Chị N.T. A. có hộ khẩu thường trú tại TP. Huế, có cô con gái năm nay lên 8 nhưng vẫn nhất quyết không cho con đến trường học hòa nhập, dẫu giáo viên 5 lần, 7 lượt đến nhà vận động. Chị bảo, con mình bị tự kỷ, không giao tiếp được với bạn bè, hay cáu giận nên ngại nhất là bị bạn trêu chọc, thậm chí đánh đập. Chị A. đem con đi “vái tứ phương’’ và uống rất nhiều loại thuốc để mong con khỏi bệnh.
Phụ huynh có con khuyết tật và xử lý như chị A. không phải là ngoại lệ. Khảo sát của ngành giáo dục Thừa Thiên Huế cho thấy, có trên 300 trẻ khuyết tật ở độ tuổi đến trường đang ở nhà với gia đình, không học hòa nhập. Một vị hiệu trưởng của một trường tiểu học trên địa bàn TP. Huế tiết lộ, một số trẻ có các biểu hiện của tự kỷ như tăng động, không giao tiếp với ai, thích thì học, không thích thì thôi, không kiểm soát được hành vi… Tuy nhiên, phụ huynh lại không muốn thừa nhận vì ngại mọi người kỳ thị, phân biệt. Trường đề xuất phụ huynh đưa trẻ đi kiểm tra để biết con mình có bị tự kỷ hay không, mức độ đến đâu... nhưng nhiều trường hợp không đi. Giáo viên nhắc nhở nhiều thì phụ huynh cho con nghỉ học giữa chừng.
Tâm lý bố mẹ không chấp nhận con mình là khuyết tật, sợ con bị bạn bè kỳ thị cũng có, nhưng phụ huynh chưa thực sự yên tâm khi toàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật. Chị N.T.N, có con trai học hòa nhập được hơn 1 năm, nhưng bụng dạ chị chẳng lúc nào yên. Chị bảo, cho con học hòa nhập thì con có khá lên, nhưng con chị vẫn gặp nhiều khó khăn khi trường không có lối đi hay công trình vệ sinh dành riêng cho học sinh khuyết tật vận động. Trường cũng chưa có phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập và còn thiếu các phương tiện, thiết bị hỗ trợ cho trẻ khuyết tật. Mà trong khi con chị lại tính khí thất thường, có lúc ném đồ chơi, đập đầu vào tường tự gây thương tích; lắm lúc lại trốn vào góc phòng, chạy ra đường… khiến cô giáo viên chủ nhiệm rất vất vả.
Thừa Thiên Huế là địa phương chưa có Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục cho học sinh khuyết tật. Những lớp dạy trẻ khuyết tật hòa nhập ngay trong trường tiểu học được xem là mô hình hay, thiết thực nhưng không nên kéo dài bởi sẽ ảnh hưởng đến chính các em và những học sinh khác, nhất là trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Hơn nữa, giáo viên ở các trường tiểu học đều chưa được đào tạo chuyên môn, cũng như các kỹ năng, phương pháp dạy trẻ tự kỷ ở trường sư phạm. Thế nên, đề án hỗ trợ phát triển giáo dục học sinh khuyết tật trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030 đã được xây dựng nhằm đảm bảo các điều kiện cho học sinh khuyết tật hưởng những quyền giáo dục cơ bản là dấu hiệu đáng mừng. Điều này đồng nghĩa với việc các huyện, thị xã, TP. Huế phải quy hoạch mạng lưới trường, lớp dành cho học sinh khuyết tật từ mầm non đến trung học phổ thông.
Giải pháp để trên 1.300 học sinh khuyết tật đang học hòa nhập có một môi trường học tập ổn định chắc hẳn sẽ được đáp ứng theo lộ trình. Vẫn biết chấp nhận có con bất thường là rất khó khăn, song phụ huynh cần được tư vấn về tâm lý để dũng cảm đón nhận, mỗi khi chấp nhận thì mới hỗ trợ, can thiệp kịp thời để giúp con phát triển tốt hơn. Mỗi trẻ được hòa nhập là một câu chuyện riêng, cách giúp đỡ tốt nhất là đồng hành cùng các em nhiều hơn, kiên nhẫn cùng các em. Mà điều này rất cần sự phối hợp tích cực giữa phụ huynh và nhà trường.