ClockThứ Hai, 24/04/2023 06:12

Cuộc hội ngộ các dòng tranh dân gian

TTH - Những tác phẩm tranh dân gian cùng những bản in khắc gỗ với các họa tiết đẹp mắt, đến từ nhiều làng tranh nổi tiếng của Việt Nam đã cùng hội ngộ về bên dòng Hương. Những tác phẩm ấy như giúp người xem hiểu hơn những giá trị văn hóa độc đáo từ ngàn xưa, được các nghệ nhân gìn giữ cho đến tận bây giờ.

Tranh dân gian, làng nghề truyền thống tụ hội bên dòng HươngGiới thiệu văn hóa Huế trên đất PhápTranh dân gian Huế và du lịch

leftcenterrightdel
Một góc không gian tranh dân gian Đông Hồ cuốn hút người xem 

Những ngày giữa tháng 4, nhiều người đi qua không gian Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị trên đường Lê Lợi (TP. Huế) ít nhiều bị cuốn hút bởi những bức tranh dân gian truyền thống. Được bày biện theo từng dòng tranh, từ bên trong ngôi nhà kiến trúc Pháp cho đến phía sân vườn bên ngoài, tiệm cận với bờ sông Hương thơ mộng, những bức tranh ấy nổi bật với những sắc màu đặc trưng.

Ở đó, có hơn 120 tác phẩm và hàng chục bản khắc in tranh thuộc 4 dòng tranh tiêu biểu của Việt Nam, gồm Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống, Kim Hoàng (Hà Nội) và tranh làng Sình của xứ Huế, được Bảo tàng Mỹ thuật Huế trưng bày, giới thiệu.

Các dòng tranh này được thể hiện qua nét khắc, vẽ tài hoa của người nghệ nhân với nội dung phong phú, đa dạng, màu sắc tự nhiên rực rỡ mang tính nghệ thuật cao, truyền tải ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Không chỉ đáp ứng các nhu cầu thẩm mỹ và tín ngưỡng tâm linh của người dân, mà các dòng tranh còn ẩn chứa những nội dung giáo dục đạo đức, nhân cách trong cuộc sống thường ngày.

Những tác phẩm, như Phú Quý, Gà dạ xướng, Gà trống hoa hồng, Vinh hoa, Tố nữ ngồi, Trâu sáo, Đám cưới chuột (Đông Hồ), Nam Tào, Bắc Đẩu, Độc hổ đại màu đỏ, Tố nữ, Ngũ hổ đại (Hàng Trống), Lợn nái đen, Thần kê, Ông tướng, Tứ thời, Truyện Kiều (Kim Hoàng), Bát âm - kèn, đàn nguyệt, trống, đàn tranh, đàn bầu, sáo, tỳ bà, nhị; thế mạng đàn bà, thế mạng đàn ông (làng Sình) như đưa người thưởng lãm đi về những hoài niệm xưa cũ.

Nhiều người xem đã không khỏi trầm trồ bởi cái đẹp truyền thống, cách chế tác, kỹ thuật in mà trên nữa đó là cách mà các nghệ nhân giữ nghề, truyền nghề để những dòng tranh ấy không bị thất truyền mà còn phát triển mạnh. “Chính những bức tranh ấy đã giúp mình hiểu hơn về văn hóa, nét đẹp của người Việt, của một môn nghệ thuật mà tưởng chừng chỉ có ở ngày xưa”, chị Hoài Thu (TP. Huế) chia sẻ khi xem các tác phẩm.

Mỗi dòng tranh có sự cuốn hút riêng với người xem bởi lịch sử dòng tranh, những đề tài mà họ ưa thích. Dù rất thích dòng tranh làng Sình của quê hương, nhưng anh Nguyễn Quốc (TP. Huế) cũng phải thú nhận, các dòng tranh ở phía Bắc không hề thua kém về kỹ thuật cũng như đề tài.

Dòng tranh Hàng Trống là dòng tranh dân gian mà anh Quốc ấn tượng. Dòng này tranh ngoài nội dung phục vụ tín ngưỡng, tâm linh, trang trí tại các đền, đình, chùa, miếu, phủ, điện thờ… còn để phục vụ phong tục chơi tranh cổ truyền, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. “Càng nhìn càng mê, nó có sức hút kỳ lạ từ các họa tiết cho đến sắc màu”, anh Quốc trầm trồ.

Cũng ở không gian ấy, rất nhiều phụ huynh đã đưa các em nhỏ đến để trải nghiệm thực tế, sáng tác ra một tác phẩm dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các nghệ nhân. Nhiều em nhỏ như được đắm chìm trong không gian truyền thống, được hiểu thêm về văn hóa, lịch sử của người Việt xưa qua mỗi tác phẩm mà mình tự tay tạo nên.

Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế cho hay, tranh dân gian là một trong những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam được sáng tác để phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày của Nhân dân, mỗi tác phẩm nói lên một thông điệp mang tính nhân văn sâu sắc. Các dòng tranh dân gian là sự kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng, mang đậm yếu tố văn hóa của con người Việt Nam qua các thời đại.

Khác với các tác phẩm tranh nghệ thuật hiện đại được sản xuất bởi một số ít và có nhiều mẫu mã khác nhau, tranh dân gian thường được in với số lượng lớn cùng một nguyên mẫu để phục vụ tất cả mọi người. Tranh dân gian không chỉ là những tác phẩm riêng của tầng lớp bình dân, mà trở thành một nét nghệ thuật đại chúng được sử dụng rộng rãi bởi các quan lại quý tộc ngày xưa. Ngày nay, những làng nghề tranh dân gian không còn được phát triển như trước đây, tuy nhiên những tác phẩm tranh dân gian Việt Nam vẫn được đánh giá rất cao và được coi là đặc trưng nghệ thuật độc đáo cần được lưu giữ và bảo tồn.

“Vì vậy, công tác trưng bày triển lãm tranh dân gian được tăng cường và chú trọng nhằm giới thiệu đến đông đảo công chúng, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, tôn vinh làng nghề truyền thống, nét đẹp lâu đời được lưu giữ cho đến ngày nay”, bà Trai nói và cho biết, 4 dòng tranh triển lãm lần này nằm trong danh sách thuộc 12 dòng tranh dân gian Việt Nam.

Bài, ảnh: NHẬT MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bữa cơm trong căn nhà Hòa hợp - Bài 2: Cuộc hội ngộ hy hữu

Theo lời của Trung đội trưởng Nguyễn Đình Kiên, sáng đó ở chốt, anh em phát hiện từ đồi đối diện có hai binh lính Sài Gòn đang đi xuống suối lấy nước. Do họ xâm nhập khu vực kiểm soát của mình nên anh em hỏi tôi “có bắn không?”.

Bữa cơm trong căn nhà Hòa hợp - Bài 2 Cuộc hội ngộ hy hữu
Điện ảnh châu Âu hội ngộ trên đất Huế

Cùng với TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, Liên hoan phim châu Âu tại Việt Nam (EUFF) lần thứ 22 sẽ đem đến Huế những tác phẩm điện ảnh châu Âu đương đại. Đó đều là những bộ phim đã đoạt giải hoặc đề cử ở những hạng mục khác nhau của nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế.

Điện ảnh châu Âu hội ngộ trên đất Huế

TIN MỚI

Return to top