ClockThứ Hai, 17/04/2023 16:09

“Bán vé về tuổi thơ”

TTH - Với đa dạng các trò chơi dân gian, "Bán vé về tuổi thơ" là hoạt động được Đội Công tác xã hội thanh niên TP. Huế tổ chức tại Phố đêm Hoàng Thành vào dịp cuối tuần, nhằm tạo sân chơi cho các em nhỏ và du khách.

Ký ức trò chơi dân gianĐưa trò chơi dân gian vào trường họcVui nhộn trò chơi dân gian tại chợ quê ngày hội

leftcenterrightdel
 Hoạt động nhảy sạp thu hút đông đảo người lớn và trẻ nhỏ tham gia

Từ đầu tháng 3 đến nay, vợ chồng anh Trần Anh Tuấn (phường Đông Ba, TP. Huế) thường đưa hai con nhỏ đến dạo chơi tại Phố đêm Hoàng Thành dịp cuối tuần. Bên cạnh các quầy hàng và nhiều tiết mục văn nghệ, địa điểm thu hút hai cháu nhỏ nhất phải kể đến khu vực chương trình "Bán vé về tuổi thơ".

Tại đây, không phân biệt tuổi tác, mọi người đều có thể tham gia các trò chơi dân gian như: nhảy dây, ô ăn quan, đá cầu… “Đây là cơ hội tốt để phụ huynh và con cái cùng vui đùa, thắt chặt tình cảm. Không chỉ trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng rất hứng thú khi được sống lại ký ức tuổi thơ với các trò chơi dân gian”, anh Tuấn chia sẻ.

Còn với em Nguyễn Bá Toản, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Trần Quốc Toản (TP. Huế), chương trình "Bán vé về tuổi thơ" là dịp để em và bạn bè cùng vui chơi hoạt động ngoài trời sau giờ học căng thẳng.

Theo thông tin từ Đội Công tác xã hội thanh niên TP. Huế, được triển khai từ đầu tháng 3 đến nay, chương trình đã tổ chức 4 buổi “Bán vé về tuổi thơ” tại Phố đêm Hoàng Thành vào tối thứ 7 của tuần thứ hai và tuần thứ 4 hằng tháng.

Với tinh thần miễn phí 100% phục vụ cộng đồng, chương trình đã thu hút được hàng trăm lượt bạn nhỏ và các bậc phụ huynh mỗi buổi, đặc biệt là du khách nước ngoài cũng hào hứng tham gia chung vui.

Anh Nguyễn Hồng Vinh, Đội trưởng Đội Công tác xã hội thanh niên TP. Huế cho biết, xuất phát từ thực tế giới trẻ hiện nay thiếu không gian và đội nhóm để vui chơi ngoài trời, đơn vị đã nảy ra ý tưởng tái hiện lại các buổi sinh hoạt ngoài trời với nhiều trò chơi dân gian. Đây cũng là dịp để thế hệ 9x trở về trước có cơ hội “trở về tuổi thơ” trong nhịp sống hối hả hiện nay.

“Bên cạnh các tình nguyện viên, nhiều phụ huynh cũng hỗ trợ, chung tay giúp sức để các trò chơi diễn ra suôn sẻ. Hình ảnh các ông bố, bà mẹ gõ sạp để con trẻ nhảy là động lực to lớn giúp các thành viên nỗ lực duy trì chương trình”, anh Vinh chia sẻ.

Được biết, chương trình dự kiến mở rộng thêm một số trò chơi có thu phí như: cà kheo, bịt mắt đập om... Hiện tại, tất cả các dụng cụ phục vụ trò chơi đều do các thành viên trong đội đóng góp. Về lâu dài, khó khăn lớn nhất khi mở rộng chương trình là việc thiếu nhân lực để tổ chức. Hiện Đội Công tác xã hội thanh niên TP. Huế có khoảng 15 thành viên và phải huy động 100% nhân lực, cộng với sự hỗ trợ của một số Đoàn phường mới có thể quán xuyến được chương trình.

Đội trưởng Đội Công tác xã hội thanh niên TP. Huế Nguyễn Hồng Vinh cho biết, trong suốt thời gian diễn ra Festival Nghề truyền thống Huế vào cuối tháng 4 này, đơn vị sẽ nỗ lực duy trì chương tình "Bán vé về tuổi thơ" để có thể phục vụ đông đảo du khách, làm phong phú các hoạt động khu vực Phố đêm Hoàng Thành. Để làm được điều này, Đội đang kêu gọi thêm nhiều bạn trẻ nhiệt huyết đăng ký tham gia làm thành viên nhằm đảm bảo lực lượng sẵn sàng cho chương trình.

Bài, ảnh: MINH NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phục dựng hội đu tiên truyền thống Phú Gia

Sáng 25/2, tại xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc đã khai hội đu tiên truyền thống Phú Gia. Sau nhiều năm bị mai một, đến nay, lễ hội được phục dựng để người dân và du khách trải nghiệm, vui xuân.

Phục dựng hội đu tiên truyền thống Phú Gia
“Khu vườn cổ tích” của tuổi thơ nơi biên giới

Cơ sở vật chất cũ xuống cấp trầm trọng, Trường mầm non Bắc Sơn (xã Trung Sơn, A Lưới) được trang bị cơ sở mới tọa lạc tại thôn A Đeng Pleng 2. Chỉ trong thời gian ngắn, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đoàn kết, nỗ lực 200%, đã xây dựng được cảnh quan môi trường đảm bảo, xanh tươi, thực sự là “khu vườn cổ tích” cho tuổi thơ nơi xã biên giới.

“Khu vườn cổ tích” của tuổi thơ nơi biên giới
Return to top