ClockThứ Sáu, 20/01/2023 19:19

Cô gái Huế lan tỏa văn hóa Việt trên đất Hàn

TTH.VN - Không chỉ dạy ngôn ngữ Việt, những nét đẹp văn hóa, truyền thống của Việt Nam từ ẩm thực, trang phục…cũng được cô gái trẻ xứ Huế lồng vào trong từng tiết dạy để học sinh xứ sở Kim Chi hiểu và yêu hơn văn hóa Việt. Đó là công việc của cô giáo trẻ Lê Ngọc Uyên Sa (27 tuổi, quê ở Quảng Vinh, huyện Quảng Điền) đang đảm nhận theo một hợp đồng được ký kết với Sở Giáo dục Jeju, Hàn Quốc.

Lan tỏa những giá trị văn hóa bản địa độc đáo của Việt NamTạo sức lan tỏa giá trị văn hóa HuếHội tụ & lan tỏaLan tỏa giữa văn hóa và kinh tế, tạo sự bứt phá để phát triểnLan tỏa giá trị nhân văn, bản sắc văn hóa Huế đến từng học sinh

Lê Ngọc Uyên Sa

Từ đảo Jeju – vùng đất được mệnh danh là thiên đường du lịch Hàn Quốc, Uyên Sa đã có những chia sẻ về niềm đam mê công việc mà bản thân đang theo đuổi nhân dịp năm mới Quý Mão 2023Ư. Cô gái Huế trải lòng: “Công việc này không chỉ giúp mình được lan tỏa ngôn ngữ, văn hóa Việt trên xứ Hàn mà đổi lại mình cũng học hỏi được rất nhiều từ vùng đất mà mình đang sinh sống”.

- Uyên Sa có thể chia sẻ cơ duyên của mình trên hành trình đến với  đảo Jeju (Hàn Quốc) trong vai trò là một giáo viên giảng dạy tiếng Việt?

Mình tốt nghiệp Khoa Hàn Quốc học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh và làm việc cho một công ty của Hàn Quốc 3 năm trước khi bén duyên với công việc dạy tiếng Việt cho học sinh ở đảo Jeju.

Thật ra trong quá trình làm việc cho công ty Hàn Quốc, sự xê dịch đã ít nhiều nằm trong suy nghĩ của mình. Và khi cơ hội đến mình đã chớp lấy. Tình cờ, trong một lần đọc được thông tin Sở Giáo dục Jeju đăng tuyển giáo viên và mình đã nộp hồ sơ ứng tuyển.

Qua nhiều vòng phỏng vấn, mình được nhận và khăn gói lên đường sang Jeju để bắt đầu công việc dạy tiếng Việt cho học sinh ở hòn đảo sinh đẹp này.

- Cách đón nhận môn học tiếng Việt của các học sinh Hàn Quốc như thế nào Uyên Sa?

Tất nhiên những ngày đầu ít nhiều có đôi chút trở ngại. Nhưng tất cả đã dần đi vào “quỹ đạo”. Hầu hết học sinh của mình đều rất hào hứng với việc được tìm hiểu một nền văn hóa mới thông qua giáo viên bản xứ.

Đặc biệt, các em ấy rất thích thú với những tiết học trải nghiệm như chơi trò chơi dân gian, trang trí áo dài... Có những em chưa từng được đặt chân đến Việt Nam ngay sau khi học tiếng Việt và văn hóa Việt đã rất khát khao, mong muốn được đến Việt Nam du lịch trong thời gian gần nhất có thể.

Ngoài ra, các học sinh của mình cũng hay áp dụng những câu chào hỏi đơn giản trong tiếng Việt với các thầy cô khác trong trường. Đây là một trong những điều khiến mình khá tự hào.

Uyên Sa trong một tiết dạy tiếng Việt cho học sinh Hàn Quốc

- Ngay cả người Việt cũng thừa nhận “Phong ba bão tác không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Vậy quá trình dạy cho các học sinh Hàn Quốc, Uyên Sa gặp những khó khăn, trở ngại gì?

Thật ra, bài dạy của mình tập trung nhiều vào văn hóa hơn là ngôn ngữ. Tuy nhiên, nếu nói riêng về mặt ngôn ngữ thôi thì cũng có một số khó khăn. Ví dụ như dấu thanh. Tiếng Việt mình có đến 6 dấu thanh, trong khi tiếng Hàn thì không có dấu. Việc hướng dẫn cho các em học sinh phân biệt được phát âm của dấu thanh cũng là một quá trình không dễ dàng.

- Và Uyên Sa khắc phục những trở ngại đó ra sao?

Hầu hết học sinh mình đứng lớp là học sinh cấp 2 nên để các em tham gia một cách tích cực vào tiết học và nhớ bài lâu. Một trong những cách tốt nhất là cho các em ấy chơi trò chơi. Và chơi trò chơi thì cả cô và trò đều vui nên em cũng áp dụng cách này khá thường xuyên.

- Vậy điều Uyên Sa tự tin khi dạy tiếng Việt là gì?

Mình khá tự tin về vốn ngôn ngữ cũng như sử dụng tiếng Hàn trong đời sống nên không gặp quá nhiều khó khăn trong việc sử dụng ngoại ngữ để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Điều này một phần lớn nhờ quá trình rèn luyện tiếng Hàn khi đang còn ngồi ở ghế giảng đường đại học.

Bài dạy của mình được tiến hành hoàn toàn bằng tiếng Hàn và học sinh đều là các em chưa từng được tiếp xúc với tiếng Việt. Vậy nên nếu như không có vốn tiếng Hàn tốt sẽ rất khó khăn trong giao tiếp. Ngoài ra may mắn là học sinh của mình nhìn chung rất ngoan và phối hợp, nên quá trình dạy cũng khá suôn sẻ.

- Ngoài dạy tiếng Việt, Uyên Sa có dạy “tiếng Huế” cho các bạn học sinh Hàn chứ?

(Cười) Tiếng Huế thì không. Nhưng vì mình là người Huế nên trong bài dạy cũng sẽ có chút “tâm tư” cá nhân trong đó. Ví dụ như ẩm thực, ngoài những món Việt đã rất nổi tiếng như phở hay bánh mì, mình luôn giới thiệu thêm những món ăn đa dạng khác trong nền ẩm thực giàu có của Việt Nam. Trong đó, đương nhiên không thể thiếu đến ẩm thực cung đình, bún bò...của Huế quê mình.

- Ngoài tiếng Việt, Uyên Sa còn muốn lan tỏa và chia sẻ điều gì khác của mình đến với các học sinh Hàn Quốc?

Trong khối lượng bài dạy thì phần về văn hóa Việt chiếm tỷ lệ lớn hơn so với phần dạy ngôn ngữ. Một trong những điều mình nhận ra khi làm công việc này đó là học sinh nơi này đa phần chỉ biết đến Việt Nam qua những hình ảnh khá cơ bản như áo dài, xe máy, phở... Vậy nên mình thường chọn cách tiếp cận vấn đề bằng những điều học sinh đã biết, rồi từ đó mở rộng ra. Ví dụ như khi nói về áo dài, mình sẽ mở rộng bằng cách giới thiệu Việt phục qua các thời kỳ, giới thiệu trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số...

- Đổi lại, Uyên Sa học được gì từ các bạn học sinh, con người và văn hóa Hàn Quốc?

Bây giờ đang là giáo viên, nhưng mình cũng không ngừng học hỏi, trong đó vẫn đang chuyên tâm với vai trò là một người học ngôn ngữ. Do vậy, việc được sống và làm việc trong một nền ngôn ngữ khác nói chung và Hàn Quốc nói riêng đối với mình mà nói đó là một cơ hội vô cùng quý giá.

Mình vẫn học mỗi ngày, trau chuốt câu từ tiếng Hàn để bài giảng dễ hiểu hơn, học thêm cả tiếng địa phương vì Jeju nơi mình sống là một vùng có tiếng địa phương rất đặc trưng.

Ngoài ra, hiện tại mình đang sống trong cùng khu chung cư với các bạn giáo viên tiếng Anh người bản xứ đến Jeju dạy học trong cùng chương trình tương tự. Các bạn ấy đến từ nhiều nhiều quốc gia như Mỹ, Úc, Nam Phi… Việc được gặp gỡ và làm bạn với nhiều người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau đối với mình cũng là một trải nghiệm rất thú vị.

Uyên Sa cùng nhóm các đồng nghiệp đến từ nhiều quốc tịch khác nhau trong chuyến dã ngoại ở Hàn Quốc

- Ngoài thời gian cho công việc, thời gian rảnh, Uyên Sa thường tranh thủ vào việc gì trong những tháng ngày ở Hàn Quốc?

Ngoài công việc, mình cũng có chút thời gian rỗi. Những lúc như thế, mình tranh thủ khám phá và chụp ảnh cảnh đẹp ở Jeju. Với mình, Jeju thực sự là một hòn đảo rất thơ, 4 mùa đều có những nét đẹp riêng, vậy nên chụp ảnh Jeju cũng rất thú vị. Ngoài ra, từ khi qua đây mình đã tạo một trang blog nhỏ trên “Jeju palette” để đăng chia sẻ ảnh chụp cũng như chia sẻ vài chuyện thú vị về Jeju.

- Uyên Sa định hướng như thế nào về công việc này, cũng như dự tính cho tương lai?

Mình chỉ vừa qua đây tháng 4/2022. Và dự tính mình sẽ theo đuổi công việc này trong 2 năm theo hợp đồng đã ký kết. Sau đó, tùy cơ duyên mình sẽ tính tiếp.

- Làm việc ở nơi xa xứ, vậy điều gì khiến Uyên Sa nhớ nhất về quê hương, và Huế - nơi mình lớn lên?

Ngoài gia đình, bè bạn, chắc chắn không gì khác ngoài ẩm thực. Mình nhớ vị bún hến - món ngon khoái khẩu yêu thích từ lúc còn nhỏ. Ở Jeju không phải không có nhà hàng Việt Nam, nhưng món Việt khi ra nước ngoài thì cách chế biến cũng có chút gia giảm để phù hợp với khẩu vị của người dân bản địa. Vậy nên món Việt, nhất là món Huế, cứ phải ăn ở Việt Nam, ở Huế mới “đúng bài”.

- Cuối cùng, điều Uyên Sa mong muốn và có lời gửi gắm gì đến mọi người trong dịp năm mới Quý Mão sắp đến?

Từ Jeju, Uyên Sa mong cho tất cả những dự định của mọi người, trong đó có mình đều thuận lợi và thành công. Chúc một năm bình an cho mọi người.

NHẬT MINH (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cẩn trọng để gìn giữ và lan tỏa hình ảnh du lịch

Trách nhiệm xây dựng hình ảnh du lịch không phải là nhiệm vụ riêng của ngành du lịch và chính quyền địa phương mà cần sự hợp lực của tất cả mọi người. Đối với những người tham gia làm du lịch, công tác thiết kế, quảng bá, giới thiệu tour tuyến cũng cần cẩn trọng trong tất cả các khâu.

Cẩn trọng để gìn giữ và lan tỏa hình ảnh du lịch
Bảo tồn và lan tỏa giá trị cây di sản trong trường học

Không chỉ mang giá trị về lịch sử, văn hóa, cây di sản còn là niềm tự hào của người dân mỗi địa phương. Đối với cây di sản trong trường học, việc lan tỏa giá trị cây di sản gắn với các hoạt động thiết thực cho học sinh càng mang lại nhiều ý nghĩa.

Bảo tồn và lan tỏa giá trị cây di sản trong trường học
“Thủ lĩnh” Đoàn lan tỏa nhiệt huyết

Nhiệt huyết, năng nổ và đạt những thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên, nhiều năm liền, cô giáo Lê Thị Quỳnh Lưu, Bí thư Đoàn trường, Ủy viên BCH Huyện hội, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Trường THPT Hà Trung (Phú Vang) vinh dự được Trung ương đoàn; Tỉnh đoàn; Hội LHTN tỉnh tặng bằng khen.

“Thủ lĩnh” Đoàn lan tỏa nhiệt huyết
Để văn hóa bản địa “níu chân” du khách

Văn hóa bản địa là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch. Sự độc đáo, khác biệt của sản phẩm du lịch cũng do yếu tố văn hóa bản địa quyết định. Các địa phương tại Thừa Thiên Huế có những lễ hội đặc sắc, nhưng để thu hút khách cần thiết phải đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng từ yếu tố này và chú trọng hơn công tác quảng bá.

Để văn hóa bản địa “níu chân” du khách
Cơ hội lan tỏa bóng đá phủi

Sự xuất hiện của nhiều giải bóng đá phủi dần trở nên chuyên nghiệp đã mang lại không khí sôi động cho môn thể thao “vua” trên đất Cố đô.

Cơ hội lan tỏa bóng đá phủi

TIN MỚI

Return to top