Kiến trúc sư trẻ Lê Ngọc Tuấn Anh, sinh năm 1989, Giám đốc Công ty TNHH MTV Mỹ Nghệ Thông Minh TAYTA. Ảnh từ trang facebook của công ty
Từ những ước mơ
Ngay khi còn là sinh viên năm 3 Khoa Quốc tế học - ĐH Ngoại Ngữ Huế, Nguyễn Thị Hương Liên (sinh năm 1993) đã bắt tay vào hoạt động khởi nghiệp với “I Love Hue Tour”. Hai năm sau, Công ty TNHH MTV Du lịch “Tôi yêu Huế” thành lập. Tour của Liên được trang thông tin du lịch nổi tiếng thế giới TripAdvisor cấp chứng chỉ dịch vụ xuất sắc năm 2016. Hiện, công ty của Liên là một trong 4 công ty khởi nghiệp tham gia sáng kiến kinh doanh Mekong (MBI), một chương trình nhằm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh.
Sau nhiều năm ấp ủ ý tưởng, Lê Ngọc Tuấn Anh (sinh năm 1989), từng theo học Khoa Kiến trúc - ĐH Khoa Học Huế, đã thu nhỏ Ngọ Môn, Phu Văn Lâu, chùa Thiên Mụ… trong tấm thiệp giấy bằng nghệ thuật Kirigami. Sản phẩm chỉ là một tập bìa sơ mi cứng, nhưng khi mở ra, những công trình kiến trúc đậm chất Huế hiện ra với không gian ba chiều. Sản phẩm độc đáo này đã đạt giải nhất cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo - Huế 2016” do Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Sau đó, vào tháng 1/2017, Tuấn Anh thành lập Công ty TNHH MTV Mỹ nghệ Thông Minh TAYTA, chuyên sản xuất quà tặng lưu niệm, nội thất thông minh; đồ gỗ thông minh và quảng bá du lịch. Hiện nay, sản phẩm của công ty đã có mặt ở một số quốc gia như Anh, Nhật Bản, Mỹ, Canada…
Năm 2017, nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên ĐH Huế đạt nhiều giải thưởng. Hai sinh viên Lê Anh Tuấn và Trần Công Minh (ĐH Nông Lâm Huế) đã giành được giải Ba cuộc thi “Khởi nghiệp từ nông nghiệp 2017” từ dự án “Nông nghiệp trực tuyến, đa dạng hóa phương thức mua bán, tư vấn về nông nghiệp”. Nhóm sinh viên Hoàng Thị Thu Thủy (ĐH Ngoại Ngữ Huế) và Lê Hồng Quyền, Võ Công Tài, Nguyễn Văn Phương (ĐH Khoa Học Huế) đã giành được giải Ba cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp miền Trung” năm 2017; ý tưởng khởi nghiệp thời trang theo nghành của sinh viên Biện Tiến Kiện và Trần Đàm Thịnh (ĐH Y Dược Huế) đã giành được giải khuyến khích cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp miền Trung” năm 2017…
Nguyễn Thị Tú Oanh (sinh năm 1997) lớp XNYH3, Khoa Xét nghiệm Y học, ĐH Y Dược Huế cho biết: Hầu hết các sinh viên mang trong mình những ý tưởng sáng tạo đổi mới nhất định và các ý tưởng đều liên quan đến ngành nghề mình đang theo đuổi. Có rất nhiều bạn trẻ mong muốn khát khao và sẵn sàng khởi nghiệp.
Cần được hỗ trợ
Mới đây, khóa học về khởi nghiệp do các chuyên gia về khởi nghiệp đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế đứng lớp đã truyền cảm hứng về đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp cho sinh viên toàn ĐH Huế. Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động thường niên của ĐH Huế nhằm kết nối mạng lưới Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp - Chuyên gia khởi nghiệp - Nhà đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.
Hội Doanh nhân trẻ Thừa Thiên Huế cũng đang duy trì hoạt động của CLB “Khởi nghiệp Huế”. Các chuyên gia đồng hành, hỗ trợ cho CLB bao gồm các doanh nhân, các giảng viên đại học, các luật sư và đại diện các ngân hàng. Các bạn trẻ ở CLB hiện có những ý tưởng kinh doanh mới mẻ, hướng đến giá trị khác biệt và đang thiếu ở Huế như: sản xuất truyền thông, nông nghiệp đô thị, cơm nhà xứ Huế...
Tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều giải pháp đột phá mạnh mẽ, khuyến khích khởi nghiệp trong giới trẻ. Nhiều cuộc thi, nhiều diễn đàn đã được mở ra để các bạn trẻ sớm triển khai dự định khởi nghiệp của mình. “Nếu có một ý tưởng khởi nghiệp, việc đầu tiên em cần là sự ủng hộ của các thầy cô giáo cũng như những người có chuyên môn để cùng hợp tác, cũng như cần có nguồn vốn” . Đinh Thị Phương Loan (sinh năm 1997), lớp Tâm lý Giáo dục 3 Khoa Tâm lý Giáo dục ĐH Sư Phạm Huế, chia sẻ.
Lê Ngọc Thường (sinh năm 1994), lớp YHCT6 Khoa Y học cổ truyền trường ĐH Y Dược Huế cho hay: “Hiện tại, em đã có vài ý tưởng nhưng em vẫn chưa thật sự sẵn sàng khởi nghiệp vì ở Huế đang nhỏ lẻ, chưa được chuyên nghiệp và tỉ lệ thành công còn quá thấp. Ngoài ra, môi trường đào tạo tập huấn chuyên môn để khởi nghiệp ở Huế chưa có nhiều. “Nhưng nếu khởi nghiệp, đầu tiên em sẽ nhờ sự tư vấn để tạo nên sự khác biệt của sản phẩm, cách sản phẩm đó đem lại doanh thu. Những điều này sẽ giảm bớt tỉ lệ thất bại khi khởi nghiệp” – Thường cho biết.
Nhà trường cần là nơi cung cấp kiến thức, tạo động lực, thông báo các chính sách cũng như có các hoạt động hỗ trợ khác đối với phong trào khởi nghiệp của giới trẻ. Về phía cộng đồng, các doanh nghiệp cần tăng cường các hình thức liên kết hỗ trợ giới trẻ khởi nghiệp. Chính quyền cũng cần hỗ trợ nhiều hơn cho phong trào khởi nghiệp. Chẳng hạn, các cuộc thi khởi nghiệp không nên mang tính loại bỏ quá cao.
Bài, ảnh: Nguyễn Văn Toàn