2009 đến 2010, ngành du lịch có ít nhất 3 quy hoạch. Trước hết là quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Huế đến năm 2020 của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch; thứ hai là quy hoạch phát triển bền vững du lịch TP. Huế đến năm 2020, do các chuyên gia Tây Ban Nha thực hiện; từ năm 2009 đến 2013 là quy hoạch mang tính tổng thể mới được triển khai và do các chuyên gia Singapore thực hiện.

Để thúc đẩy du lịch, sau 20 năm, một nghị quyết về phát triển du lịch được ra đời. Trong Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy ban hành năm 2016, các mục tiêu được đặt ra đến năm 2020 là thu hút trên 5 triệu lượt khách, trong đó, 3 - 3,5 triệu lượt khách lưu trú; khách quốc tế phấn đấu đạt 2,5 triệu lượt. Thời gian lưu trú bình quân trên 2,1 ngày. Suất chi tiêu bình quân trên 1,5 triệu đồng/khách/ngày. Khi sơ kết 3 năm triển khai nghị quyết, một số chỉ tiêu quan trọng nhất, như khách lưu trú, ngày lưu trú bình quân, mức chi tiêu đều không đạt.

Một trong những nguyên nhân chính được xác định là sự cạnh tranh của các điểm đến trong khu vực; thiếu các khu vui chơi giải trí quy mô lớn; các dự án đầu tư chiến lược để tạo phát triển đột phá chậm triển khai; sản phẩm du lịch vẫn chưa thực sự đa dạng, quy mô hạn chế; hạ tầng du lịch vẫn còn một số hạn chế nhất định, nhất là hạ tầng giao thông kết nối từ TP. Huế đến các khu vực biển, đầm phá...

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch đánh giá, hiếm có địa phương nào hội đủ các loại hình tài nguyên du lịch như Thừa Thiên Huế: biển đẹp, núi xanh, đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, ẩm thực... Đặc biệt là di sản - văn hóa, với hơn 1.000 di tích, 5 di sản nhân loại. Tài nguyên du lịch của Huế hiện hữu khắp nơi, rất chất lượng, giá trị cao, vượt trội so với rất nhiều khu vực khác trong cả nước, cũng như quốc tế.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Infographic: THƯỢNG HIỂN

Bài 2: Quy hoạch, bài toán chưa được giải

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Return to top