ClockThứ Sáu, 08/10/2021 06:11

Gieo điều tốt đẹp

TTH - Trên tấm kính của tủ mỳ ghi hàng chữ “bánh mỳ 0 đồng, mỗi người 1 ổ”. Nhưng khi bà cụ già nua lưng còng, chống gậy chậm chạp từng bước, các bạn nhanh nhẹn gói ngay 4 chiếc bánh, trao cho cụ.

Trẻ em như búp trên cànhNhân rộng mô hình “một cửa liên thông” hiện đại

Đoàn viên, thanh niên Xã đoàn Phú Mậu chuẩn bị cho ổ mỳ 0 đồng

5 giờ 30, quán tạp hóa nhỏ trước chợ Phú Mậu (xã Phú Mậu, TP. Huế) của người đàn ông ngoài sáu mươi tuổi, “sáng đèn”. Người dân trong khu vực “thuộc” giờ mở cửa trước đó của chủ tạp hóa, thường tầm 7 giờ sáng. Nhưng hơn tháng nay, kể từ khi cho các bạn đoàn viên, thanh niên Xã đoàn Phú Mậu đặt “tủ mỳ 0 đồng” trong khuôn viên, để tặng bánh mỳ miễn phí cho người lao động nghèo, người già cả cô đơn, bệnh tật, khó khăn trong mùa dịch, bác chủ quán sẵn sàng dậy sớm hơn, đến quán mở cửa để các bạn trẻ lấy các vật dụng làm bếp. Mạnh thường quân lo kinh phí, các bạn đoàn viên, thanh niên bỏ công sức, trách nhiệm và tấm lòng, mới có thể duy trì dài lâu “tủ mỳ 0 đồng”, nên bác chủ quán bỏ tiền mua tôn, hỗ trợ làm mái che, để trong những ngày mưa, các bạn trẻ và người nhận mỳ được che mưa, che nắng.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Bí thư Xã đoàn Phú Mậu thoăn thoắt soạn sửa vật dụng, nguyên liệu, trước khi đỏ lửa chế biến nhân bánh. Mỗi buổi sáng, để kịp 100 ổ bánh mỳ đầy nhân nóng hổi tặng các hoàn cảnh khó khăn, bao giờ Nhàn cũng là người đến sớm nhất, chuẩn bị cho công việc rim thịt, thái chả hoặc đổ trứng. Khi các bạn trẻ khác có mặt, công việc sẽ “vào guồng” nhịp nhàng, nhanh chóng. Hôm nay, nhân bánh sẽ là trứng ốp la, từ mấy trăm trứng gà do mạnh thường quân vừa tặng. Trứng sôi tí tách, hai mặt được lật đều vàng óng, dưới bàn tay khéo léo của các bạn, tỏa mùi thơm đậm đà.

Nhàn bảo: “Chị có thể giúp em xẻ mỳ được không”? Được quá đi chứ. Tôi nhanh nhảu trong khi thầm nghĩ, đó chỉ là việc “cỏn con” đơn giản. Nhưng chiếc bánh mỳ nóng giòn trở nên “méo mó”, bể vụn, chứng tỏ tôi chẳng biết cách điều khiển cây dao sao cho đúng cách. Dương Thị Kim Huệ (giáo viên trường mầm non) và Nguyễn Thị Thanh Thảo (sinh viên đại học) cầm chiếc bánh mỳ làm mẫu, chỉ cách lách cây dao sao cho mỳ không bị bể, nhưng tôi vẫn lóng ngóng, “chào thua”. Thế mới biết, việc tưởng chừng dễ dàng nhất lại chẳng hề dễ dàng chút nào. Các bạn ấy cũng như tôi, cuộc sống, công việc chẳng liên quan gì đến bánh mỳ, trước khi là “nhân viên” của tủ mỳ yêu thương dành cho người nghèo này. Và để trao yêu thương thật chân thành, tròn trịa, chắc chắn các bạn ấy đã phải học bằng cả tấm lòng, để có thể thuần thục mọi thao tác, hoàn thành ổ bánh mỳ thơm ngon, bổ dưỡng và đẹp mắt.

Trên tấm kính của tủ mỳ ghi hàng chữ “bánh mỳ 0 đồng, mỗi người 1 ổ”. Nhưng khi bà cụ già nua lưng còng, chống gậy chậm chạp từng bước, các bạn nhanh nhẹn gói ngay 4 chiếc bánh, trao cho cụ. Nhàn bảo, các bạn biết rõ, rất nhiều gia đình có hoàn cảnh đáng thương, ông bà già bệnh tật nuôi cháu nhỏ cũng bệnh tật hoặc mẹ tâm thần nhẹ sống cùng con nheo nhóc… Đối với những trường hợp này, cần bao nhiêu bánh, các bạn tặng bấy nhiêu. Chắc chắn, điều đó cũng là tâm nguyện của mạnh thường quân khi gửi gắm niềm tin và yêu thương thông qua “tủ mỳ 0 đồng” của các bạn trẻ trong màu áo Đoàn, đầy trách nhiệm và nhiệt huyết với cộng đồng, xã hội, đặc biệt trong “trận đánh” không kém phần cam go với “giặc” COVID-19.

Thấy chị phụ nữ trung niên từ đằng xa, gói sẵn 2 ổ bánh mì, các bạn giải thích, đó là hàng xóm của đôi vợ chồng cao tuổi, bệnh tật, không thể tự đến nhận bánh. Hôm nào cô hàng xóm tốt bụng cũng đến nhận sớm, giúp đưa về tận nhà để hai cụ được ăn khi bánh mỳ còn nóng.

Buổi sáng hôm đó đong đầy cảm xúc, những cảm xúc đẹp đẽ được lan tỏa từ những con người tốt đẹp, từ cô Bí thư Đoàn, cô giáo mầm non, cô sinh viên trên giảng đường đại học và các bạn đoàn viên, thanh niên khác, cô hàng xóm của đôi vợ chồng già, bác chủ quán tạp hóa, những mạnh thường quân…, để bất cứ ai cũng có thể nhớ đến những người đầy trách nhiệm và yêu thương đối với người yếu thế, với cộng đồng, xã hội. Những người đủ mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, đang có mặt khắp mọi nơi, đã và đang vừa nỗ lực làm tốt công việc của mình, vừa góp của hoặc vén khéo thời gian góp công, chia sẻ yêu thương đến người nghèo khó khăn trên quê hương mình, đồng thời cũng gửi gắm, chia sẻ yêu thương đến người lao động nghèo, khó khăn trong tâm dịch TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Họ thật đáng trân trọng vì đã gieo trồng những điều tốt đẹp, dựng xây sức mạnh để tất cả cùng đồng lòng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, vượt qua khó khăn trong đại dịch.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Uống nước như thế nào để tốt cho sức khỏe

Nước là thành phần cơ bản và không thể thiếu trong quá trình trao đổi của cơ thể. Việc đảm bảo uống đủ lượng nước hàng ngày có thể giúp cải thiện sức khỏe, tăng cường năng lượng và duy trì cân nặng ổn định. Vậy uống bao nhiêu nước mới là đủ?

Uống nước như thế nào để tốt cho sức khỏe
Tiến sĩ Nguyễn Anh Dân - Người truyền cảm hứng sống đẹp

Nhiều lần vào Nam ra Bắc, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Anh Dân được biết đến là người truyền cảm hứng sống đẹp cho cộng đồng. Phương châm sống của TS. Dân đó là “trước khi trở thành một người giỏi, bạn phải là một người tốt trước đã”.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Dân - Người truyền cảm hứng sống đẹp
Sạch, đẹp từ nhà ra phố

Các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã tổ chức nhiều chương trình, hành động cùng với toàn tỉnh bảo vệ môi trường từ thành thị đến nông thôn.

Sạch, đẹp từ nhà ra phố
Quản lý điểm đến tốt để đón khách quốc tế

Việt Nam chuẩn bị bước vào mùa cao điểm đón khách quốc tế. Trên cơ sở tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch những tháng đầu năm 2024, ngành du lịch tỉnh triển khai nhiều giải pháp, chuẩn bị cho mùa cao điểm khách quốc tế.

Quản lý điểm đến tốt để đón khách quốc tế
Return to top