Đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế
Tạo ý chí vượt nghèo
Trong các chiều giảm nghèo, việc làm là 1 trong 6 dịch vụ đa chiều quan trọng để giảm nghèo bền vững. Theo quan điểm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm là giải pháp căn cơ không chỉ để giảm nghèo bền vững, mà còn nhằm thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên tinh thần Nghị quyết, đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều theo chuẩn giai đoạn 2021-2025 của Thừa Thiên Huế giảm xuống còn từ 2-2,2%, tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 65-70%.
Để đạt mục tiêu đề ra, các ngành, các cấp, chính quyền địa phương đang tập trung triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo đa chiều. Trong đó, chú trọng nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường để tập trung giải quyết việc làm cho người nghèo.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 13.705 người, đạt 84,08% kế hoạch; trong đó, đưa 858 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đạt được kết quả này là nhờ các địa phương đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp (DN) tổ chức các hội nghị tư vấn chính sách hỗ trợ việc làm, vay vốn, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; qua đó, giúp người lao động hiểu các chính sách, đơn hàng của các thị trường, DN. Đồng thời, giải đáp vướng mắc của người lao động khi tham gia đi làm việc nước ngoài.
Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian gần đây luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp thực tế, thông qua việc tổ chức các hội nghị nhằm tư vấn, tuyên truyền về chính sách vay vốn và hỗ trợ kinh phí ban đầu cho người lao động… theo quy định tại Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh "Quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2021 - 2025". Bên cạnh đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tăng cường phối hợp với các DN trong tỉnh, đơn vị dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện tuyên truyền chính sách hỗ trợ cho người lao động, định hướng nghề nghiệp. Nổi bật là huyện Phong Điền, Phú Lộc, A Lưới, TX. Hương Trà... đã chủ động kết nối để thông tin trực tiếp chính sách đến với người dân và lao động.
Các DN hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh cũng đã tích cực, chủ động, đồng hành tư vấn, tuyên truyền hỗ trợ cho người lao động làm hồ sơ vay vốn và hưởng chính sách đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo tinh thần Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh. Qua đó, người lao động đã nắm bắt và hiểu được về quyền lợi khi đi làm việc ở nước ngoài, thể hiện rõ nét tại việc vay vốn đưa người lao động đi làm việc nước ngoài từ đầu năm 2022 đến nay vượt so với cả năm 2021.
Đào tạo nghề phù hợp nhu cầu xã hội
Từ lâu, việc chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường để tập trung giải quyết việc làm cho người nghèo được xem là gốc rễ để thực hiện giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội. Muốn tham gia thị trường lao động, người nghèo cần phải học nghề để tiếp cận việc làm. Vì vậy, tỉnh đã có những chính sách phát triển, mở rộng đào tạo nghề, nâng cao trình độ về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng sản xuất cho người lao động và hộ nghèo. Đi đôi với đó là đào tạo về văn hóa, tăng khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh, khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo, xã nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cộng đồng, Nhà nước.
Đồng hành cùng chủ trương, mục tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động đã có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề chuyên nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện, đổi mới chương trình, phương thức kết nối đào tạo.
Một số trường cao đẳng nghề như: Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, Trường cao đẳng Du lịch Huế, Trường cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế, Trường cao đẳng Giao thông Thừa Thiên Huế và một số cơ sở đào tạo bằng lái ô tô các hạng... đã tích cực kết nối với các địa phương để tìm kiếm người học. Đồng thời, kết nối với các DN để đào tạo theo yêu cầu, dễ tìm đầu ra về việc làm cho các học viên, người lao động sau tốt nghiệp...
Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở LĐTB&XH cũng là một trong những đơn vị tham gia công tác chiêu sinh, mở các lớp dạy nghề sơ cấp và dạy nghề ngắn hạn gắn với tạo việc làm cho người học nghề; tập trung vào các ngành nghề như may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn và vệ sinh an toàn thực phẩm và kỹ thuật pha chế đồ uống và phối hợp liên kết chiêu sinh đào tạo. Qua đó, trong 9 tháng, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) đã đào tạo nghề và liên kết đào tạo cho 263 người là đối tượng thất nghiệp và đối tượng xã hội. Hoạt động Sàn giao dịch việc làm, ngoài việc duy trì các phiên GDVL định kỳ vào ngày 5 và 20, phối hợp tổ chức có hiệu quả Ngày hội việc làm tại các trường cao đẳng, đại học và các địa phương, phối hợp với Sở LĐTB&XH tổ chức các ngày hội việc làm - tư vấn tuyển sinh... Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tổ chức 18 phiên giao dịch việc làm, thu hút 251 lượt DN tham gia tuyển hơn 38.900 vị trí việc làm và hơn 10.100 lượt lao động tham gia sàn giao dịch việc làm.
Bài, ảnh: Hoài Thương