ClockThứ Hai, 22/07/2024 06:59

Hay quên

TTH - Hay quên là tình trạng xảy ra ở rất nhiều người với mọi lứa tuổi, giới tính khác nhau. Tình trạng hay quên không chỉ phổ biến ở người già, mà còn có thể gặp ở những người trẻ tuổi. Bệnh gây ra nhiều phiền hà trong cuộc sống, sinh hoạt, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập và hiệu quả công việc. Do đó tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh để kịp thời điều trị hiệu quả chứng bệnh hay quên là điều vô cùng quan trọng.
 Quên khóa gas lúc nấu ăn cũng là hội chứng hay quên (ảnh minh họa). Ảnh: HD

Hay quên là một vấn đề rất thường gặp ở người cao tuổi. Nguyên nhân là do sự lão hóa tự nhiên. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Trong nhiều trường hợp, bệnh hay quên có thể tiến triển nhanh dẫn đến suy giảm trí nhớ. Theo thời gian, bệnh có thể tiến triển âm thầm và có thể dẫn đến tình trạng sa sút trí tuệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, đối với người trẻ, bệnh hay quên thường đến vì làm việc quá căng thẳng; có bệnh ở não, chấn thương não; do thuốc và các chất gây nghiện, hoặc do một số bệnh lý mạn tính, như: Bệnh gan, thận, phổi…, có thể dẫn đến tình trạng thiếu o-xy não và đây chính là một trong những lý do gây ra bệnh hay quên.

Những dấu hiệu của bệnh hay quên: Ban đầu thường là quên đồ đạc, quên tên, quên lịch làm việc… Ở giai đoạn nặng hơn, bệnh có thể gây ra rối loạn về hành vi như đi lang thang, lạc đường, quên cách nấu ăn, khó thực hiện các động tác phối hợp. Thậm chí, người bệnh sẽ gặp khó khăn khi tìm ngôn ngữ để diễn đạt, nói lặp, hay nhắc lại chuyện đã nói, kể chuyện không có trình tự.

Ngoài ra, người mắc chứng hay quên có những thay đổi về trí nhớ, nhân cách và hành vi. Nếu không được điều trị kịp thời có thể mắc các bệnh như Alzheimer, sa sút trí nhớ nhồi máu đa dạng,... Vì vậy, khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng của bệnh cần đi kiểm tra và khám chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn và điều trị hiệu quả, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt và vận động hàng ngày.

Để dự phòng chứng bệnh hay quên và mất tập trung, chúng ta nên tạo thói quen đi bộ vào sáng sớm hay chiều tối mỗi ngày ở nơi thoáng sạch, khoảng 30-60 phút; vận động 10 ngón tay, giúp máu lưu thông rộng ở nhiều vùng trên não, thúc đẩy tuần hoàn não, kích hoạt cần thiết, phòng chống suy, teo não; tập tay với bi và thường xuyên tập thể dục cho đầu cổ…

Khi thực hiện các biện pháp thể dục để dự phòng chứng bệnh hay quên nhưng vẫn không cải thiện thì cần gặp bác sĩ chuyên khoa tâm trí để được điều trị kịp thời bằng thuốc.

Nếu gặp chứng bệnh hay quên và mất tập trung kéo dài ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt, người bệnh nên đến chuyên khoa thần kinh để được khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra được một chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị phù hợp nhất.

TS.BS. Nguyễn Đức Hoàng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thái Lan trước "quả bom hẹn giờ" già hóa dân số

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Thái Lan là một trong những xã hội già hóa nhanh nhất thế giới, nhưng dường như nền kinh tế nước này chưa chuẩn bị tốt để đối phó với cuộc khủng hoảng dân số già.

Thái Lan trước quả bom hẹn giờ già hóa dân số
Return to top