ClockThứ Bảy, 28/08/2021 12:41

Gửi thương yêu vào tranh số hóa

TTH - Dịch dã kéo dài. Huế tuy không phải áp dụng quá nhiều biện pháp hạn chế như các tỉnh, thành phố lân cận, nhưng lo lắng, thấu hiểu cho đội ngũ làm việc tuyến đầu vẫn đang trùm mình trong bộ đồ bảo hộ kín khiến mọi người, cả già và trẻ dần trở nên chùng chân hơn khi nghĩ về các cuộc dạo chơi, dù gần.

“Streamer” - xu hướng của giới trẻTranh biện sân chơi trí tuệ của giới trẻBida - Hot trend của giới trẻ

Cần mẫn, tỉ mẩn cùng tranh số hóa

Một số công ty đã bắt đầu triển khai làm việc WFH (work from home: làm việc tại nhà). Các trường học cũng chưa có lịch đến trường trở lại, thành ra mọi người đang tích cực làm quen với chương trình “ai ở đâu ở đấy”. Những lúc như vậy, các thú vui giết thời gian, các môn học mới, thói quen mới bắt đầu hình thành.

Về những môn học mới thì thú thật, tôi cũng rảo quanh một vòng rồi, ừ thì cũng có, nhưng không quá nhiều hay quá nổi bật. Tuy nhiên, các món giải trí mới, thói quen mới thì đúng là giới trẻ nghĩ ra nhiều thật. Một số lập kế hoạch tăng giảm cân, hình thành thói quen nấu nướng tại nhà, một số thì bắt đầu trưng dụng các ứng dụng mua hàng điện tử để thử sức với những loại hình mới. Trong đó có thể kể đến tranh thêu chữ thập, tranh đính đá hay tô tranh số hóa....

Về chuyện vẽ tranh, tô màu, hẳn là đã quá quen thuộc. Khỏa lấp các khung hình trắng bằng các ô màu từ ngày còn bé tí đã là một cách để sáng tạo, thậm chí là một môn học bắt buộc ở trường. Rồi đến lớn lại trở thành một thú vui giải trí, một biện pháp thử thách lòng kiên nhẫn với những bức tranh, họa tiết cầu kỳ, số lượng màu tô phải lên đến hàng chục, với quá nhiều chi tiết, chứ không còn là vài khoảng màu “to bự chảng”, có thể tô lem nhem như ngày còn bé nữa.

Một tác phẩm tranh sau khi hoàn thiện

Nghe có vẻ đầy công nghệ, tranh số hóa được hiểu nôm na là một tác phẩm đã được phác họa và xử lý kỹ thuật theo tỷ lệ chuẩn trên máy tính và được phân khu, phân ô với đủ số thứ tự được in sẵn, tương ứng với các màu cho sẵn đi kèm. Người chơi tranh số hóa chỉ cần tô đúng màu vào các ô có cùng số, thế là được. Tuy nhiên, với những “artist không chuyên”, nghĩ màu gì để điền vào đâu cho nổi bật, hay trộn màu nào với màu nào để ra tông xanh dương lợt, vàng hoa mơ, khối tối chỗ nào, sáng chỗ nào là cả một vấn đề nan giải. Bởi vậy, được sinh ra để giải quyết giúp vấn đề này nên tranh số hóa “lên ngôi” dữ lắm.

Tôi không rõ cụ thể tranh số hóa ra đời từ lúc nào, chỉ thấy từ khi đợt dịch COVID-19 bắt đầu nghiêm trọng lên, trang chủ Facebook, Tik tok... lại ngập tràn các quảng cáo, review và trải nghiệm của nhiều bạn mua tranh số hóa để trổ tài nghệ sĩ.

Nay được phân phối và kinh doanh nhiều, các bạn trẻ biết đến tranh số hóa có thể tha hồ ra yêu cầu, lựa chọn với nhiều thể loại, kích thước, nội dung đa dạng. Về cơ bản, tranh số hóa thường được phác thảo trên vải canvas và căng phẳng trên khung chắc chắn. Loại màu được chọn là màu acrylic bền đẹp, rõ sắc và khó phai. Tùy vào tay nghề và mức độ thời gian, công sức mà khách hàng muốn “dồn vào tác phẩm”, tranh số hóa lại được chia ra 2 thể loại, tranh mẫu sẵn và tranh đặt mẫu. Kích cỡ cũng nhiều chủng loại, từ 20*30cm; 30*40cm và 40*50cm. Lượng màu tô cũng dao động trong khoảng từ 20-24 màu; 30-38 màu và 40-45 màu tùy khách.

Về khoản màu sắc, khi đặt hàng, các saler đều nhấn mạnh: “Chọn nhiều màu thì tô cực hơn, nhưng hình chân thật lắm đấy ạ” rồi gửi kèm hàng loạt những phản hồi từ khách cũ về các bức tranh “thực sự là như chụp” để khách mới thêm phần yên tâm mà lựa.

Đối với nhiều người ngán cảnh chờ đợi, thì tranh số hóa in sẵn mẫu, được bày bán lấy liền trên các diễn đàn, sàn thương mại điện tử khá được chưa chuộng. Cái này dễ mà minh chứng rõ được, khi chỉ cần tìm tranh số hóa trên Shopee hay Lazada là có những mẫu tranh đã bán được gần 5.200 bức, hay thậm chí là gần 10.000 bức. Giá cả cho loại này cũng khá phải chăng, chỉ từ khoảng 150- 250 ngàn đồng đã có tác phẩm chất lượng để tô tô, vẽ vẽ.

Tuy nhiên, với những người coi tranh số hóa là một món quà, hay cách để lưu giữ kỷ niệm ý nghĩa, thì đặt tranh theo mẫu ảnh của riêng mình cũng là một lựa chọn. Cũng được tự do chọn lượng màu, kích thước, tranh số hóa theo mẫu lại mất công chờ đợi để xưởng xét duyệt có chuyển từ ảnh thành tranh được không, rồi sau đó mới đặt làm nên kỳ công hơn hẳn. Ý nghĩa của bức tranh, do vậy không chỉ còn là ở mức độ tỉ mỉ và đầu tư cho tác phẩm, mà còn cả ở khâu chờ đợi để nhận hàng. Cái này tôi khá rành, bởi cũng do dịch, loạt tranh số hóa theo mẫu mình đã cất công nhòm qua ngó lại, cân đo đong đếm tính cũng phải gần 2 tháng vẫn chưa thể đến tay để bắt đầu chăm chút. Thế là cũng chẳng biết phải làm gì, đành luyện ké tranh của bé em ở nhà, với “hầm bà lằng” các tông màu xanh lơ, xanh rin, xanh dương hiền hòa vẽ về cảnh biển mà nhỏ đã đặt đâu đó trên mạng.

Loại tranh đặt mẫu này được các cặp đôi lựa chọn nhiều nhất. Phần lớn đều là các bạn gái đặt mẫu rồi tỉ mẩn làm quà cho người yêu, nhưng cũng có trường hợp, như cái Hạnh ở nhà, nó cũng hào hứng đặt một bức để làm quà chia tay đi du học cho người thương. Thế mà lại dịch, tranh mãi chẳng thấy về, ngày giờ cất cánh thì sắp đến, thành ra bức tranh thay vì là quà tạm biệt, nay chuyển thể thành “bài tập ở nhà” cho cậu bạn trai với lời dặn “anh tô hết đi rồi em về”. Nghe mà thương chi lạ.

Tranh số hóa ở một số hình thức nào đó, là cách để giải stress cho nhiều người, nhưng ở một góc nhìn khác, đó là cách mọi người trao gửi yêu thương, thay vì chỉ lúi húi vào màn hình ảo trong những giờ rảnh rỗi. Tôi bắt đầu thấy mình nghiện tranh số hóa từ lúc nào, khi ngẩng mặt lên đã thấy 1h sáng nhưng mình và bé em vẫn đang cần mẫn tô vẽ bức tranh đặt sẵn. Nhưng kỳ thật, nước màu cứ đi từng nét, trong lòng vẫn thấy mình đang đầy khấp khởi về một tác phẩm đang trên đường về tay có ảnh của mình và người thương...

Bài, ảnh: HẠ AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Check-in “tọa độ” mới

Ngày nghỉ, dịp cuối tuần hay những lúc rảnh rỗi, giới trẻ lại có thói quen tìm những “tọa độ” mới để bổ sung cho mình bộ sưu tập ảnh sống ảo. Thay vì bỏ công tìm những địa điểm vui chơi xa, gần đây, nhiều bạn trẻ chuyển hướng lựa chọn các điểm ăn uống, vui chơi, mua sắm để check-in ngay trong thành phố.

Check-in “tọa độ” mới
Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

Tại giải thưởng Kiến trúc Xanh sinh viên năm 2024 – SGA 2024, Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế vinh dự có 2/19 đồ án được trao giải. Đồ án tốt nghiệp “OTT – Trường học ‘không tường’ – Không gian trải nghiệm hành trình xanh” của sinh viên Nguyễn Hoàng Nhật Quyên (sinh năm 2001) nhận được nhiều sự khen ngợi từ ban giám khảo và giành giải Nhì toàn quốc.

Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”
Truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho gần 1.500 học sinh

Ngày 26/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho gần 1.500 học sinh các trường THTP Cao Thắng, Gia Hội, Nguyễn Huệ.

Truyền thông phòng chống HIV AIDS cho gần 1 500 học sinh
Đừng lạm dụng tiếng lóng

Cuối tuần, cô cháu gái khoe, lớp con tổ chức hoạt động trải nghiệm về chủ đề “Ngôn ngữ của tuổi teen”. Ý tưởng này khá hay và được rất nhiều phụ huynh đồng tình, khi thực trạng sử dụng ngôn ngữ theo kiểu “tự chế” của học sinh ngày càng phổ biến.

Đừng lạm dụng tiếng lóng
Ăn khuya ở Huế

Khi đồng hồ điểm những giây phút chuyển giao giữa ngày cũ và ngày mới, ở nhiều góc phố của xứ Huế vẫn nhộn nhịp khách ăn khuya. Những vị khách ấy đa phần là người trẻ, sinh viên, người đi du lịch đã góp phần làm cho góc phố của Huế không còn ngủ sớm.

Ăn khuya ở Huế
Return to top