Chị Nguyễn Thị Thùy Trang kiểm tra sản phẩm may của mình
Năng động
Gặp chúng tôi, chị Trang - người phụ nữ sinh năm 1966 có gương mặt phúc hậu vừa phân loại các sản phẩm may mặc, vừa kể: "Sản phẩm của cơ sở có gần một ngàn mặt hàng nên khá vất vả trong phân loại, đóng gói. Để yên tâm giao đúng và đủ hàng cho khách, đích thân tôi phải kiểm tra trước khi xuất".
Cái duyên đến với nghề may của chị là do hoàn cảnh gia đình khó khăn lại là con cả trong nhà, nên từ năm 18 tuổi chị đã nghỉ học để chuyển qua học nghề kiếm tiền phụ giúp ba mẹ. Những ngày đầu theo học, chị Trang trở thành học viên xuất sắc. Chị cắt may cẩn thận, chú ý từng đường kim mũi chỉ... Nắm vững kỹ thuật may cộng với sự chịu khó tìm tòi, sáng tạo, các mẫu quần áo hợp thời trang của tiệm may do chị làm chủ được nhiều người biết đến. "Nhiều năm trước, khách hàng tìm đến rất đông, nhiều lúc tôi phải từ chối vì sản phẩm làm không kịp", chị Trang nhớ lại.
Thịnh hành được khoảng 10 năm, tiệm may của chị Trang bắt đầu chững lại do khách hàng dần chuyển sang hàng may sẵn vì giá rẻ, tiện lợi. Đơn hàng sụt giảm, khách hàng thưa dần, nhưng chị Trang không nỡ để những thợ may từng gắn bó với mình mất việc giữa chừng. Trăn trở đó khiến chị quyết định chuyển sang sản xuất hàng may sẵn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Thời gian đầu, lối rẽ này tuy giúp chị giải quyết được những khó khăn trước mắt, song chỉ duy trì ở mức cầm chừng, không cải thiện được bao nhiêu. Không đành lòng để những người lao động gắn bó với mình có thu nhập không cải thiện, chị Trang lại tìm cách xoay xở. Nhìn thấy nguyên nhân do vốn ít, sản xuất nhỏ lẻ, nhập vải qua nhiều khâu trung gian nên phải chịu giá cao, chị Trang tìm đến các xưởng vải đặt mua trực tiếp, song chủ các xưởng vải lắc đầu bởi số lượng nhập ít. Không còn cách nào khác, buộc chị phải mở rộng sản xuất. Chị vừa nhận may hàng sỉ, hàng đồng phục cho các cơ quan, trường học, vừa nhận hàng may cho khách lẻ. Ngoài những sản phẩm may thông thường là quần áo, cơ sở may của chị Trang sản xuất thêm hàng loạt các sản phẩm khác như trang phục cung đình, hài, các loại khăn đóng, áo dài… “Lợi thế này cộng với uy tín từ khi còn may hàng thời trang tự thiết kế nên tôi không mấy khó khăn khi tìm đơn hàng bởi họ yên tâm về chất lượng. Điều tôi cần đảm bảo lúc này là động viên lao động chăm chỉ làm việc để giao hàng đúng hẹn, giữ uy tín với khách", chị Trang nói.
Không chỉ ở Huế, chị Trang còn nhận đơn hàng từ Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh... May mắn hơn, chị còn nhận được các đơn hàng may trang phục cung đình phục vụ Festival Huế.
Khi quy mô sản xuất lớn, các xưởng vải đã chủ động tìm đến chị để hợp đồng cung cấp vải. Những nỗ lực đó đã giúp bà chủ Trang gỡ được những nút thắt trong sản xuất kinh doanh, trở thành một trong ít cơ sở may sản xuất được nhiều mặt hàng tại Huế. Hiện nay, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất của chị xuất ra thị trường hơn 100 sản phẩm may các loại.
Điều làm chị Trang vui hơn không chỉ tạo việc làm cho 10 lao động ban đầu mà còn tạo thêm việc làm cho 10 lao động mới, với thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng. Những chị có con nhỏ, chị Trang tạo điều kiện nhận hàng về may tại nhà.
Gắn bó với chị Trang từ nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Uyên cho biết: “Chị Trang rất có trách nhiệm với người lao động. Chị đi khắp nơi liên hệ để có nguồn hàng thường xuyên cho nhân công. Với mức thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng, tôi yên tâm làm tốt công việc của mình”.
“Vẫn có lúc đuối sức nhưng sợ lao động không có việc để làm, lương không đủ nuôi sống bản thân và gia đình nên tôi tự động viên mình phải luôn cố gắng. Tôi tìm đủ cách duy trì đơn hàng để đảm bảo việc làm thường xuyên cho lao động”, chị Trang trải lòng.
Tấm lòng thơm thảo
Chị Trang hiện là thành viên Câu lạc bộ “Phụ nữ khởi nghiệp” và Câu lạc bộ “Hội viên nòng cốt” của Hội LHPN TP. Huế. Tháng 3 vừa qua, chị vinh dự được Hội LHPN tỉnh tuyên dương phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực giai đoạn 2014 – 2019. Nói về thành công của mình, chị Trang cho biết: “Tôi may mắn luôn được chồng và con giúp đỡ, ủng hộ”.
|
Với quan niệm làm được cái gì để giúp đỡ những hoàn cảnh éo le thì nên làm và làm thiện nguyện thì không nên kể thành tích, chị Trang rất khiêm tốn khi nói về công việc thiện nguyện của mình. Song qua lời chị Trần Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN phường Hương Sơ, chúng tôi biết được chị Trang là người có tấm lòng nhân hậu. Gặp những hoàn cảnh bất hạnh, chị sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ. Khi vào thăm và tặng quà cho những bệnh nhân hiểm nghèo tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Huế, thấu hiểu được sự khó khăn, thiếu thốn của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi giành giật sự sống với tử thần, chị Trang càng cảm thông. Chị đã kêu gọi người thân, bạn bè cùng chung sức. Từ năm 2016 đến nay, chị Trang đã hỗ trợ hơn 40 bệnh nhân ung thư tại các bệnh viện, mỗi bệnh nhân từ 1 triệu đến 5 triệu đồng tùy mức độ bệnh và hoàn cảnh của bệnh nhân. Vào dịp Tết Nguyên đán và rằm trung thu, chị Trang còn tổ chức trao hàng trăm suất quà cho các hộ gia đình nghèo khó khăn của phường, quà cho các em nhỏ.
Năm 2018, chị Trang và Hội LHPN phường Hương Sơ đã thành lập nhóm nhân ái với hoạt động phát cơm từ thiện cho các bệnh nhân và hộ khó khăn tại Bệnh viện Trung ương Huế. Những tháng đầu tiên đoàn phát 300 suất cơm, thấy việc làm này ý nghĩa nên một số mạnh thường quân ủng hộ thêm. Đến nay, mỗi tháng nhóm phát cơm từ thiện do chị Trang đứng đầu đã phát trên 500 suất. Cũng nhờ chị Trang ủng hộ và vận động quyên góp, đầu năm nay, 2 hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường là hộ anh Bùi Văn Cát và hộ chị Nguyễn Thị Cường, mỗi hộ được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Chị Cường kể, chồng bị bệnh không làm được việc nặng, gánh hàng rong của chị chỉ đủ trang trải những bữa cơm đạm bạc cho chồng con. Có nhà kiên cố để ở là ước mơ xa vời, nhưng nhờ chị Trang kết nối, ước mơ đó chị đã chạm tới. Nhà mới của gia đình chị đang trong giai đoạn khởi công. Lời cảm ơn chị Trang và các nhà hảo tâm được chị Cường lặp đi lặp lặp lại nhiều lần trong câu chuyện với chúng tôi.
Bài, ảnh: Hải Thuận