Nhiều nhóm, hội chung sức dọn cây gãy đổ trên đường đi bộ dọc sông Hương
Ra đường từ sớm
Ngay trong chiều 18/9, tức khi cơn bão số 5 đã tan, chứng kiến sức tàn phá ghê gớm (15.000 cây xanh ngã đổ, tước cành, bật gốc; hàng trăm cột điện gãy, đổ, hàng ngàn nhà dân tốc mái, hệ thống điện sinh hoạt tê liệt, thông tin liên lạc chập chờn…), không chỉ những người có trách nhiệm mà những người yêu Huế không khỏi xót xa. Và họ đã biến điều đó thành hành động.
Từ chiều hôm đó, đã có rất nhiều lực lượng đổ ra đường dọn cây. Chỉ một vòng quanh khu vực phía Nam TP. Huế đi đâu cũng thấy màu xanh của áo công an, bộ đội, dân quân tự vệ, công nhân cây xanh, môi trường hòa lẫn trong màu lá của cây xanh đường phố. Chỉ khác là những tấm lưng ướt đẫm, những gương mặt nhễ nhại mồ hôi.
Nguyễn Công Dương, công nhân môi trường thuộc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) cùng vợ là chị Thúy đã có một tuần chưa thấy mặt con. Kể từ sau khi bão quét qua Huế, hai vợ chồng có lệnh tăng ca. Họ buộc phải gửi con cho ngoại. Mỗi ngày đều đi làm từ sáng sớm, tối khuya về giấc ngủ chưa kịp sâu trời đã sáng và họ lại bắt đầu với hành trình: quét, dọn, gom, chở cây đến xe tải lớn chuyên dụng-gặm bánh mì qua bữa trưa-tối rồi tiếp tục vòng quay.
Tấm lưng thấm đẫm mồ hôi
Một người bạn của tôi là giáo viên một trường THPT trên địa bàn có chồng làm công nhân ngành điện. Bạn cho biết, từ hôm bão đến giờ chồng chưa về nhà, bận đi sửa điện khắp nơi mà nhà bạn thì đến tối 22/9 vẫn chưa có điện. Dù vậy thì bạn cũng rất cố gắng thu dọn việc nhà, ủng hộ chồng yên tâm công tác, khắc phục sự cố lưới điện, sớm cấp điện cho người dân.
Họ chỉ là hai trong số hàng trăm, ngàn công nhân của các ngành liên quan như môi trường, cây xanh, điện-là những ngành, nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt bão vừa qua. Khắc phục hậu quả có thể hiểu là trách nhiệm của họ. Song, ngoài những lực lượng này, những ngày qua, ai cũng có thể thấy có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, nhất là sự vào cuộc và tự giác của người dân.
Công an TP. Huế huy động 100% lực lượng công an các phường, đội nghiệp vụ chung sức tổng dọn vệ sinh, cây gãy đổ. Các đơn vị bộ đội, thanh niên, dân quân tự vệ… cũng gần như huy động toàn bộ lực lượng ra quân từ những ngày đầu bão vào Huế.
Đáng quý hơn là sự tự giác, tự nguyện của rất nhiều nhóm, hội như các nhóm đi bộ, đạp xe, thuyền Sup của Nguyễn Đình Anh Khoa, Nghĩa Dũng Karate-Do, Ban điều hành gia đình Phật tử TP. Huế và rất nhiều hội nhóm khác không chỉ ra quân trong “Ngày Chủ nhật xanh” vừa qua mà những ngày này và cả “Ngày Chủ nhật xanh” tới, chung tay dọn cây, vệ sinh các con đường, tuyến phố để Huế sớm trở lại bình thường. Và cũng dễ nhận thấy hơn, cũng như những lần thiên tai, bão lũ trước, bao giờ người dân Huế cũng chung tay dọn dẹp. Họ rất chủ động mà không phải chờ nhắc hoặc vận động. Dù vậy thì vẫn không thể tránh khỏi còn một số người dân còn bàng quan, thờ ơ, chưa vào cuộc cùng chính quyền trong việc khắc phục hậu quả bão số 5.
Sẽ hoàn thành khắc phục trong vài ngày tới
Lãnh đạo Trung tâm Công viên cây xanh Huế thông tin, tầm 10 ngày nửa tháng tới, sẽ hoàn tất việc cắt cưa, dọn dẹp cây gãy đổ. Sau đó mới tính đến các phương án trồng, khôi phục một số loại cây gãy đổ.
Song hành với Trung tâm Công viên cây xanh Huế, những ngày qua, HEPCO cũng tất bật tăng ca, tăng kíp để đường phố Huế sớm sạch sẽ, phong quang.
Đường đi bộ dọc sông Hương đã phong quang chỉ 1-2 ngày sau bão
Theo lãnh đạo HEPCO, họ chủ yếu làm thủ công, thiếu phương tiện cưa cắt nên những cành cây lớn rất khó vận chuyển. Dù vậy, không thể để “cái khó bó cái khôn”, họ mua thêm máy cưa, cắt để anh em công nhân thuận tiện vận chuyển cây đổ ngã. Họ cũng phải đảm bảo vận chuyển, thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày nên khối lượng công việc rất lớn. Vất vả là điều đương nhiên, song anh em công nhân môi trường xác định đây là nhiệm vụ không thể không thực hiện với quyết tâm cao nhất để hoàn thành việc dọn dẹp vệ sinh, cây cối đường phố. Dự kiến sẽ hoàn thành việc này trong vòng nửa tháng tới ở khu vực trung tâm. Riêng các khu dân cư, ngõ hẻm, nhà dân…, HEPCO mong mỏi có sự chung tay hỗ trợ của người dân, chính quyền.
Với lượng cây xanh đổ ngã lớn như vậy, chỉ các lực lượng trên thôi sẽ khó hoàn thành công tác dọn dẹp trong thời gian ngắn, do đó, cần sự chung sức, cùng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ý thức vì cộng đồng của mỗi người dân. Điều đó cũng đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định nhiều lần kêu gọi, vận động người dân bằng nhiều cách khác nhau, kể cả trên facebook cá nhân: “Có thể bạn không làm được quá nhiều, nhưng sự chung tay của bạn đã góp thêm hơi ấm cho những lực lượng chính đang làm nhiệm vụ dọn dẹp hậu quả do bão...”. Cùng với những sự vận đồng này và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, Huế đang dần trở lại nhịp sống bình thường.
Đối với việc khắc phục, trồng mới các loại cây sau bão, theo Trung tâm Công viên cây xanh Huế, họ sẽ có những kế hoạch chi tiết, sau khi đã lấy ý kiến từ các chuyên gia về cây xanh, kỹ thuật, quy hoạch, nhà văn hoá..., và người dân. Việc này cũng đã được Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chỉ đạo triển khai nhân chuyến khảo sát, kiểm tra hiện trạng cây xanh đổ ngã sau bão số 5.
Theo Nhà giáo Ưu tú Đỗ Xuân Cẩm, việc chọn cây gì, trồng như thế nào sau bão trên một số tuyến đường phố Huế cần phải có kế hoạch chi tiết, cụ thể, vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ông cũng đã có ý kiến cụ thể, chi tiết với Trung tâm Công viên cây xanh Huế. Riêng với cây phượng vàng, theo ông nên cân nhắc nếu trồng lại vì đây là loài cây chưa phù hợp với đường phố Huế, do đặc tính rễ chùm, dễ đổ ngã do mưa bão và thực tế cơn bão số 5 vừa rồi đã cho thấy điều đó.
Bài: TÂM HUỆ - Ảnh: ANH KHOA