|
Nguyễn Thị Hà (bên phải) luôn sẵn sàng dạy nghề miễn phí cho những hoàn cảnh khó khăn |
Nỗ lực gấp đôi
Đôi bàn tay nhỏ của Nguyễn Thị Hà thoăn thoắt từng đường kim, mũi chỉ. Vừa dạy Hà vừa “thị phạm” cho thợ. Dù những người thợ của Hà đã khá chuyên nghiệp với các loại hình thêu tay trên áo dài, váy… nhưng còn bỡ ngỡ và khá khó khăn để thêu những mặt hàng lưu niệm nhỏ, mang tính thẩm mỹ cao. Bởi những mặt hàng thẩm mỹ để đặt ở ốp điện thoại, treo ở xe ô tô… thường bị giới hạn về kích thước, thêu trên những chất liệu mỏng, chỉ cần một chút sơ sẩy là coi như công cốc, hỏng luôn cả tác phẩm.
Nguyễn Thị Hà đã “vượt khó” để cho ra đời những sản phẩm thêu độc đáo, mới lạ mang ý nghĩa tinh thần. Đó là những dòng chữ thư pháp, hình ảnh bông sen hồng, những tượng Phật… Không chỉ những bức tranh thêu đó được đóng khung để chưng mà còn có thể đem ép và để ở ốp điện thoại, treo ở ô tô… nên có tính ứng dụng cao.
“Ngoài những mặt hàng thêu trên váy, áo dài, tôi đang phát triển thêm những sản phẩm ý nghĩa tinh thần nên khi thêu không những phải tỉ mỉ, cẩn trọng mà mình phải đưa được hồn vào trong sản phẩm. Mỗi sản phẩm phải có thần thái riêng. Thông thường, mỗi sản phẩm tôi phải mất một ngày mới hoàn thiện, có những sản phẩm khó phải mất vài ngày. Bước ra từ cuộc thi khởi nghiệp, sản phẩm thêu tay truyền thống của tôi được nhiều người biết hơn, đơn đặt hàng cũng nhiều lên nên tôi đang tăng tốc vừa làm vừa dạy thêm cho thợ”, Hà cho biết.
Với căn bệnh teo cơ tay phải bẩm sinh, nhưng bù lại sự khuyết thiếu đó là sự khéo léo và một nghị lực đáng khâm phục ở Hà.
Nói về cơ duyên chọn nghề thêu Hà chia sẻ: Khi còn học cấp 3, trong chương trình học có môn dạy nghề, cũng chỉ nghĩ là chọn học nghề thêu vì cũng nhẹ nhàng và “na ná” với sở thích vẽ vời của bản thân. Nhưng càng học tôi càng thấy hứng thú. Nên khi xác định khả năng mình không thể học lên đại học, tôi quyết tâm học và gắn bó với nghề thêu tay truyền thống. Không những học ở trung tâm, tôi còn tìm đến những nghệ nhân để xin học nghề. Đối với tôi, may mắn nhất là được học từ những nghệ nhân có kinh nghiệm. Không những học để nâng cao tay nghề mà tôi còn được học cách ứng xử, cách tìm kiếm, tiếp cận và cách làm hài lòng khách hàng.
Nhìn những sản phẩm thêu tay duyên dáng, rất có hồn và mang tính thẩm mỹ cao của Hà thì không ai có thể nghĩ là những thành quả đó được tạo nên từ đôi bàn tay khiếm khuyết. Bởi thêu tay truyền thống là sản phẩm của những đôi bàn tay tỉ mẩn, miệt mài đêm ngày, nhưng khác với những người thợ thông thường, bàn tay chính là “rào cản” của Hà đối với nghề. Dù tay phải rất yếu, những đường kim, mũi chỉ sẽ khó khăn hơn. Nhưng đó là khi mới chập chững vào nghề, còn bây giờ đó không còn là vấn đề đối với Hà nữa. Bởi, khi tay phải không khỏe thì Hà đã bắt đầu thiết lập cho bản thân những buổi “huấn luyện” đặc biệt để tay trái có thể thành thạo mọi việc.
“Thấy mình nhỏ con, mảnh khảnh thế này thôi, chứ mình là vận động viên thể thao khuyết tật tỉnh và đã thu thập đủ các loại huy chương đối với bộ môn cầu lông. Hồi còn đi học, môn thể dục luôn được thầy cô ưu tiên. Nhưng mình lại muốn được học như các bạn. Bởi, mình không cho phép bản thân thôi nỗ lực. Để công bằng qua được các môn thể dục đối với một người khuyết tật như mình thật sự không dễ, nhưng mình vẫn luôn kiên trì và nghiêm túc qua từng tiết học. Để khi nhận được những điểm số thực chất, mình thấy vui, bởi đó là minh chứng, bản thân mình cũng như các bạn cùng lớp chứ không phải là “một ngoại lệ” được ưu tiên”, Hà bộc bạch.
Sống là cho đi
Sau khi lập gia đình, sinh con, không thể tiếp tục đi đi về về hàng chục cây số để làm việc ở trung tâm nên Hà đã mạnh dạn mở một cơ sở thêu nho nhỏ tại nhà. Bằng sự kết nối, chia sẻ từ những “người thầy” trong nghề và sự giúp đỡ lan tỏa của hội LHPN địa phương, Hà có được những đơn hàng đầu tiên, rồi những đơn hàng thứ n với đa dạng các mặt hàng như thêu áo dài, váy, tranh lưu niệm… Không những khách hàng tìm đến để mua sản phẩm của Hà, mà cũng từ đó có rất nhiều “mảnh đời” không may mắn tìm đến Hà với mong muốn học nghề.
Chẳng sợ mất nghề, hay sợ thêm người cạnh tranh, ai đến học Hà vẫn hết mình dạy nghề. Không những kiên trì chỉ dạy từng đường kim mũi chỉ mà Hà còn dạy nghề miễn phí cho tất cả những học viên khuyết tật khi họ đến với Hà. Từ 1, 2 người học nghề, đến nay Hà đã dạy nghề thành thạo cho 7 học viên, và tất cả họ cũng đang nhận thêu những sản phẩm từ khách hàng của Hà, với mức thu nhập khá ổn định từ 6 – 10 triệu đồng/tháng.
Vốn không được nhanh nhẹn, khi học nghề, nhiều lần Nguyễn Thị Ngọc Nhung, sinh năm 1994, Thủy Phương, Hương Thủy muốn bỏ ngang. Nhưng với sự động viên, kèm cặp tận tâm của Hà, nay Nhung đã là thợ chính, có thể nhận thêu những mặt hàng khó. “Không những dạy nghề miễn phí, mà biết hoàn cảnh em khó khăn, chị Hà còn hỗ trợ chỉ thêu, khung thêu và động viên em cố gắng học để kiếm cho mình cái nghề. Bởi chị biết, em không nhanh nhẹn và khỏe mạnh như những người khác nên khó có thể kiếm được công việc phù hợp. Cũng chính nhờ chị Hà không nản lòng khi dạy em mà giờ đây em đã thành nghề và kiếm được thu nhập ổn định để tự trang trải cuộc sống”, Ngọc Nhung vui mừng chia sẻ.
Với những nét riêng đầy ấn tượng qua từng sản phẩm, tiếng lành đồn xa, cơ sở thêu tay truyền thống của Hà ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng lớn. Điều đó đã giúp cô gái khuyết tật “sống khỏe” với nghề, với đam mê của mình. Và thật đáng quý, đáng trân trọng khi Hà đã không ngại dang đôi tay bé nhỏ của mình để dìu dắt những mảnh đời khuyết thiếu như Hà cùng vững vàng bước đi trên con đường tương lai.
Thiếu may mắn khi Hà sinh ra không lành lặn, nhưng Hà đã may mắn khi gặp được những “người thầy” trong nghề, những chị em tốt trong hội LHPN phường sẵn sàng giúp đỡ, tiếp sức cho Hà trong những ngày cô gái nhỏ chập chững đi tìm sự nghiệp. Để đến khi mọi nỗ lực được đền đáp, có được một chút thành tựu trong nghề, có một cuộc sống ổn hơn Hà lại sẵn sàng mang may mắn đó tiếp tục cho đi… để thêm nhiều những hoàn cảnh như Hà có được một cái nghề trong tay, tìm được định hướng cho tương lai.
Bà Văn Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN phường Thủy Phương cho biết: Bằng nghị lực, những năng lượng tích cực, chị Hà đã vượt lên hoàn cảnh, những mặc cảm của bản thân để phát triển kinh tế, có cuộc sống ổn định. Khi có những thành công nhất định đối với nghề thêu, chị đã lan tỏa những năng lượng tích cực đó và sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khiếm khuyết, thiếu may mắn.
Sự kỳ công, sáng tạo qua từng mũi thêu đã làm nên những điểm nhấn khác biệt cho cơ sở thêu tay của mình và Thanh Hà đã xứng đáng nhận giải khuyến khích tại cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023”.