ClockThứ Tư, 28/07/2010 17:49

Điểm nhấn cho Huế

TTH - Cách nay không lâu, một ngôi nhà cao tầng là Khách sạn Celadon Palace xuất hiện ở khu vực bến xe An Cựu, trên trục đường Hùng Vương, con đường lớn, cửa ngỏ phía nam đi vào trung tâm thành phố. Chưa phải là một công trình kiến trúc đồ sộ và hiện đại nhưng tôi đã có một cảm giác vui và nhiều thiện cảm về công trình này.


Đô thị Huế, một góc nhìn

Cũng như nhiều người, tôi vẫn nghĩ đô thị Huế như một cô gái đẹp khó tính, rất nhạy cảm với những kiến trúc xây dựng, đặc biệt là đối với công trình nhà cao tầng. Cũng dễ hiểu, cả phía Bắc sông Hương là Kinh thành Nguyễn nổi tiếng, tạo nên Kinh đô Huế duy nhất còn lại gần như nguyên vẹn trên đất nước hình chữ S này, được xây dựng cách nay trên 200 năm, là điểm nhấn đặc biệt cho Huế trong lòng mọi người. Sự xuất hiện những công trình xây dựng cao tầng cao to, bởi thế dù dưới hình thức thế nào chăng nữa cũng là điều không thể chấp nhận. Nó sẽ lấn át, làm che mất tầm nhìn và cảnh quang của Kinh thành.

Ở phía Nam, điều kiện không quá ngặt nghèo nhưng vẫn bị ảnh hưởng và chi phối bởi con sông Hương, báu vật trời cho dành riêng cho Huế. Không biết cách giữ gìn, không khéo léo, không thật cẩn trọng, việc xuất hiện những công trình kiến trúc sẽ vô tình tạo nên những khập khểnh, phá vỡ cảnh quan, làm trò cười, gây nhiều đàm tiếu trong dư luận.
 
Từ trăm năm nay, thỉnh thoảng ở Huế vẫn xuất hiện ý tưởng cố gắng đột phá về hình khối, hình thức và độ lớn trong các công trình xây dựng. Thực tế là, với cô gái đẹp khó tính là Huế Cố đô, các ý tưởng này luôn có sự phản ứng gay gắt. Một thời và còn kéo dài cho đến hiện nay, các nhà quản lý vẫn cứ loay hoay trong việc cấp phép xây dựng nhà cao tầng cho Huế.
 
Người ta đã ý thức và biết chọn con sông Hương làm vật chuẩn, làm tiêu chí xây dựng để các công trình kiến trúc hình thành không phá bỏ sự hài hoà tự nhiên, gây tổn hại đến con sông Hương và làm mất đi bản sắc văn hoá Huế. Nhưng rồi, một cảm giác lúng túng vẫn thể hiện rõ đã dẫn đến những giải pháp nửa vời mà công trình Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế như một lô cốt trong lòng thành phố trên trục đường Ngô Quyền là một biểu hiện rõ nét và sinh động.
 
Tôi nhớ, nhà báo Lê Văn Lân khi bàn luận đến vấn đề nhà cao tầng ở Huế đã có viện dẫn khá lý thú khi cho rằng trên thế giới, đô thị lớn được tạo nên từ nhiều yếu tố cấu thành; trong đó có những yếu tố làm nền và yếu tố nổi trội. Ví như, nói đến Paris, không thể không nhắc đến tháp Effeil; nói đến Moscow hình dung ngay đến điện Kremli; nói đến Newyork không thể không nói đến Toà tháp đôi từng là biểu hiện sức mạnh nền kinh tế Mỹ. Tôi nghĩ, cũng như Paris, Moscow hay New York, yếu tố nổi trội của Huế là những cái gì đã có gắn với Kinh thành Huế và đi liền theo đó là con sông Hương thơ mộng, tuyệt vời.
 
Khi mà gần như một tất yếu, đã là đô thị hiện đại thì phải có nhà cao tầng, thì dù là một thành phố có di sản văn hoá nhân loại, Huế vẫn không nằm ngoài xu hướng chung đó. Tuy nhiên, với những đặc trưng riêng của Huế, phải có những giới hạn thật rõ ràng, không nên có sự phát triển dày đặc mà cần thiết biết tạo nên những điểm nhấn cho công trình. Một ngôi nhà cao tầng mọc lên phải có sự cân nhắc về những điều kiện tối thiểu.
 
Chẳng hạn, tránh xa những vùng nhạy cảm, có sự bổ sung cho yếu tố nổi trội nêu trên, phải có vùng đệm với đô thị cũ bằng một không gian cây xanh, nằm trên các trục đường, dành những quỹ đất nhất định cho bãi đậu xe ô tô hay các trình phụ trợ khác. Với tôi, Khách sạn Hùng Vương đã bảo đảm những điều kiện tối thiểu ấy. Tôi đặc biệt thích ngắm nhìn những mảng xanh bao bọc xung quanh mà những người đầu tư và thiết kế đã “dũng cảm” dành lại cho công trình như một sự hiếm hoi trong thời buổi tấc đất, tấc vàng như hiện nay.
 
Huế không cần quá nhiều, nhưng nếu những công trình nhà cao tầng biết cách sống chung, có sự hoà nhập thì đó sẽ là những điểm nhấn đẹp, cần có cho Huế trong hội nhập và phát triển hôm nay.
 
Đình Nam
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top