…Anh còn nợ em/ Chim về núi Nhạn/ Trời mờ mưa đêm/ Trời mờ mưa đêm…
Những vần thơ thiết tha của nhà thơ Phạm Thành Tài là sự lôi kéo dữ dội bắt tôi lên núi Nhạn khi vừa đặt chân tới Tuy Hòa vào một ngày cuối tháng 10.
Ngọn tháp Chăm suýt soát ngàn năm tuổi trên đỉnh núi Nhạn vẫn quyến rũ từ hàng hàng mạch gạch tinh tế, sạch sẽ, không chút gợn rêu. Bất giác tôi liên tưởng từng hàng mạch gạch tăm tắp, phẳng phiu, đều đặn với cảm xúc trong veo mà tha thiết của nhà thơ Phạm Thành Tài khi sáng tác thi phẩm “Anh còn nợ em”. Phải rồi! Hình ảnh con chim nhạn về núi chỉ là cái cớ để tác giả nói về cái bối rối nhịp đập con tim khi vừa lên đỉnh dốc tình, được che giấu bằng nụ cười bẽn lẽn thở không ra hơi của lữ khách. Cái mâu thuẫn giữa thớ gạch với bề ngoài trẻ trung và ngọn tháp tuổi đời ngàn năm ẩn sâu tựa như cái quẩy cánh bất chợt của chim nhạn trong chiều đổ bóng vươn tới tình yêu mới chớm ban sơ. Chiều đổ bóng trên núi Nhạn lại là cơ duyên cho tôi thấy được một không gian màu tím khi đứng từ trên cao nhìn xuống cánh đồng Tuy Hòa, để liên tưởng một gam màu tím “buồn buồn” rất chung giữa Tuy Hòa và xứ Huế quê tôi. Cái màu “tím buồn” đó là món nợ ân tình cần quay về để trả mỗi hoàng hôn.
Xứ Huế! Nói như nhà văn Trần Kiêm Đoàn từng thổ lộ: “Huế lãng mạn bạo liệt như sóng ngầm nước xoáy”. Ông đã từng mô tả màu tím Huế trong bộ “ngũ sắc Huế” rất tinh tế: “Màu tím Huế là màu tím ngát, mịn màng và long lanh do những ráng mây chiều mùa thu phía Tây Nam bắt ánh sáng mặt trời đã chếch theo mùa, chiếu xuống núi đồi, cây cỏ, dòng sông và sương chiều, khói sóng quyện lại mà thành”. Huyền sử còn mách bảo màu tím trên sắc áo phụ nữ Huế bắt nguồn từ màu tím yêu thích trong trang phục của phụ nữ Chiêm Thành ngày xưa. Cho nên mỗi lần đến với những di tích người Chăm trên dải đất Nam Trung bộ, chút hình dung liên tưởng thường xuất hiện trong tôi về bước đường dặm dài, long đong giữa hai màu tím của hai thời kỳ. Một đôi lần trò chuyện với những người phụ nữ dân tộc Chăm ở Ninh Thuận, họ có lối nói chuyện mộc mạc với ngữ điệu buông lơi ở âm cuối câu. Có cái gì đó rất chung với cách nói chuyện của con gái Huế, đặc biệt lúc “làm đày” là cái kiểu lên giọng ở cuối câu: “Có biết mô nơi ơ…ơ…ơ”. Hay thiệt! Đương lúc nói chuyện với một người con gái Chăm có hàm răng trắng muốt ở Ninh Thuận thì trí óc tôi lại liên tưởng về núi Nhạn và sông Hương.
Những ngày cuối năm 2019, cơn sốt mang tên “Mắt biếc” dâng cao suốt các cụm rạp xi-nê, được người yêu điện ảnh đón nhận. Trong truyện, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không viết gì về Huế nhưng đạo diễn Victor Vũ lại biến Huế thành bối cảnh của phim. Thiên nhiên và thắng cảnh nơi xứ Thần kinh trở thành một phim trường hấp dẫn, lãng mạn nhờ sự bình yên và sâu thẳm. Câu chuyện tình trong truyện, trong phim chưa hẳn đã đặc sắc nhưng những cảnh quay đã để lại dấu ấn sâu sắc vì “chạm” vào màu tím Huế - màu gợi lên trong tâm nhiều đức tính. Không biết Victor Vũ có ân tình gì với Cố đô Huế hay không, nhưng những gì anh đã làm cho Huế trong “Mắt biếc” là rất lớn. Như thể có một món nợ với Huế cần trả. Trả bằng một gam màu tím bàng bạc mà kiêu sa. Như nỗi khát khao “chim về núi Nhạn” để trả món nợ ân tình.
Chiều nay, tôi đang sải bước trên công viên dọc bờ bắc sông Hương – nơi được mệnh danh “rừng trong phố”. Mặt nước sông Hương phẳng lặng hửng lên trong nắng xế. Có ai đó nói rằng: trong cuộc sống xô bồ này, khi muốn quay về thì hãy trở về Huế. Hoặc có người bạn vong niên của tôi đã nhận xét: “Trong một hàng dài chạy đua, khi mọi người đã mệt mỏi mà vẫn chưa tới đích, chỉ muốn quay về thì đằng sau quay, bạn sẽ gặp ngay cái gốc bình an của mình”. Xứ Huế của tôi có cái may mắn là vẫn còn cái gốc để “đằng sau quay”. Quay lại không phải là người bỏ cuộc mà là chiến thắng trong cuộc quay cuồng giữ gìn “cái gốc”. Hoàng hôn này, khi dừng chân giữa "rừng trong phố" xứ Huế, tôi lại hình dung về cánh chim nhạn bay về Nhạn tháp- nơi ngọn núi thiêng Tuy Hòa.
BÙI XUÂN HÒA