ClockThứ Bảy, 14/11/2020 13:04

Đôi vai người lính

TTH - Mẹ của liệt sĩ vừa hy sinh trong cuộc hành quân vào Thủy điện Rào Trăng 3 (Phong Xuân, Phong Điền, Thừa Thiên Huế) tựa vào vai Thượng tá Ngô Nam Cường. Đôi vai người lính, đủ vững chãi, yêu thương để nâng đỡ nỗi đau đến tột cùng…

Thượng tá Ngô Nam Cường giữ chức Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên HuếXây dựng lực lượng vũ trang tỉnh đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mớiThăm và tặng quà người có công với Cách mạng trên địa bàn huyện A Lưới

Trở lại tiểu khu 67 để tìm kiếm đồng đội 

Sau cuộc họp tiếp tục bàn phương án tìm kiếm cứu nạn các công nhân vẫn còn mất tích do sạt lở núi tại Thủy điện Rào Trăng 3, Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh cùng anh em trong đơn vị tranh thủ đến nhà các liệt sĩ hy sinh trong cuộc hành quân đến Rào Trăng 3, ngày 13/10. Kính cẩn thắp nén tâm hương, Thượng tá Ngô Nam Cường thầm hứa, sẽ vững bước tiếp cả phần của đồng đội đã ngã xuống vì Nhân dân.         

Nặng lòng vì dân

Hơn hai mươi năm trước, khi là Trung đội trưởng Trung đội 8 (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 176, đóng trên địa bàn thị trấn Phú Bài, huyện Hương Thủy- nay là thị xã Hương Thủy), Trung úy Ngô Nam Cường đã cùng đoàn quân ngược xuôi trong trận đại hồng thủy năm 1999 để cứu, giúp dân. Người lính ấy vẫn đau đáu xót thương khi kể lại hình ảnh những ngôi nhà bị nhấn chìm trong nước lũ, những bàn tay người dân kẹt trong đó, thò lên nóc nhà hoảng loạn, kêu cứu.

Hàng rào khiến ca nô không thể tiến sát. Lặn qua cửa để vào nhà là không đảm bảo độ an toàn. “Nhưng phía trước là Nhân dân. Bằng mọi giá phải đưa dân ra khỏi hiểm nguy. Chúng tôi quyết định buộc dây vào người, lặn qua cửa, đưa dụng cụ vào nhà, cắt rui mè, đòn tay, mở đường đưa dân thoát ra”- Thượng tá Ngô Nam Cường nhớ lại. Cứ như vậy cho đến lúc trời tối, giữa biển nước mênh mông, các anh rà từng xóm, dùng loa tay gọi “có ai không”, để đảm bảo không người dân nào bị kẹt lại.

Thượng tá Ngô Nam Cường (thứ hai, bên phải) chỉ đạo giúp dân khắc phục bão lụt 

 

Lũ lụt năm 1999 đã tàn phá dữ dội mảnh đất Thừa Thiên Huế, khiến 373 người chết, 200 người mất tích. “Cảnh người dân chới với, bất lực nhìn nước lũ cuốn trôi hết tài sản, xót xa lắm. Thương vô cùng. Khi được bộ đội cứu, đưa đến nơi an toàn, nhiều người dân khẩn khoản “trong đó vẫn còn con heo, con gà của gia đình. Nếu mất nốt con heo, con gà này thì…”. Chúng tôi nói “bà con cứ yên tâm”, rồi cố gắng bơi vào cứu heo, cứu gà cho dân.” – Thượng tá Ngô Nam Cường vẫn đầy nguyên xúc động khi kể lại mất mát, khổ cực của người dân trong cơn lũ lụt hai mươi năm trước.

Nặng lòng yêu thương, nên khi về xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) giúp dân khắc phục sau lũ lụt, Trung úy Ngô Nam Cường cùng đồng đội trong hành trình tìm lại vật dụng sinh hoạt cho ngư dân, đã bỏ cuốc xẻng, cẩn trọng bới bùn, cát bằng tay, để “cứu” vẹn nguyên từng bộ lưới bị vùi lấp sâu. Thấu hiểu rằng, đó là cả gia tài, để ngư dân bắt đầu khôi phục lại sản xuất, nên dù mất 2-3 ngày mới “cứu” được một bộ lưới, dù những bàn tay phồng rộp, các anh vẫn chấp nhận.

“Nghẹn lòng nhất là lúc chúng tôi thực hiện đào bới, tìm 4 người trong một gia đình ở thị trấn Phú Lộc, bị vùi lấp do sạt lở. Khi tìm được, cả 4 người đều đã thiệt mạng. Mất mát quá lớn. Đau đớn lắm”. Chính vì đau nỗi đau, mất mát mà người dân phải chịu do thiên tai, nên trong quá trình kinh qua nhiều vị trí công tác, ở bất cứ vị trí nào, Thượng tá Ngô Nam Cường cũng đau đáu “câu chuyện” phòng, chống thiên tai, để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân. Năm 2015, khi là Chỉ huy trưởng Ban CHQS TP. Huế, Thượng tá Ngô Nam Cường đã đề nghị xây dựng lực lượng dân quân xung kích, phòng chống thiên tai, bão lũ; huấn luyện, trang bị kỹ năng cho lực lượng này và đã đưa vào vận dụng hiệu quả trong một số nhiệm vụ.

Vững bước tiếp cả phần đồng đội đã hy sinh

Ở cương vị Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Thượng tá Ngô Nam Cường cùng tập thể Đảng ủy Quân sự tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng các phương án, lực lượng, phương tiện, sẵn sàng thực hiện tham gia phòng chống bão, lũ mọi lúc, mọi nơi, mọi không gian, thời gian, xác định đây là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, với mệnh lệnh “Phía trước là Nhân dân”. Kể cả phải hy sinh cũng quyết tâm bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân.

Thượng tá Ngô Nam Cường (ngoài cùng, bên trái) trao quà cứu trợ cho người dân vùng lũ

Vậy nên, ngày 12/10/2020, trong tình hình bão, lũ lớn đang diễn biến phức tạp, nhận tin báo có công nhân mất tích do sạt lở tại công trình Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền), Thượng tá Ngô Nam Cường vô cùng nóng ruột: “Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định nói, một người dân điện thoại, nửa chừng thì tắt. Gọi lại nhiều lần nhưng không liên lạc được. Lúc đó chưa biết mất tích chính xác bao nhiêu người. Ruột nóng như lửa đốt”.

Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh báo cáo với Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4, lúc đó đang có mặt, hỗ trợ Thừa Thiên Huế ứng phó bão, lũ. “Thiếu tướng Nguyễn Văn Man nói, tạm dừng các họat động cứu hộ. Bây giờ cứu nạn là trên hết. Nhân dân đang cần chúng ta từng giờ, từng phút. Dù khó khăn đến thế nào cũng phải đi, kể cả có hy sinh.”- Thượng tá Ngô Nam Cường nhớ lại.

Thực hiện mệnh lệnh thiêng liêng, 21 cán bộ, sĩ quan thuộc Bộ CHQS tỉnh, Quân khu 4, Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh và UBND huyện Phong Điền gấp rút hành quân đến Rào Trăng 3. Trong mưa lớn, lội qua các đập tràn nước dâng cao, chảy xiết, lội trong bùn nhão lút đến đầu gối, đá cứa, xé rách chân, tứa máu, nhưng các anh vẫn bền gan. Vì Nhân dân đang cần nên các anh vẫn bước tiếp, dù hiểm nguy. 13 cán bộ, sĩ quan bị vùi lấp bởi núi lở, đã ngã xuống trong cuộc hành quân bi hùng. Thượng tá Ngô Nam Cường là một trong 8 người thoát ra được.

“Nhiều đồng chí bị chấn thương cả về thân thể lẫn tâm lý. Tôi cũng nằm trong số đó. Nhưng, trực tiếp chứng kiến thủ trưởng và đồng đội mình gặp nạn, vẫn đang mất tích trong vụ sạt lở, nên với trách nhiệm là một quân nhân cách mạng, một  đảng viên, người chỉ huy, tôi càng không thể và không được gục ngã, mà cần bình tĩnh, vững vàng, để nhanh chóng tìm kiếm đồng đội”- Vị Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh trầm giọng.

Vì vậy nên ngay sau khi trở về từ lằn ranh sinh tử, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Thượng tá Ngô Nam Cường đã có mặt tại Sở Chỉ huy tiền phương (đặt tại UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) để cùng các lực lượng bàn, triển khai phương án và ngày 15/10, trở lại tiểu khu 67 tìm kiếm đồng chí, đồng đội.

Các liệt sĩ - đồng đội của anh đã được trở về nhà. Nhưng vẫn còn đó 12 công nhân mất tích vẫn chưa được tìm thấy. Tranh thủ giữa bộn bề công việc, Thượng tá Ngô Nam Cường đến thắp nén tâm hương cho các liệt sĩ. Anh nắm chặt bàn tay của bố liệt sĩ- Thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc: “Chúng con là người lính. Người trước ngã, người sau vẫn xông lên. Nếu chùn chân thì ai lo cho dân. Bây giờ, cha mẹ của 12 công nhân còn mất tích và Nhân dân cả nước đang mong ngóng vào Rào Trăng 3 từng ngày. Chúng con sẽ vững bước tiếp cả phần đồng đội đã hy sinh, hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng mà các anh đang thực hiện dang dở”

Mẹ liệt sĩ gục mặt vào bờ vai Thượng tá Ngô Nam Cường, người chỉ huy- đồng đội, người đã từng vào sinh ra tử cùng con trai đã vì dân mà hy sinh trong thời bình. Đôi vai người lính ấy đủ vững chãi, tấm lòng đủ yêu thương để nâng đỡ, xoa dịu bớt phần nào nỗi đau đến tột cùng…

Bài: QUỲNH ANH - Ảnh: BỘ CHQS TỈNH CUNG CẤP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mối tình sắt son nơi đầu sóng

Bên chân sóng, trước hải trình đến quần đảo Trường Sa, tôi đã “gặp” một cuộc chia tay của đôi tình nhân đặc biệt. Họ là vợ chồng, cũng là đồng chí đồng đội, “xếp lại” tình riêng vì tình cảm lớn lao hơn…

Mối tình sắt son nơi đầu sóng
Dấu ấn người lính nơi biên cương - Kỳ 2: “Ươm mầm” ở miền biên

Nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, tạo nguồn nhân lực, tri thức trong tương lai cho địa phương; “ươm mầm” và bồi đắp tâm huyết, tình cảm, kiến thức, để con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thế hệ trẻ nơi đây trở thành đội ngũ cán bộ tiếp nối, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển, là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh tập trung đẩy mạnh, bước đầu “đơm hoa kết trái”.

Dấu ấn người lính nơi biên cương - Kỳ 2 “Ươm mầm” ở miền biên
Dấu ấn người lính nơi biên cương - Kỳ 1: Biên giới vững, nhà nhà chắc

A Lưới gắn với hình ảnh thành trì biên cương vững chãi và bình yên. Nơi dải đất tiền tiêu của Tổ quốc, Bộ đội Biên phòng ngày đêm cầm chắc tay súng, đồng thời sát cánh cùng người dân địa phương khiến đất “trở mình” phát triển và “ươm mầm” thế hệ tương lai.

Dấu ấn người lính nơi biên cương - Kỳ 1 Biên giới vững, nhà nhà chắc
Những người lính luôn vì cộng đồng

Không chỉ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 18 Thông tin, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, góp phần giáo dục tư tưởng cán bộ, chiến sĩ đơn vị.

Những người lính luôn vì cộng đồng
“Con sẽ là người lính giống cha”

Sinh ra sau khi đất nước được hòa bình, thống nhất, nhưng được lớn lên trong “cái nôi cách mạng”, là con của những người lính can trung, họ đã luôn nỗ lực cống hiến để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha ông, xứng đáng với truyền thống cách mạng của gia đình.

“Con sẽ là người lính giống cha”
Return to top