ClockThứ Ba, 17/07/2012 05:36

Bún bò Huế lên ngôi

TTH - Bên cạnh phở Hà Nội, cơm cháy Ninh Bình, bánh canh cua Hải Phòng hay miến lươn Nghệ An, bún bò Huế là một trong 15 món ăn vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chính thức đề cử vào kỷ lục châu Á.

Món ngon có tiếng

Ở Huế có nhiều quán bún bò nổi tiếng như Cây Gòn ở đường Nguyễn Sinh Cung; Bà Rớt, Mỹ Tâm đường Trần Hưng Đạo; hai quán bún chuyên phục vụ khách du lịch ở số 17 và 19 Lý Thường Kiệt, Bà Hoa đường Phan Bội Châu đến những quán bún không tên, các gánh bún dọc đường.
 

Niềm vui khi bún bò Huế được tôn vinh

 
Dù lớn hay bé, các quán bún đều đông nghịt khách, giá một tô hiện dao động từ 15.000đ - 30.000đ. “Dì theo mẹ bán bún từ khi còn nhỏ, đến lớn thì theo nghề luôn. Lúc đầu chỉ bán gánh bún nho nhỏ, dần dần mở rộng thành quán và bán cho tới giờ. Bún bò Huế lúc nào cũng đông khách, chỉ phục vụ khoảng 3 tiếng đồng hồ nhưng quán tiêu thụ trên 20 kg bún và 10 kg thịt các loại”, dì Phạm Thị Hoa, chủ quán bún bò ở 28 Phan Bội Châu cho biết.
 
Không còn là món điểm tâm chủ đạo của riêng người dân Huế và khách du lịch, bún bò Huế đã trở thành một trong những món ngon ở mọi lúc, mọi nơi. Không có bảng hiệu, không có bãi đỗ xe rộng rãi và cũng không có nhân viên đón khách, vậy nhưng quán bún bò Huế ở số 5 đường Nguyễn Du, TP Huế lúc nào cũng đông nghịt khách. Mở quán trong vòng 2 tiếng đồng hồ, từ 15-17giờ mỗi ngày, song quán bún này tiêu thụ trên 25kg bún và số lượng thịt cũng tương đương. “Bún bò ở đây rất ngon, nước bún đậm đà và thơm mùi thịt. Tôi đi ăn bún nhiều nơi, các quán bún vỉa hè khá ngon nhưng dường như quán nào mặt bằng cũng nhỏ, chỗ ngồi khá nhếch nhác và chủ quán chưa quan tâm nhiều đến vấn đề vệ sinh. Bún bò Huế sẽ ngon hơn nhiều nếu các quán bún sạch sẽ và đảm bảo vệ sinh”, anh Trần Viết Lộc trú tại phường Phú Cát cho biết. 
 
Không biết bún bò Huế xuất hiện từ năm nào, chỉ biết rằng từ khi các quán bún có mặt, người dân Cố đô cũng như du khách đến Huế được thưởng thức một món ngon mang hương vị đặc trưng của đất thần kinh. Và rồi, như một sự tình cờ, hàng trăm quán bùn bò Huế mở ra khắp nơi, từ các trục đường trung tâm thành phố đến những con hẻm, hay các bến xe, bến thuyền, khu dân cư... Cũng từ đó, bún bò Huế “di cư” vào tận TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Nha Trang hay hành hương ra tận thủ đô Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An… 
 
Thương hiệu cho bún bò Huế
 
Bún bò Huế giờ không chỉ bày bán ở các trục đường, hàng quán mà dường như có mặt hầu hết tại các khách sạn, nhà hàng và trung tâm thương mại. Tại Khách sạn Xanh, bún bò Huế là một trong những món điểm tâm hấp dẫn. Anh Nguyễn Hoàng Nam, Trưởng quản lý Nhà hàng Ngự viên Xanh cho biết: “Bún bò Huế được xem là món chủ đạo ở đây, trong đó tại các tiệc buffet thì món này chiếm trên 90% số lượng thực khách ưa dùng. Trong đó, du khách quốc tế rất thích và thực đơn sáng của họ thường xuyên có món bún bò Huế. Mặc dù là khách sạn đạt chuẩn 4 sao, song giá bún bò Huế ở đây rất bình dân, từ 20.000đ - 25.000đ/tô tùy theo thực đơn của khách”.
 
Một thực tế đặt ra hiện nay là, mặc dù bún bò Huế đã có thương hiệu và được đề cử vào kỷ lục Châu Á, song vấn đề quản lý chất lượng dịch vụ cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này vẫn còn bỏ ngõ. Theo Anh Nguyễn Hùng, Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ, lâu nay các quán bún bò Huế đều mọc lên tự phát, các chủ quán tự đặt tên quán, tự định giá bán và tự quản lý chất lượng. Hơn nữa, bún bò Huế bây giờ không chỉ có mặt trên địa bàn tỉnh mà đã vươn xa ở khắp các tỉnh, TP trong nước nên việc xây dựng thương hiệu bún bò Huế là rất khó.
 
Thương hiệu bún bò Huế đang vươn ra xa, gây được tiếng vang và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách trong và ngoài nước, song để đặc sản này có một thương hiệu thì nên chăng, các ban ngành chức năng cần có một giải pháp về quản lý chất lượng và giá cả. Mặt khác, các chủ quán bún cần quan tâm đến vấn đề VSATTP, vệ sinh môi trường và cung cách phục vụ khách để bún bò Huế xứng tầm là món ăn được đề cử vào kỷ lục châu Á…

Bài, ảnh: Thanh Hương

Bà Nguyễn Phương Mai, Trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch:
 
Cần gắn biển dịch vụ đạt chuẩn
 
Hằng năm, sở có triển khai thẩm định để gắn biển dịch vụ du lịch đạt chuẩn (DVDLĐC) nhằm giới thiệu đến du khách và người dân Huế các điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, hàng lưu niệm và đặc sản Huế đảm bảo các tiêu chí phục vụ khách.
 
Riêng đối với các quán bún bò Huế, do quy mô nhỏ, chưa đảm bảo các tiêu chí đưa ra và các chủ quán cũng không quan tâm gửi đơn tham gia nên hiện các quán bún bò trên địa bàn TP Huế chưa có điểm nào được gắn biển DVDLĐC. Bún bò Huế giờ đã được tôn vinh nên việc gắn biển DVDLĐC cho sản phẩm này là rất cần thiết.
Khánh Thư (ghi)
 
Chị Hà Thị Mỹ, trú tại Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh:
 
Ngon, nhưng  chưa sạch!
 
Nhiều lần ăn bún bò Huế ở quê, tôi momg muốn được đến Huế để thưởng thức đặc sản này do chính người Huế chế biến. Lần này ra Huế, tôi đã ăn bún rất nhiều lần, quán nào cũng ngon và có giá khá rẻ. Nước bún có mùi thơm từ thịt, dĩa rau sống hội tụ đủ loại rau, rồi tương ớt có mùi thơm và vị cay đặc trưng của Huế nên tô bún thật sự cuốn hút.
 
Bún bò ở khách sạn không ngon bằng các hàng quán, nhưng ở các quán thì chỗ ngồi chật chội và… quá bẩn. Cái cảm giác vừa ăn bún, vừa đạp phải xương heo, giấy lau miệng ở ngay dưới chân thật khó chịu và mất vệ sinh.
 
 
Bún bò giờ đã trở thành món ngon và là đặc sản của mọi người, vậy nên các quán bún Huế cũng cần mở rộng quy mô, chú trọng đến vấn đề VSATTP và vệ sinh môi trường để bún bò thực sự là món ngon và mang hương vị riêng của Huế.
 
 
Gia An (ghi)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao gần 100 triệu đồng hỗ trợ đoàn viên khó khăn

Ngày 7/5, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Phú Vang phối hợp với LĐLĐ tỉnh tổ chức thăm hỏi, động viên và trao quà cho đoàn viên Nguyễn Đức Cung, hiện đang công tác tại Trường THCS Vinh Xuân, có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo.

Trao gần 100 triệu đồng hỗ trợ đoàn viên khó khăn
Huấn luyện kiến thức an toàn cho lao động nước ngoài

Trong hai ngày 7 và 8/5, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho hơn 60 người lao động là người nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Huấn luyện kiến thức an toàn cho lao động nước ngoài
Tạo góc “chill” tại nhà

Check-in ở quán cà phê sang chảnh, nhà hàng đắt đỏ hay resort xa xỉ..., với nhiều bạn trẻ nay đã lỗi thời. Nhiều người tạo dựng những góc chill (thư giãn và tận hưởng) tại gia để tạo ra góc nhỏ để “sạc” năng lượng sau những ngày làm việc căng thẳng.

Tạo góc “chill” tại nhà
Cá trích biển khuya

8 giờ tối, chị Trâm cùng những người bạn của mình đã có mặt tại bờ biển xã Giang Hải (Phú Lộc). Tưởng đến sớm, thế nhưng trong ánh đèn pin loang loáng, hàng chục người đã có mặt trước chị để lựa chọn những con cá trích tươi ngon nhất.

Cá trích biển khuya
Return to top