ClockThứ Hai, 17/10/2022 06:22
HƯỞNG ỨNG THÁNG CAO ĐIỂM “VÌ NGƯỜI NGHÈO” (17/10/2022 - 18/11/2022)

Giảm nghèo đa chiều và bền vững

TTH - Giảm nghèo theo hướng đa chiều, bao trùm và bền vững là mục tiêu của Thừa Thiên Huế trong thời gian tới, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị mới có thể thành công.

Nỗ lực giảm nghèo bền vững.Bàn giải pháp giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022- 2025Bám sát từng hộ nghèo để giảm nghèo bền vững

Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế luôn quan tâm chăm lo, hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn

Hỗ trợ thiết thực

Cứ độ nước lên vào mùa mưa bão, gia đình ông Nguyễn Văn Tám và bà Nguyễn Thị Gái (phường Phú Thượng, TP. Huế) lại nhớ về những ngày tháng sống tạm bợ bên căn chòi chắp vá cạnh đập La Ỷ.

Cách đây hơn 4 năm, gia đình ông bà luôn là một trong những hộ dân được chính quyền địa phương ưu tiên vận động, hỗ trợ di dời mỗi khi mưa lớn để đảm bảo an toàn. Tâm sự với cán bộ địa phương, ông Tám khát khao có một nơi ở đàng hoàng nhưng ngặt nỗi cả nhà với 8 miệng ăn chỉ trông chờ vào nghề đánh cá trên sông; lo cho phí sinh hoạt hằng ngày còn chưa đủ lấy đâu ra “mảnh đất cắm dùi”.

Ngày kết hôn, ông bà ra bờ sông dựng tạm căn chòi nhỏ mưu sinh nghề sông nước, với ước mơ kiếm tiền xây dựng tổ ấm. Quanh đi quẩn lại hơn 30 năm, căn chòi ngày càng dột nát và thêm 6 đứa con ra đời, chen chúc sinh hoạt.

Ông Phan Thế Sơn, Tổ trưởng tổ dân phố La Ỷ (phường Phú Thượng) cho biết, gia đình ông Tám thuộc diện hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Tuy được địa phương đặc biệt quan tâm, hỗ trợ nhưng không có đất để xây dựng nhà tình nghĩa, là cản trở lớn nhất để gia đình vươn lên thoát nghèo.

Theo người dân địa phương, mẹ ruột của bà Nguyễn Thị Gái hiện đang sinh sống gần đó, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên hai vợ chồng không được gia đình hỗ trợ đất ở. Điều này cũng khiến cán bộ địa phương nhiều lần “đau đầu” trong công tác kêu gọi, vận động.

Cơ duyên đến với gia đình ông Tám vào năm 2019, một mạnh thường quân giấu tên biết được hoàn cảnh khó khăn và đã liên hệ với tổ dân phố hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng Nhà Đại đoàn kết. “Thuận nước đẩy thuyền”, ông Sơn tiếp tục đến gặp mẹ của chị Gái để vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” và nhận được cái gật đầu với 50m2 đất sau khu vườn của gia đình.

Từ 50 triệu động của mạnh thường quân, Mặt trận xã và Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Vang (thời điểm đó phường Phú Thượng thuộc huyện Phú Vang) hỗ trợ thêm 50 triệu đồng để hoàn thành ngôi Nhà Đại đoàn kết cho gia đình ông Tám trước mùa mưa bão.

Đến nay, 4 người con lớn của ông Tám và bà Gái đã lập gia đình và đi làm ăn xa nên cũng vơi bớt gánh nặng. Hai vợ chồng tiếp tục gắn bó với nghề bắt cá trên sông và đúc bờ lô thuê nên thu nhập dần ổn định và đã sẵn sàng thoát nghèo vào cuối năm nay.

“Từ ngày có chỗ ở ổn định, mọi người đều phấn chấn và chí thú làm ăn hơn. Nhờ sự động viên, hỗ trợ của cán bộ địa phương mà cuộc sống của gia đình đã sang trang mới, vươn lên thoát nghèo” - ông Tám bày tỏ.

Bà Trương Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN phường Phú Thượng cho biết, từ một hộ nghèo đặc biệt khó khăn, dự kiến đến cuối năm 2022 gia đình ông Tám sẽ được đưa ra khỏi diện cận nghèo. Thời gian tới, cả hệ thống chính trị địa phương sẽ tập trung tìm các giải pháp giúp phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, tránh tình trạng “cào bằng” trong hỗ trợ.

Đây cũng là hướng đi tích cực được nhiều địa phương đã, đang và sẽ áp dụng trong thời gian tới nhằm chung tay giảm nghèo bền vững (GNBV). Điển hình, tại huyện  Nam Đông, 5 xã vùng cao với phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số luôn là đối tượng được cả hệ thống chính trị quan tâm hỗ trợ, với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Với phương châm “trao cần câu, không trao con cá”,  thời gian qua, huyện Nam Đông thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhất là hộ khuyết tật; xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế GNBV.

Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ kết nối người nghèo với thị trường thông qua phát triển các đơn vị cung cấp dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đối với hộ nghèo; thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn; ưu tiên nguồn lực đầu tư thiết bị đào tạo, gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo.

Nhiều tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn thông qua “Quỹ vì người nghèo”

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Kết quả rà soát hộ nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, Thừa Thiên Huế hiện có 9.703 hộ nghèo, tỷ lệ 2,99%; tổng số hộ cận nghèo là 12.104 hộ, tỷ lệ 3,73%. So với cuối năm 2020, tỷ lệ nghèo cuối năm 2021 tiếp tục giảm thêm 0,46%. Nhưng nếu tính theo tiêu chí quy định tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP về chuẩn nghèo, cận nghèo giai đoạn 2021-2025 thì kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh hiện nay còn 16.006 hộ nghèo; 12.803 hộ cận nghèo.

Theo dự thảo Đề án GNBV giai đoạn 2021 - 2025, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu giảm nghèo theo hướng đa chiều, bao trùm và bền vững; phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn 2,0 - 2,2%.

Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Nguyễn Nam Tiến cho biết, công tác GNBV trên địa bàn tỉnh hiện tập trung vào hai vấn đề chính là nhà ở và việc làm. Trên cơ sở đó, Mặt trận và các tổ chức thành viên trong thời gian tới sẽ tập trung vào hỗ trợ và huy động tổng hợp các nguồn lực xây dựng Nhà đại đoàn kết, góp phần giảm tỷ lệ nhà tạm trên toàn tỉnh, đặc biệt là ở miền núi A Lưới. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân cũng cần được quan tâm với nhiều hướng đi đa dạng.

Riêng với vấn đề việc làm cho thanh niên, Mặt trận sẽ phối hợp với các ngành chức năng và Đoàn thanh niên giúp người trẻ có định hướng đào tạo nghề phù hợp và được giới thiệu tham gia vào thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.

Theo ông Nguyễn Nam Tiến, công tác GNBV không chỉ là nhiệm vụ của các cấp chính quyền mà là “sứ mệnh” của cả hệ thống chính trị. Phong trào “Dòng họ không có hộ nghèo” và “Địa bàn dân cư không có hộ nghèo” được phát động rộng rãi ở nhiều địa phương sẽ giữ vai trò tiên phong, vận động cả xã hội chung tay giảm nghèo.

Bên cạnh hỗ trợ việc làm và nhà ở, công tác chăm lo cho các hoàn cảnh yếu thế, đau ốm hiểm nghèo, mất sức lao động cũng cần được quan tâm. Đây là những đối tượng khó có thể vươn lên thoát nghèo mà đòi hỏi sự chung tay đùm bọc của cả xã hội.

Bài, ảnh: MINH NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm nghèo ở vùng lõi

Xã Bình Tiến được xem là vùng “lõi nghèo” của TX. Hương Trà. Do vậy, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể địa phương không ngừng huy động nhiều nguồn lực để cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng nguồn thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Giảm nghèo ở vùng lõi
Vượt mục tiêu giảm nghèo và đảm bảo an sinh

Mục tiêu đặt ra đến cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,76%. Nếu thực hiện đạt tỷ lệ này sẽ về đích giảm nghèo sớm trước 1 năm so với Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy.

Vượt mục tiêu giảm nghèo và đảm bảo an sinh
Nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững

Huy động nhiều nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở TX. Hương Trà không ngừng giúp người nghèo cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống.

Nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững
Một mốc son tự hào của A Lưới

Chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện A Lưới đã bám sát thực tế, nhất là các tiêu chí, tiêu chuẩn về giảm nghèo bền vững để triển khai thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt.

Một mốc son tự hào của A Lưới
Phong Điền còn 1,44% hộ nghèo

Đó là thông tin từ Thường trực HĐND huyện Phong Điền thông qua việc giám sát thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2020 và thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 vào ngày 28/11.

Phong Điền còn 1,44 hộ nghèo
Return to top