ClockThứ Năm, 03/02/2022 07:00

Bản làng trù mật

TTH - Một ngày nắng lên hiếm hoi giữa mùa đông mưa đầy trời, thật tuyệt vời khi leo lên đỉnh đồi thông có hai chữ “A Lưới” rất lớn, đang là điểm đến hấp dẫn của giới trẻ. Từ đó nhìn ra toàn cảnh thung lũng, thấy thị trấn và các bản làng ngoại ô đang trù mật một cách sôi động giữa đại ngàn xanh thẳm.

Đến trường với chiếc cặp lồng đựng cơmTrao 80 suất quà Tết cho hộ nghèo A LướiA Lưới khen thưởng 60 tập thể, cá nhân có thành tích về phòng, chống dịchMô hình hiệu quả của phụ nữ Hồng Vân

Rừng xanh thẳm

Đại ngàn xanh

Đại ngàn - tên gọi của những cánh rừng già - chính là mái tóc của núi, làm cho núi tăng thêm sức mạnh. Rừng nguyên sinh A Roàng với diện tích 3.000ha là một mái tóc dày và rậm, quá đẹp trong tổng thể đại ngàn A Lưới. Trong khu rừng này, thảm thực vật nguyên sinh dày đến 5 tầng: tầng cây gỗ cao, trung bình và thấp, tầng cây bụi và thảm rêu. Những đột khởi cây gỗ lớn như: lim xanh, gội, chò nước, chò đen, sến mật, thông nàng... tạc nên vóc dáng hùng vỹ đại ngàn. Nhiều loài động vật nằm trong sách đỏ Việt Nam có mặt ở đây như: mang lớn, mang Trường Sơn, sao la, hổ, vượn và các loài linh trưởng…

Không nhiều người biết rằng đại ngàn A Lưới là thượng nguồn của 5 con sông lớn, trong đó có 2 sông A Sáp, A Lin chảy sang Lào; 3 sông chảy trong đất mẹ Việt Nam là Đa Krông, sông Bồ và sông Hương (Tả trạch). Từ thượng nguồn, nhiều con thác kỳ vỹ xuất hiện, đổ thẳng từ trên mây ngàn xuống trần gian tuyệt đẹp. Thác A Nô là một thắng cảnh nổi tiếng nằm trên địa phận xã Hồng Kim. Suối A Lin chảy tràn trề phóng khoáng ở thôn Tơr-ay, xã Hồng Vân, tạo nên background siêu ảo diệu để “selfie”. Suối Pârle nằm tại xã Hồng Hạ có vịnh Cất Toom và vịnh Âm Bát trong vắt. Ở thượng nguồn, những mạch nước ngầm trong lành chảy từ trong núi, thoang thoảng mùi trái cây rừng mang vị ngọt thiên nhiên. Đại ngàn A Lưới còn có nhiều thác, nhiều sông, nhiều suối khác như thác Pông Chất, đập Ta Rê, Ta Ranh… đều chảy về xuôi sôi động.

Và tiếng chim rừng. Buổi sáng thức giấc bất kỳ ở đâu nơi đây, sẽ nghe âm thanh các loài chim hót vang. Nghe tiếng chim rừng A Lưới, mơ hồ nhận ra màu xanh phi vật chất của đại ngàn. Đó là một màu xanh của tiếng hót trong suốt, như là sự tích tụ của không khí nguyên thủy, sự rỗng không của mây trời, của gió, của hơi nước, của thác nước đổ, của hoa cỏ cựa mình…

Năm nào đó, đội thám hiểm thiên nhiên thế giới đã đến ghi âm tiếng chim trong khu rừng A Roàng bí hiểm…

Tâm thức xanh

Con người A Lưới trong cõi đại ngàn xa xưa được sinh ra từ rừng, lớn lên từ rừng, ăn uống tắm gội cùng rừng và nảy sinh các sinh hoạt văn hóa từ rừng. Trong tiếng cồng, tiếng chiêng…, các lễ hội gắn với nhịp sống đại ngàn như Ariêu Aza, Ariêu Ping, Ariêu Car… vẫn đang tồn sinh.

Bên bếp lửa, ngoài các sử thi được kể giữa sương khuya, là các món ẩm thực đậm chất đại ngàn. Gạo nếp trên rẫy được gùi về chế biến adeep ihoat (xôi hông), adeep ihoor (xôi thui ống, cơm ống), đooi chot (cơm nếp lam)… là món dâng cúng thần linh.

Các món từ thịt như nướng tươi, nướng khô, nướng ống tre, xào, lạp, thịt muối chua… là những bất ngờ của hương vị đại ngàn. Thịt ủ kín, gác trên giàn bếp nửa tuần trăng là chín tới. Các món A ật đù i hoor (chuột nướng ống) và A cụt đù i hoor (ếch nướng ống) có thể treo lên gác bếp từ bốn năm tuần trăng mà vẫn tươi ngon.   

Các món cá như gói lá rừng vùi tro, lạp cá, gỏi cá, cá nướng ống, mắm cá (pa đẹec buỏi)... là những món lạ lùng. Cá suối ướp với gừng rừng, ớt, chanh rồi xâu vào que tre, nướng đến khi cá có màu vàng, có thể bảo quản trong thời gian dài mà không bị ôi thiu.

Thêm nữa, các món từ côn trùng như cláp (mối), Anút (dế), Aling ca xâu (kiến chua), Alinh ca do (kiến thơm), Kasâu (kiến đỏ), Càroi Acon Ghi zớ (nhộng ong)... là những nốt nhạc cao vút lạ lùng của giao hưởng ẩm thực miền cao.

Rừng A Lưới biết vui buồn, khổ đau, hạnh phúc. Làng A Lưới biết hát cha chấp, biết múa, biết choàng vai vít cần rượu, biết cố kết cộng đồng qua bao mùa, qua nắng qua mưa. Rượu là chất cố kết đậm đặc: Rượu cần, Ariêu tà vạc (rượu tà vạc), Ariêu par đin (rượu pà đin), Ariêu thăn (rượu sắn), Avíeet (rượu mía), Adương (rượu mây), Ariêu chĩa (rượu dứa)... có men rượu được làm từ nhiều loại cây như củ riềng (pari), rễ cây ớt (ria pơrớ), rễ cây chè hăng... giã nát, trộn lẫn bột gạo, vo thành viên nhỏ phơi khô… là những cộng hưởng bất tuyệt của núi rừng.

Tất cả là những di sản văn hóa vô cùng độc đáo, chỉ có ở chân dãy Trường Sơn nơi đại ngàn xanh A Lưới. Nơi từ xưa đã lừng danh đường Hồ Chí Minh, sân bay A So, đồi A Biah (Thịt Băm)…

Con mắt xanh

Nhìn thấy rõ vốn quý của đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó phát huy để phát triển, chính là “con mắt xanh - chiến lược phát triển” của A Lưới mà lãnh đạo huyện đang triển khai nhiều năm qua.

Bí thư Huyện ủy A Lưới - Huỳnh Công Quảng nói: A Lưới xác định bốn “khâu” đột phá chiến lược là “Đột phá về nội lực người dân”, “Đột phá về công tác cán bộ”, “Đột phá về nông nghiệp”, “Đột phá về phát triển du lịch” để có bước phát triển mới trong giai đoạn 2020 - 2025 và tương lai.

 “Đột phá về phát triển du lịch đang được chú trọng và gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số” - Chủ tịch UBND huyện A Lưới - Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh. Có vẻ như nội lực người dân, đột phá nông nghiệp, công tác cán bộ đang tập trung cho phát triển du lịch. Trong đó, đề án “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 - 2020” đã khôi phục được hàng chục nhà rông Tà Ôi, nhà gươl Cơ Tu, nhà Târ đah Pa Cô; mở nhiều lớp điêu khắc, đan lát thủ công mỹ nghệ; mở hàng chục lớp dân ca, dân nhạc, dân vũ thu hút được hàng trăm thanh niên các bản làng tham gia, nhiều đội văn nghệ dân gian từ đó hình thành…

Du lịch xanh phát triển đã tạo cho A Lưới có nhiều điểm du lịch, nhà nghỉ, homestay, làng văn hóa du lịch cộng đồng và chuỗi nhà hàng đáp ứng nhu cầu du khách. Những làn khói bếp đang lan tỏa từng ngày ở A Hươr - Pa E (xã Quảng Nhâm), A Ka (xã A Roàng), A Nôr (xã Hồng Kim), suối A Lin, thác A Nôr, suối Pâr le... Trên nương rẫy, các giống lúa đặc sản như: Ra dư, Ku za, Ku chah, A ham… được người dân trồng rộng rãi. Các đồi hoa đào, đồi sim… được hình thành để thu hút những ánh mắt yêu thương của du khách.

Quà lưu niệm cho du khách là vấn đề A Lưới rất chú tâm. Những con búp bê sao la, túi đựng ipad, khăn trải bàn, rèm cửa trang trí, tấm vải dèng; ba lô, khăn quàng cổ, túi xách… mang dáng dấp đặc trưng vùng miền đang chờ du khách đến mang về làm kỷ niệm.

Bài: Hồ Đăng Thanh Ngọc

Ảnh: Đức Hiếu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy sức trẻ thực hiện tốt chương trình “Tình nguyện mùa Đông”

Sáng 21/12, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức Lễ ra quân chương trình “Tình nguyện mùa Đông” năm 2024, chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự có ông Nguyễn Chí Tài, UVTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy.

Phát huy sức trẻ thực hiện tốt chương trình “Tình nguyện mùa Đông”
Ấm áp Chương trình “Tình nguyện mùa đông”

Ngày 7/12, tại Đồn Biên phòng Vinh Xuân, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp với câu lạc bộ “Con Đường xanh” tổ chức chương trình "Tình nguyện mùa đông".

Ấm áp Chương trình “Tình nguyện mùa đông”
“Ấm tình mùa đông” hỗ trợ phụ nữ khó khăn xã biên giới Hồng Bắc

Ngày 18/11, tại Nhà văn hóa xã Hồng Bắc (A Lưới), Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp Trường tiểu học Phường Đúc (TP.Huế) tổ chức chương trình “Ấm tình mùa đông” lần thứ 9 năm 2024, hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

“Ấm tình mùa đông” hỗ trợ phụ nữ khó khăn xã biên giới Hồng Bắc
Sương trong lòng phố cổ

Mùa sương rồi cũng phiêu du lạc đến xứ sở này như một nàng thơ ghé thăm vào mỗi buổi bình minh mờ mắt với gam màu xam xám. Huế bỗng dưng trở nên lạ lẫm trong một cảm giác mới mẻ, choáng ngợp vì sương.

Sương trong lòng phố cổ
Phố ngày nắng đông

Suốt mấy tuần phố chìm trong màu xám của lớp mây dày và mưa rét như không biết bao giờ mới ngưng. Gió từ phía sông và hơi nước làm buốt cả mắt mũi. Chiều tối qua thấy mặt nóng bừng như phải gió, thầm nghĩ biết đâu ngày mai sẽ tạnh!

Phố ngày nắng đông

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top