ClockThứ Năm, 24/04/2014 13:25

Đôi bàn tay mẹ

TTH - Dọc tháng năm tuổi thơ, con thường hát mãi câu ca: “Trời nóng bức gió từ tay mẹ, con ngủ ngon./ Trời giá rét cũng vòng tay mẹ, ủ ấm con”. Lắm lúc con của mẹ còn ê a những ca từ mượt mà, lắng sâu ấy lẫn trong tiếng cợt đùa vô cảm. Để đến một ngày con mới biết đôi bàn tay gầy gầy, xương xương hằng đêm xoa dọc lưng con đó, nó thô ráp, hụt hao nhưng lại êm dịu và bao la quá chừng…

Lòng bàn tay ấy luôn thơm phức mùi tình mẫu tử, là mảnh đất quá đỗi yên bình. Với con, giây phút hạnh phúc nhất chính là lúc được ngủ khì trong vòng tay mẹ. Giấc mơ khi đó thật trong trẻo, không gợn màu toan tính. Nay, nó vẫn ám ảnh con, khiến con thảng thốt giật mình mỗi lần nhớ quê đau đáu; rồi bên dòng đời còn mất, đua ganh, con vẫn thèm khát có đôi tay mẹ cận kề… 

Con đã gặp biết bao bà mẹ, tảo tần sở hữu đôi tay đẹp tựa của mẹ, nơi con từng đi qua và cả chốn đang tạm dừng. Đó là những bàn tay lọ mọ trong mù sương ngắt mấy bó rau cho kịp chợ sớm; những bàn tay quờ quạng buổi chiều tối trở về nhà sau khi gắng cấy hết mấy bó mạ để mai ngày lúa kịp sinh sôi… Những bàn tay lành lặn, những bàn tay thương tích - những bàn tay lấp lánh vết chai diệu kỳ.

Bàn tay mẹ cứ hư hao đi. Mỗi lần con nhìn thấy là y như nó mỏng manh hơn, lõm hụt hơn, chai cứng hơn. Lòng bàn tay thời thanh nữ hồng hào, mềm mại là thế giờ chỉ thấy một màu vàng nâu héo hắt vì nặng gánh áo cơm, bụi trần mà mỗi lần nắm lấy con lại thót ruột thót gan. Vậy mà điều con làm được cho mẹ dường như mới chỉ dừng lại ở cái giật mình xoa xuýt ấy mà thôi…

Mỗi lúc trở trời trái gió, những vết chai sần lại nứt nẻ, sưng mọng lên ở đầu các ngón tay và cả chung quanh lòng bàn tay. Mẹ vừa cười trừ vừa bảo, mỗi bận bị như thế do mẹ không chịu thuốc thang cẩn thận để bây giờ các con phải bận lòng; rồi bởi lỗi của mẹ khi sinh chúng con ra không kiêng cữ chu đáo mà cứ cắm đầu vào công này việc nọ; nào là vì mẹ ngâm mình trong phèn chua ngoài ruộng cả ngày làm cỏ, hái gặt mà không chú ý dưỡng sức, nghĩ ngơi;… Mẹ ơi! Con biết, phương thuốc tốt nhất để chữa lành tay mẹ là sự trưởng thành hơn của con ngày ngày. 

Con chỉ ước một điều nhỏ nhoi, rằng ngày nào đó, bao vết chai sần trên tay mẹ sẽ được xóa hết. Để những cơn đau âm ỉ mà mẹ chịu đựng mãi mãi không còn. 

Nguyễn Tiến Dũng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top