ClockChủ Nhật, 06/03/2022 06:46

Bánh ép o Kiều

TTH - Từ những cô cậu học trò đủ các cấp, sinh viên của nhiều trường đại học cho đến cả những bà mẹ, ông bố trẻ, ai đã thích món bánh ép thì đều thích “một cách mê tơi” - đó là câu trả lời của một bạn trẻ mà tôi tình cờ quen ở quán bánh ép O Kiều.

Dân dã bánh ép Thuận An

Bánh ép O Kiều ngon có tiếng ở vùng Thuận An 

Quán bánh ép của O Kiều là ngôi nhà cấp 4, không bảng hiệu ở đường Lê Sĩ, phường Thuận An, thành phố Huế. Trong rất nhiều quán bánh ép ở con đường nhỏ đi thẳng là ra biển này, dấu hiệu để bạn nhận biết quán bánh ép O Kiều là căn nhà nào có cái cửa sổ đen kịt khói-là đó. Nơi ấy, O Kiều đặt bốn cái bếp lò, đỏ lửa từ bảy giờ sáng cho đến bảy, tám giờ tối. Quán không bảng hiệu mà luôn đông khách vì đó là những “khách hàng ruột”, những “thánh ăn bánh ép” quen O Kiều từ cách đây trên mười lăm năm.

Món bánh ép O Kiều có gì mà hấp dẫn vậy. Cũng là bột lọc nhồi, thêm lát mỡ, hành và trứng ép chặt giữa hai tấm gang nóng được đặt trên bếp than lửa cháy có ngọn. Tấm bánh ép xong to bằng chiếc dĩa nhỏ, có độ mềm dẻo của bột lọc, thơm ngát mùi trứng chiên, bốc hơi nóng hổi. Bánh ăn kèm với rau thơm, dưa chuột, chua ngọt là cà rốt, đu đủ bào sợi, tất cả chỉ có thế nhưng quán này ngon hơn quán kia chính là nhờ nước mắm.

Món nước mắm của quán O Kiều được pha rất ngon. Nước chấm trong, thơm mùi tỏi ớt, có vị mặn, chua, ngọt vừa phải cho những ai khó tính nhất. Cuốn tấm bánh với các loại rau, chấm vào chén nước mắm, những “thánh ăn bánh ép” tận hưởng niềm vui ẩm thực của mình một cách thong thả. Vừa cuốn bánh, vừa rôm rả trò chuyện, cả cuộc “ăn hàng” mà tính ra cũng chỉ trên dưới ba mươi ngàn đồng một người.

Trong cái sự “hả hê mê tơi” của nhóm khách hàng bình dân ấy, giá cả cũng là một sự tự tin để mạnh dạn mời nhau. Mà những người như O Kiều, bán bánh ép cũng chỉ là lấy công làm lời, “món bánh quê mùa ni làm đủ ăn là mừng, có khách vô ra tấp nập là vui nhất. Những ai đã bán hàng ăn đều biết, làm ra có khách ăn, lòng mình vui còn hơn được cho tiền nữa” - lời thổ lộ của O Kiều chân chất như cuộc sống của bà con vùng Thuận An này, nơi biển cả dào dạt sóng, dào dạt gió và con người, dù cuộc sống làm ăn vất vả vẫn đối xử với nhau rộng rãi trong cái tình của người miền biển bao đời nay.

O Kiều cho biết, O không phải là người đầu tiên làm nghề ép bánh ở Thuận An nhưng cũng đã có gần hai mươi năm với nghề. Ban đầu, O ép bánh khô đi bán dạo ở biển cho khách du lịch, nhưng như vậy chỉ bán được mùa hè, rồi O ép thêm bánh đi bán cho các quán. Gần mười lăm năm qua, O làm thêm ép bánh ướt và bây giờ O là một trong những địa chỉ bán bánh ép ngon nổi tiếng ở Thuận An. Món ăn này giản dị, bình dân và đậm vị cũng như cuộc đời những người dân nghèo ở Thuận An như O Kiều và rất nhiều các o, các dì khác đang sống với nghề ép bánh.

Cái độ mê bánh ép O Kiều cũng nhiều cấp độ lắm. Có “nàng thánh bánh ép”, chiều mưa vẫn chạy xe cùng bạn vượt mười cây số để về cuốn cuốn, chấm chấm một nàng một dĩa, xong chạy xe lên cười nghiêng ngả cùng bạn. Mà không phải một hay hai lần, cứ mỗi lần thích hóng gió là cả đôi bạn lại rủ nhau về biển Thuận An ăn bánh ép O Kiều. Còn chuyện khách từ Quảng Trị, Quảng Nam về thăm nhà, đi thẳng về quán bánh ép O Kiều là chuyện cũng đã xảy ra, rồi khách từ “côi núi ơ, ở mô ngã ba Tuần cũng về đây ăn, đi chơi với bạn đó” - O Kiều vừa kể vừa cười cái độ “mê” món bánh ép nhà mình của thực khách bằng một cái giọng thương thương. Đặc biệt có nhiều “thánh bánh ép” đi học tận Sài Gòn, Hà Nội, thậm chí cả nước ngoài vẫn “nũng nịu” đòi mẹ mua bánh ép O Kiều gửi đi, mà phải đúng bánh ép O Kiều, khác quán là biết ngay. Lạ kỳ là cái món tưởng bình dân ấy không chỉ hợp với tuổi học trò xứ Huế, mà còn hợp ngay cả những bạn học nước ngoài. Thế mới hay, tuổi trẻ thường giống nhau ở nhiều điểm, đặc biệt là khẩu vị ăn vặt.

Bây giờ dạo khắp các đường phố ở Huế, quán bánh ép nhiều lắm. Ở đâu có bánh ép là ở đó có tuổi học trò “xúm xít”. Đôi khi ngồi lùi lại, ngắm cái sự “xúm xít” ấy, hồi tưởng lại thời tuổi thanh xuân của mình, lòng cứ rộn lên một niềm vui thầm lặng, thấu hiểu và chia sẻ về cái độ “mê ăn hàng” của một lứa tuổi mà đã qua là không bao giờ trở lại, cái tuổi “cóc, ổi, me, xoài, chua cỡ nào cũng chỉ là chuyện nhỏ”. Cuộc sống đã đổi thay, tuổi học trò bây giờ có nhiều sự lựa chọn, đủ đầy về vật chất hơn các thế hệ cha anh ngày trước và cái cảnh từng tốp học trò, bạn bè “xúm xít” cùng nhau cuốn cuốn, chấm chấm là một một khung cảnh chuyển động đáng yêu và an toàn trong mắt các bậc phụ huynh hiện nay.

O Kiều và các o, các dì ở Thuận An đã chọn bánh ép làm nghề mưu sinh và cũng có người đã nghĩ lớn hơn cho bánh ép Thuận An. Tại sao bánh ép Thuận An không “cross the sea”, nghĩa là vượt biển để đến với thế giới? Nhiều người đã bật cười trước suy nghĩ quá “vượt khung” của chủ dự án “Bánh ép Thuận An-Pizza giòn chinh phục thế giới”, tại sao không? Và kết quả dự án đó đã đạt giải nhất cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2021”. Đây là tin vui cho “ngành” bánh ép Huế nhưng có lẽ người đón nhận “ngỡ ngàng” và “tung hoa” nhiều nhất là các “thánh bánh ép”.

Hỏi O Kiều có biết bánh ép Thuận An đi thi và được giải nhất không? O cười ha hả và hỏi các phụ bếp của mình đang tất bật lật lật, trở trở cái chảo ép bánh trên than nóng, các chị đều cười ha ha và nói “bánh ép Thuận An đi nước ngoài à? Đi từ lâu rồi!”.

Tự tin và đáng yêu không nào. Những ai làm món ăn bằng cái tâm, hiểu và yêu quý món ăn của mình thì sẽ luôn bình thản như thế thôi. Trong mắt “nghệ nhân bánh ép Kiều” thì bánh ép Thuận An  cũng “the same” với “Pizza của vùng Naples thời xa xưa của nước Ý xa xôi mô đó” chứ bộ!

Bài: XUÂN AN - Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương vị của đại ngàn

Không phải ai sinh sống trên đại ngàn Trường Sơn cũng có cơ hội thưởng thức món sâu tre, loại côn trùng độc đáo này. Với những ai may mắn nếm thử, hương vị đặc biệt của sâu tre xào lá kiệu và ớt hiểm thật sự “gây thương nhớ”. Đối với người dân nơi đây, sâu tre không chỉ là một món ăn, mà còn là một trải nghiệm văn hóa đặc biệt.

Hương vị của đại ngàn
Đuốc hoa

Sau những cơn mưa dầm dề, ngôi làng quê tôi xanh ngát một màu lá của cơ man nào là cây. Thế mà bên con mương nhỏ nước chảy róc rách ngay bìa làng, từng đốm lửa nhỏ của những đóa hoa chuối mỏ két lại nở rực rỡ hơn bao giờ hết, hệt như những ngọn đuốc li ti, bập bùng trong màu xanh ngút ngàn của lá.

Đuốc hoa
Kẹo cau, món ăn của tuổi thơ

Hồi tôi còn bé, bánh kẹo không được phong phú như bây giờ, chỉ có các loại kẹo truyền thống quê hương, như kẹo cau, kẹo gừng, kẹo gương, kẹo đậu phộng, kẹo trứng chim, kẹo kéo… Ngày đó, mệ tôi đi chợ về thường mang theo một gói kẹo cau nhỏ nhắn với chiếc nhãn đơn sơ in hình phong cảnh Huế.

Kẹo cau, món ăn của tuổi thơ
TasteAtlas:
5 món ăn truyền thống phải thử ở Huế

Đây là tiêu đề bài viết được đăng tải trên Trang web TasteAtlas, trong đó đưa ra các món ăn truyền thống ngon nhất ở Huế được những chuyên gia trong ngành giới thiệu.

5 món ăn truyền thống phải thử ở Huế
Sáu món ẩm thực tiêu biểu của Huế được vinh danh

Chiều 7/11, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tổ chức lễ công bố và trao chứng nhận món ẩm thực tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn I - 2022; Phát động bình chọn đề cử giai đoạn II - 2023 trong “Hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” và trao chứng nhận hội viên Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Thừa Thiên Huế. Đến dự chương trình có các ông: Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Sáu món ẩm thực tiêu biểu của Huế được vinh danh
Return to top