ClockThứ Bảy, 19/09/2020 07:05

Đồng hành cùng người lao động vượt qua đại dịch

TTH - Không chỉ trong hai đợt bùng phát dịch COVID-19, ngay cả khi bước vào trạng thái “bình thường mới”, hệ lụy của nó vẫn hiện hữu khi số lượng người lao động mất việc làm ngày càng nhiều.

Thị trường lao động sau “ngủ đông”Băn khoăn chế độ bảo hiểm xã hội trong dịch COVID-19

Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp tại “Phiên chợ việc làm” do Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức

Xoay sở kiếm sống

Đầu năm nay, khi dịch COVID - 19 bắt đầu xuất hiện, chị N.N.T.N, giáo viên mầm non một trường tư thục trên địa bàn TP. Huế lâm vào cảnh thất nghiệp. Chị N. chia sẻ, là giáo viên hợp đồng ngắn hạn nên sau khi kết thúc giãn cách đợt 1, bản thân không được tái ký hợp đồng và tìm việc làm mới trong giai đoạn hiện nay lại càng khó hơn.

“Hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ sống phụ thuộc vào thu nhập từ nghề sale bánh kẹo của chồng. Tôi không tìm được việc làm nên nhận thêu gia công tại nhà, được đồng nào hay đồng nấy để chi trả tiền thuê phòng trọ. Thời gian tới, khi con đủ tuổi đi nhà trẻ, tôi dự định nộp đơn làm sale như chồng, tuy có chút nặng nhọc do di chuyển nhiều nhưng ít ra vẫn dễ kiếm việc hơn”, chị N. bộc bạch.

Từng là nhân viên của một công ty dịch vụ du lịch, bạn trẻ Nguyễn Bảo Nguyên hiện “gắn bó” với công việc của một xe ôm công nghệ. Ban đầu công ty chủ trương cho phép nhân viên giãn việc, làm tại nhà và trả 50% lương, Nguyên tham gia chạy xe ôm công nghệ vào buổi tối để kiếm thêm thu nhập, nhưng dần dần anh chuyển sang làm tự do bởi công ty dừng hoạt động hẳn.

Nguyên chia sẻ, nhiều người bạn anh hiện không có việc làm phải bán hàng online, đồ ăn vặt…, nhưng do mới bán chưa quen khách nên thu nhập cũng không nhiều. Một số đồng nghiệp cũ sau khi làm thủ tục thất nghiệp đã tham gia lớp học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hỗ trợ. Song sau khi học, đa phần vẫn khó tìm được việc làm.

Trước tình hình dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp, nhiều ngành nghề đã bị ảnh hưởng nặng nề. Không ít doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh hay cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm do không có nguồn thu.

Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng khối doanh nghiệp có tổ chức công đoàn trên địa bàn TP. Huế, hiện có 36/123 doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động và 2 doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ giải thể. Đến nay, số lượng đoàn viên công đoàn trong khối doanh nghiệp toàn thành phố đã giảm gần 30% so với trước dịch, con số này tăng lên 50% đối với riêng khối du lịch, dịch vụ.

Qua khảo sát tại một số doanh nghiệp kinh doanh ngành du lịch và dịch vụ, nhiều khách sạn cắt giảm tối đa nhân sự, chỉ giữ lại những vị trí thiết yếu. Đơn cử tại Khách sạn C., nhân viên trước dịch có 165 người, nay chỉ còn 35 người. Tương tự, Khách sạn H., trước dịch có 392 người, nhưng đã cắt giảm hơn 350 lao động do không có khách du lịch lưu trú. Hiện tại, đơn vị chỉ giữ lại một số vị trí việc làm như: nhân viên bảo vệ, phòng cháy chữa cháy, nữ lao động đang có thai hoặc lao động đang tuổi sắp về hưu để duy trì đóng bảo hiểm xã hội.

Chia sẻ cùng người lao động

Trước tình trạng giãn việc và nghỉ việc, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đưa ra các phương án hỗ trợ và giữ chân lao động.

Theo thông tin từ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Huế, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ và du lịch trên địa bàn tuy gặp khó khăn trong hoạt động nhưng vẫn có chế độ hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động như: Khách sạn Hương Giang hỗ trợ lao động 1 triệu đồng/tháng, Khách sạn Indochin Palace hỗ trợ lao động 1,5 triệu đồng/tháng, Khách sạn Century Riverside có kế hoạch trong tháng 9 sẽ hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài hỗ trợ trực tiếp, một số doanh nghiệp còn có hình thức hỗ trợ gián tiếp để tạo việc làm cho người lao động. Điển hình, Công ty CP Du lịch DMZ hỗ trợ công đoàn cơ sở 10 triệu đồng/tháng nhằm tạo vốn cho đoàn viên, người lao động vay trả góp không lãi suất để tháo gỡ khó khăn trước mắt.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động, thời gian qua, các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động chia sẻ khó khăn; đồng thời kết nối với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ hàng nghìn phần quà cho đoàn viên, người lao động ảnh hưởng dịch. Nhiều công đoàn cơ sở tuy không thu quỹ công đoàn của đoàn viên, nhưng vẫn nỗ lực phối hợp tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên như: hỗ trợ gạo, dầu ăn, mì gói và nhiều nhu yếu phẩm khác.

Giữa tháng 9 vừa qua, LĐLĐ thành phố còn tổ chức tư vấn, chuyển đổi nghề nghiệp cho đoàn viên, người lao động bị mất việc. Hoạt động có sự tham gia tư vấn của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và 6 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Qua đó, các doanh nghiệp đã cung cấp gần 250 vị trí việc làm tuyển dụng với nhiều ngành nghề, lĩnh vực như: may mặc (Công ty CP May xuất khẩu), cơ khí (Công ty CP Cơ khí Phú Xuân), bảo vệ (Công ty TNHH MTV Dịch vụ Bảo vệ Trường Sơn), dịch vụ (Công ty CP Du lịch Huế)…

Anh Lê Hữu Đạt, người lao động nộp hồ sơ ứng tuyển tại đây cho biết, trước đây, bản thân từng là lễ tân tại một khách sạn trên địa bàn thành phố nhưng đã nghỉ việc do khách sạn dừng hoạt động. Đọc được thông tin về "Phiên chợ việc làm" trên Facebook, anh quyết định đến tham khảo với hy vọng được tuyển dụng vào làm việc tại một công ty du lịch để phù hợp với chuyên môn.

Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh khẳng định, tổ chức công đoàn đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, người lao động, chung tay cùng doanh nghiệp vượt qua tình hình khó khăn hiện nay.

Bài, ảnh: MINH NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

TIN MỚI

Tin đăng tuyển nhân viên kho tại Vieclam24h
Return to top