ClockThứ Ba, 09/02/2021 21:09

Bánh măng của mạ

TTH.VN - Mạ chồng tôi rất đẹp. Nét đẹp quý phái của người con gái nhà Hồ Đắc từng nổi tiếng là hoa khôi đường Cao Bá Quát. Ngày tôi về làm dâu, mạ đã qua tuổi 60 nhưng vẫn còn nét thanh tao, lúc nào cũng e ấp như cô thiếu nữ trong các bài thơ xưa. Tôi học theo mạ cách buông lơi khăn quàng theo gió mùa đông, cách thong thả vén tà áo lên xích lô đi chùa mùa hè, khi nào cũng nhỏ nhẻ, nhẹ nhàng.

Trải nghiệm tết xưa qua “Hương xưa bánh Tết”Cầm lấy & mang điLàm món mình thích, vừa sạch, vừa ngonMang trung thu đến Làng trẻ em SOS Huế

Mạ chồng tôi thường gói bánh măng bằng giấy màu bọc kiếng. Ảnh: Tuệ Hiền 

Chiều chiều cơm nước xong, ra ngồi ngoài hàng hiên ngắm dòng sông yên bình thong thả trôi theo nắng tà, mạ hay kể chuyện đời xưa. Có những chuyện mà sau đó khi mạ không còn nữa, mỗi lần nhớ về lòng tôi quặn đau, thương mạ quá đỗi. Người con gái đẹp mỏng manh ấy lại kiên cường đi qua cuộc đời gian truân không một lời than trách.

Ông nội và ông ngoại là hai người bạn văn của Ưng Bình Thúc Giạ Thị thi xã. Hai cụ tâm đắc đến độ gả con cho nhau. Mạ về nhà chồng khi còn rất trẻ, chưa biết tình yêu là gì. Bà nội giàu nhất làng Thế Lại, dạy dâu mới bằng cách đưa cho một rổ trái cây vườn đem đi bán.

Mạ kể lần đầu tiên đi ra đường một mình nách rổ cây trái, gặp người quen xấu hổ quá bèn che nón đi mau nên ngày đầu không bán được món nào. Những ngày sau thì người quen nhận ra, gọi vào mua giúp, mạ cầm tiền mà đi nhanh để giấu tiếng nấc nghẹn ngào. Đến một ngày, mạ đành thưa với mẹ chồng, xin mang trái cây đó ra làm bánh mứt cho dễ bán. Ai ngờ, tài năng bánh trái bếp núc của thời con gái  của mạ lại có được sự trìu mến của mẹ chồng,  thu phục tình yêu của chồng, rồi sau đó lại lèo lái gia đình đi qua hết thời gian khó của những ngày nhiều biến cố thời cuộc. 

Vườn nhà bà nội rộng mênh mông bao quanh bằng những hàng tre xanh. Mạ kể khổ nhất là bê rổ măng tre ra phố vì những mụt măng to và nặng. Mạ đem chúng ra làm bánh măng. Món bánh vương giả của nhà ngoại mỗi lần làm có người phụ, mạ về nhà chồng tự giã xôi bằng đôi bàn tay ngón thuôn dài đẹp như những chồi măng tơ.

Làm bánh măng đòi hỏi nhiều sức lực và phải qua nhiều công đoạn. Măng phải tươi ngon, nướng cho đúng lửa mới giảm bớt mùi măng, rồi phải nấu măng cho kỹ mới đem ra chải thành những sợi măng đều đặn cho khéo. Khéo léo lắm mới rim ra thành những sợi măng khô ráo, vàng mơ, phủ ngoài bằng lớp đường mịn như tơ. Nếp thì ngâm qua đêm, đem nấu hai lần rồi phải giã liền tay khi còn nóng cho nếp quyện vào nhau. Nước đường lại phải nấu cho đúng độ rồi dáo với nếp đã giã cho khéo mới có một hỗn hợp dẻo thích hợp cho măng trộn vào. Sau này, khi những đứa con dâu chúng tôi nhớ mạ, ngày tết hì hà hì hục quết xôi làm bánh măng với nhau, chúng tôi tự hỏi: “Ngày nớ sức lực  mô mà mạ tự làm lấy mọi việc một mình hè!”

Màu vàng của măng lẫn giữa miếng bánh nếp trắng trong. Ảnh: Tuệ Hiền

Khi xôi và măng đã quyện vào nhau, phải dàn ra ngay thành khối dày vừa phải, chờ đến khi cắt ra thành từng miếng vuông lăn vào bột sắn rang với lá dứa thơm, xong mới gói bằng hai dải giấy trắng bên trong rồi mới bọc bằng giấy kiếng bên ngoài. Miếng bánh trắng trong điểm xuyết những cọng măng vàng thanh nhã của mẹ chồng tôi là thứ hồi đó được nhiều người thích nhất vì bánh mềm, dẻo, vị ngọt thanh, phảng phất chút vị măng tre, ăn không ngán. Màu vàng của măng lẫn giữa miếng bánh nếp trắng trong như những điểm hoa bé xinh xinh trên vạt áo đầm sa tanh xúng xính ngày Tết. 

Mạ luôn gói bánh măng bằng giấy kiếng màu vàng, bánh mận giấy màu đỏ, bánh đậu quyên màu hồng đào, bánh đậu xanh màu lục, bánh bình tinh màu trắng, xen giữa là những lát bánh bó mứt đủ màu. Tôi thích nhất đĩa bánh Huế của mạ trên bàn hoa - bánh- trái chuẩn bị cho ngày tết. Giữa những đòn bánh tét, bánh chưng, dưa món, dưa kiệu, dưa hành, chả, tré… đĩa bánh đủ màu sắc rực rỡ, như những tiếng cười vui rộn ràng ngày tết. Ba đi làm xa, cuối năm 27 Tết mới về nhà. Những ngày trước đó, mạ luôn tay bánh mứt, chờ mong ánh mắt hài lòng của ba khi về tới nhà, nhìn vào chỗ dành cho bánh trái ngày tết. Hình như chỉ có thế là niềm vui của mạ. “Ba bây ưa thứ ni nì. Ba bây không ưa như ri…”. Tiêu chuẩn của mạ thật đơn giản là thế, hình như mạ không có thứ ưa riêng của mình.

Bánh măng của Huế ngày nay được chế biến bằng nhiều cách khác nhau để thuận tiện cho việc nấu nướng, nên không dễ tìm ra cái bánh thuần Huế ngày xưa như của mạ chồng tôi. Phải ra sức quết xôi, nấu cho hòa xôi vào nước đường mới thấy cái ý vị của loại bánh vừa dẻo, mềm nhưng lại vừa dai của bánh nếp người xưa làm. Phải khéo tay rim mứt măng sao cho giữ được màu vàng mơ của măng mới thấy lạ sao từ mụt măng mùi hăng hăng của tre nứa lại điểm xuyết được cái duyên của cái bánh măng xinh xinh đơn sơ của người Huế. 

Thi thoảng qua vườn nhà bà nội, tôi cứ tần ngần ở những bụi tre xanh. Bây giờ thì không còn ai khổ nhọc hái măng tre làm bánh để làm vui lòng mạ chồng nữa. Những người con gái đẹp kiêu kỳ tài hoa đi qua cuộc đời thường mang nhiều nỗi truân chuyên, nhưng chắc ít ai chuyển được nỗi niềm riêng để giành lấy tình thương yêu và hạnh phúc như mạ chồng tôi...

Nguyễn Phước Túy Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Liều thuốc bổ” của mạ

Dù một năm về quê rất nhiều lần, nhưng mỗi lần gói ghém đồ đạc để về nhà mẹ con tôi đều bồi hồi, nôn nao khó tả. Chẳng cần gọi như “hò đò” vào mỗi buổi sáng, mới hơn 5 giờ sáng, tôi đang cựa mình để xem giờ thì lanh lảnh bên tai giọng con trai tỉnh rót, chẳng có chút gì ngái ngủ của một đứa trẻ 5 tuổi khi thức dậy sớm. Mấy giờ rồi mẹ, sáng chưa, để con dậy đi về ngoại… Những câu hỏi cứ dồn dập, cùng với hành động bật dậy dứt khoát, đi thẳng vào nhà vệ sinh để đánh răng, rửa mặt của cu cậu càng khiến niềm vui, sự háo hức khi chuẩn bị về quê của tôi được nhân lên.

“Liều thuốc bổ” của mạ
Mùa ớt the cay

Hôm nay, mạ tôi lại gọi cho tôi. Thói quen từ khi tôi rời nhà đi làm, hễ có món chi ngon thì bà lại gọi. Cá sòng kho xổi với ớt xanh, chỉ đơn giản như thế thôi nhưng qua cách mạ kể, tôi như nếm được vị mặn mòi của con cá biển hài hòa với chất ớt the cay.

Mùa ớt the cay
Được & Mất

Nghe giới thiệu tưởng ngon lành, chuyên nghiệp lắm. Một lần này thôi nhé, lần sau dù có nhét vàng cũng cạch! …

Được  Mất
Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024 và kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ phát động tết trồng cây, đồng thời tiếp tục hưởng ứng phong trào “Trồng 1 tỷ cây xanh cho Việt Nam giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, sáng 16/2, tại cồn Dã Viên, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024.

Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024

TIN MỚI

Return to top